Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-CT-XB

Hà Nội, ngày 02 tháng 01 năm 1965 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC SỬ DỤNG SÁCH GIÁO KHOA CŨ VÀ MỚI

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC 

Kính gửi: 

- Các ông Giám đốc Sở Giáo dục,
- Các ông Trưởng ty Giáo dục,

 

Năm 1964, theo chủ trương chung, Bộ đã cho biên soạn lại các loại sách tập đọc, lịch sử của cấp I, các loại sách khoa học xã hội cấp II, III, sinh vật cấp II nhằm cải tiến một bước nội dung giảng dạy học tập của nhà trường.

Nhìn chung, sách năm 1964 ra sớm, kịp thời phục vụ cho năm học. Tuy vậy theo sự phản ánh của nhà trường sách học kỳ 1 có một số loại bị thiếu, một số lớp thiếu hẳn một loại sách gây khó khăn cho việc học tập. Nguyên nhân chủ yếu là:

- Có một số loại sách in số lượng thấp hơn khả năng thực hiện kế hoạch phát triển, chủ yếu là cấp I và các lớp đầu cấp. Số lượng các tỉnh đặt còn thấp hơn yêu cầu do sợ bị ế đọng.

- Một số cơ sở Quốc doanh phát hành sách địa phương chưa tiến hành phân phối theo tỷ lệ chung đã quy định, do đó có hiện tượng nơi thừa nơi thiếu (sách luân lý) hoặc có loại nơi này đầy đủ nơi kia thiếu hoàn toàn. Có nơi thu tiền trước, sách chia cho các em có khi gán ghép.

- Nhà trường chưa chú ý đúng mức đến việc sử dụng sách cũ (đối với những loại tái bản) mà chỉ chú trọng đôn đốc học sinh mua toàn sách mới. Nhiều nơi còn bắt học sinh mua hoàn toàn sách mới (Hà Nội, Hà Đông) trong khi đó có nhiều loại vẫn có thể dùng sách cũ. Có nơi giáo viên ngại hướng dẫn sửa trong sách cũ nên bắt mua toàn sách mới.

Tình trạng trên ở một số nơi có ảnh hưởng không tốt, nhất là gây nên tình trạng thiếu sách. Sách cũ mà học sinh có còn có thể dùng được thì lại không hướng dẫn sử dụng. Có thiếu sót trên là do các Sở, Ty Giáo dục chưa quan tâm chỉ đạo, nghe ngóng dư luận trong nhân dân để phối hợp với cơ quan phát hành cho tốt.

Trong học kỳ 2 sắp tới học sinh sẽ:

- Có một số sách tập đọc cấp I, văn, sử, địa cấp II, III, sinh vật cấp II, kỹ thuật nông nghiệp cấp II, Nga văn lớp 5, 6, 8 là sách mới.

- Các sách tập 2 hoặc các sách toàn tập về các môn khác đều có thể sử dụng sách cũ.

Sách in có nhiều hơn tập 1 nhưng không thể thỏa mãn toàn bộ. Do đó Bộ yêu cầu các Sở, Ty:

- Ngay từ bây giờ, khi chuẩn bị cho học kỳ 2 năm 1964 – 1965, cần giải thích cho giáo viên về trách nhiệm vận động học sinh tận dụng sách cũ còn dùng được, không nhất thiết bắt học sinh mua hoàn toàn sách mới. Các Sở, Ty có biện pháp hướng dẫn lãnh đạo giáo viên quan tâm giúp đỡ học sinh sửa chữa sách cũ theo sách tái bản (nếu có tu chỉnh).

- Đối với sách toàn tập còn dùng cho học kỳ 2 nhưng còn thiếu sách mới thì vận động tìm sách cũ của năm trước.

- Sở, Ty cần phối hợp với cơ quan phát hành tổ chức phân phối tốt sách tập 2, bán có kế hoạch cho đủ các trường không quên nơi nào, nơi nào có tiền trước cũng không lấy nhiều quá tỷ lệ, để dành cho các trường ở xa hoặc có khó khăn phải lấy sách chậm. Tuyệt đối tránh gán ép. Nhưng mặt khác cũng không nên để cho học sinh dùng sách cũ quá, hoặc đã rách nát, v.v… và phải đề phòng tình trạng thừa sách trong khi học sinh lại phải chép bài.

- Sở, Ty chỉ thị cho các trường thông báo cho phụ huynh học sinh biết để cùng phối hợp với nhà trường.

- Sở, Ty cần kiểm tra chặt chẽ, uốn nắn kịp thời.

Đó là công việc trước mắt cần làm đầu học kỳ 2, Ngoài ra Bộ cũng báo các Sở, Ty rõ là sang năm học 1965 – 1966, toàn bộ sách giáo khoa vẫn không thay đổi tái bản như năm nay.

Các Sở, Ty cần thông tri cho các cấp để báo cho học sinh bảo quản tốt sách tập 1 đã dùng và sách tập 2 sắp dùng để sang năm còn có thể chuyển sang cho người khác, tiết kiệm cho gia đình và tiết kiệm giấy cho Nhà nước. Bảo quản sách tốt cũng là đức tính cần thiết đối với học sinh.

Các Vụ chuyên môn và Nhà xuất bản cần tăng cường chỉ đạo hướng dẫn thêm.

Đây là vấn đề rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập và cũng là quan điểm chống lãng phí, tiết kiệm tiền của gia đình học sinh. Các Sở, Ty cần có kế hoạch phổ biến kịp thời, chỉ đạo cụ thể, theo dõi uốn nắn lệch lạc tránh tình trạng làm qua loa, ngại khó.

Có gì khó khăn, yêu cầu báo cáo về Bộ và Nhà xuất bản Giáo dục để kịp thời giải quyết.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
 
 


Nguyễn Văn Huyên