HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/NCPL | Hà Nội, ngày 20 tháng 1 năm 1987 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC XÉT XỬ VÀ THI HÀNH ÁN ĐỐI VỚICÁC KHOẢN BỒI THƯỜNG, BỒI HOÀN, THANH TOÁN TÀI SẢN, CẤP DƯỠNG TRONG CÁC BẢN ÁN HÌNH SỰ VÀ DÂN SỰ
Tình hình giá cả hiện nay không ổn định, gây khó khăn cho việc xét xử và thi hành án đối với các khoản bồi thường, bồi hoàn, thanh toán nợ, chia tài sản, đền bù công sức, cấp dưỡng, góp phí tổn nuôi con, không bảo đảm được lợi ích của Nhà nước, của tập thể và của công dân.
Để đảm bảo cho người có quyền lợi về tài sản không bị thiệt thòi do tình trạng biến động về giá cả gây nên, Toà án nhân dân tối cao yêu cầu các cấp Toà án thi hành một số quy định sau đây về công tác xét xử và thi hành án:
1- Đối với các trường hợp gây thiệt hại phải gây bồi thường, bồi hoàn bằng tiền; các giao dịch dân sự mà các đương sự phải thanh toán với nhau bằng tiền; các khoản cấp dưỡng bằng tiền, các khoản tiền phạt và án phí thì khi xét xử, nói chung Toà án quy đổi khoản tiền đó ra thóc (hoặc gạo) theo giá lúc xử sơ thẩm. Tuy nhiên, đối với các trường hợp mà thời điểm gây thiệt hại hoặc giao dịch cách xa thời điểm xử sơ thẩm, nếu xác định giá trị thiệt hại lúc xử sơ thẩm hoặc quy đổi ra giá thóc lúc xử sơ thẩm sẽ không hợp lý , không bù đắp được thiệt hại thực tế , thì toà án xác định thiệt hại và quy đổi ra thóc hoặc gạo theo giá thóc, gạo lúc xảy ra thiệt hại (hoặc lúc giao dịch).
Thí dụ: Tháng 6-1980, xảy ra việc trộm cắp tài sản, tham ô tiền hoặc vay nợ 2.000 đồng tiền cũ. Đến tháng 12-1986, mới xử sơ thẩm thì số tiền đó chỉ còn là 200 đồng tiền mới và nếu giá 1 kg gạo là 40 đồng thì chỉ mua được 5 kg gạo. Do đó, muốn cho đương sự khỏi bị thiệt thì Toà án phải quy đổi 2.000 tiền cũ ra gạo theo giá gạo tháng 6-1980 (giá định là 10đ/kg) thì số gạo sẽ được quy đổi ra là: 2000đ: 10đ/kg = 200kg.
Khi thi hành án, chấp hành viên căn cứ vào giá thóc, gạo ở thời điểm thi hành án, quy đổi số thóc (hoặc gạo) đó thành tiền để các đương sự thi hành.
2- Đối với các trường hợp có thể thanh toán được bằng vật cùng loại (tức là bằng những vật có hình thức, chất lượng và giá trị như nhau, như gạch ngói, xi măng, xe đạp cùng loại v, v...) thì khi xét xử Toà án xử thanh toán bằng hiện vật. Khi thi hành án, nếu không có hiện vật để thanh toán, thì chấp hành viên cho trả bằng tiền theo giá của vật đó lúc thi hành án.
3- Về căn cứ để xác định giá thì khi xét xử cũng như thi hành án sẽ xác định như sau:
- Đối với những thứ Nhà nước đang có bán tự do theo giá kinh doanh thương nghiệp thì lấy giá đó làm căn cứ.
- Đối với những thứ Nhà nước không có bán tự do theo giá kinh doanh thương nghiệp thì căn cứ vào giá do hai bên đương sự thoả thuận với nhau, nếu hai bên không thoả thuận được về giá, thì lấy giá trung bình ở thị trường địa phương trong tháng hoặc tháng liền trước đó, do cơ quan vật giá cung cấp.
4- Về cách tuyên án thì trong trường hợp phải quy đổi tiền thành thóc hoặc gạo, phải nói rõ trong phần quyết định của bản án (hình sự và dân sự) và các khoản tiền phạt, bồi thường, bồi hoàn, trả nợ, án phí v.v... mỗi khoản được quy đổi thành bao nhiêu kg thóc, gạo. Đồng thời, cũng phải ghi rõ là khi thi hành án, lương thóc, gạo đó sẽ được tính thành tiền theo giá thóc, gạo tại thời điểm thi hành án.
Trong thực tế, việc giải quyết các trường hợp cụ thể sẽ rất phức tạp. Vì vậy trong quá trình thực hiện chỉ thị này, nếu thấy có điểm nào chưa phù hợp thì Toà án nhân dân địa phương cần kịp thời báo cáo để Toà án nhân dân tối cao nghiên cứu hướng dẫn thêm.
Việc thi hành các khoản bồi thường, bồi hoàn... đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày ban hành Chỉ thị này, sẽ có hướng dẫn sau
| Phạm Hưng (Đã ký)
|