Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 013-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 1 năm 1958

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC BỔ TÚC NGHỀ NGHIỆP CHO CÔNG NHÂN VÀ ĐÀO TẠO THỢ MỚI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi:

 

- Uỷ Ban Kế hoạch Nhà nước
- Các Bộ Lao động, Công nghiệp, Giao thông và Bưu điện, Thuỷ lợi và Kiến trúc, Nông lâm, Văn hóa, Thương nghiệp, Quốc phòng, Tài chính, Giáo dục. 

 

Từ ngày hòa bình lập lại đến nay, nhu cầu khôi phục và phát triển kinh tế đã thúc đẩy các ngành cố gắng đào tạo và bổ túc nghề nghiệp cho công nhân, giải quyết được nhiều khó khăn trong sản xuất và kiến thiết. Nhưng công tác bổ túc và đào tạo công nhân còn nhiều thiếu sót và trở ngại.

- Nhiều ngành chưa nhận thức đúng mức sự cần thiết và quan trọng của công tác bổ túc nghề nghiệp cho công nhân và đào tạo thợ mới.

- Chính phủ chưa có chính sách cụ thể, chưa quy định các khoản kinh phí, thì giờ, và các phương tiện hoạt động khác, nên các ngành còn gặp nhiều lúng túng.

- Bộ máy công tác bổ túc nghề nghiệp và đào tạo công nhân ở các cấp tổ chức chưa chu đáo, nhiệm vụ chưa rõ ràng, sự liên hệ giữa Bộ Lao động và các Bộ chưa chặt chẽ, do đó công tác bổ túc và đào tạo công nhân thiếu sự trùng hợp chung, có tính chất riêng lẻ, độc lập từng ngành, gây nhiều bất hợp lý và lãng phí.

Công tác bổ túc nghề nghiệp và đào tạo công nhân nhằm xây dựng một lực lượng công nhân lành nghề và giác ngộ chính trị hiện nay là rất quan trọng và cấp thiết. Có một lực lượng công nhân lành nghề thì mới sử dụng tốt các thiết bị máy móc mới, nâng cao năng suất lao động và chuẩn bị cho công cuộc phát triển nền công nghiệp sau này.

Để công tác bổ túc nghề nghiệp cho công nhân và đào tạo thợ mới được thuận lợi, Thủ tướng Phủ quyết định những điều sau:

1. Bổ túc nghề nghiệp tại chức:

Căn cứ tình hình phát triển kinh tế của Nhà nước và khả năng nghề nghiệp của côn gnhân hiện nay, các ngành phải đặt công tác bổ túc nghề nghiệp tại chức cho công nhân là chính. Phải kiên quyết tổ chức bổ túc nghề nghiệp để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho công nhân và cán bộ kỹ thuật cơ sở.

Công tác bổ túc nghề nghiệp cho công nhân nhằm xây dựng những kiến thức về:

- Lý thuyết cơ bản trong nghề nghiệp;

- Sử dụng thông thạo máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu;

- Áp dụng phương pháp tiên tiến của ta và các nước bạn;

- Bảo đảm kỹ thuật sản xuất, an toàn lao động, giữ gìn máy móc;

- Phương pháp quản lý sản xuất;

- Nâng cao trình độ chính trị, văn hóa cho công nhân...

Lấy hình thức bổ túc tại chức làm chủ yếu, và tuỳ theo tình hình kỹ thuật, tính chất sản xuất của từng ngành, từng xí nghiệp mà áp dụng những biện pháp kèm cặp giữa thợ khá và thợ kém, trao đổi kinh nghiệm, học tập chuyên gia bạn, tổ chức nói chuyện về kỹ thuật v.v...

Các ngành nên nghiên cứu sắp xếp thì giờ học tập văn hóa, chính trị, dành thì giờ học tập chuyên môn cho anh em cán bộ kỹ thuật và công nhân. Tổ chức học tập ngoài giờ sản xuất là chính. Trường hợp đặc biệt, những xí nghiệp, công trường nào xét rất cần thiết và có đủ điều kiện tổ chức lớp bổ túc trong giờ làm việc cho công nhân mà không ảnh hưởng gì đến kế hoạch sản xuất, thì nên bố trí người thay thế hoặc hỗ trợ lẫn nhau trong giờ sản xuất, để công nhân có thể thay phiên nhau đi học.

Cần chú ý bổ túc cho cán bộ kỹ thuật cơ sở (trưởng ca, trưởng kíp), công nhân có nhiều triển vọng tiến bộ trong nghề nghiệp, những ngành trọng yếu, hoặc những ngành gặp nhiều khó khăn mắc mưu trong sản xuất. Trong khi tiến hành công tác bổ túc đào tạo tại chức cho công nhân, các ngành phải đôn đốc cho xí nghiệp nghiên cứu quy định trong một thời gian nhất định mỗi người công nhân được kèm cặp, bổ túc sẽ phải đạt được một tiêu chuẩn nhất định như thế nào. Cán bộ phụ trách xí nghiệp, công trường phải có kế hoạch theo dõi sự tiến bộ của từng người để đề bạt, khen thưởng đúng mục và kịp thời, để khích lệ người học cũng như người dạy. Tránh tình trạng khen thưởng cất nhắc bừa bãi, hoặc buông thả...

2. Đào tạo thợ mới:

Tiếp tục củng cố các trường đang đào tạo của các Bộ đã có cho thật tốt, đào tạo cho những nghề và những ngành cần thiết trước, chú ý đào tạo anh em các dân tộc thiểu số các khu tự trị thành những người thợ cần thiết cho kinh tế ở các vùng dân tộc thiểu số.

Đối với các trường kỹ thuật chuyên nghiệp, việc chiêu sinh phải có tiêu chuẩn cụ thể, thích hợp, phải thi, phải có ban giám khảo tốt. Học sinh được vào học phải làm cam kết khi mãn khóa sẽ phục vụ nhân dân theo sự phân phối điều động của Nhà nước.

Đặc biệt chú trọng giáo dục cho học sinh ý thức lao động mới, yêu nghề nghiệp, và trung thành với chế độ xã hội chủ nghĩa.

Chấm dứt tình trạng khi ra trường không chịu nhận công tác theo sự phân phối điều động của Nhà nước.

Uỷ ban kế hoạch Nhà nước sẽ cùng các Bộ sử dụng công nhân phải có kế hoạch kiểm kê công nhân và cán bộ kỹ thuật hiện có trong và ngoài biên chế, số yêu cầu các năm sắp đến, thừa thiếu bao nhiêu để có kế hoạch đào tạo cụ thể, và mỗi khi có chủ trương xây dựng nhà máy mới phải có kế hoạch đào tạo công nhân cho nhà máy đó kịp thời.

3. Đưa công, học sinh đi học ở các nước bạn:

Đưa công nhân ,học sinh đi học ở các nước bạn ,nên cho học những nghề mà trong nước chưa có hay không thể đào tạo được. Đối với những nghề trong nước tuy đã có nhưng kỹ thuật kém, mà cần phải cho người đi học, thì phải chọn những cán bộ kỹ thuật, công nhân có nghề và có khả năng học tập được, tương đối giác ngộ về chính trị. Các ngành chuyên môn nên tính toán thời gian học tập, để bảo đảm học cho thành nghề, tránh tình trạng đưa người đã biết nghề này học nghề khác, hay đưa người chưa biết nghề đi học, không được vì cảm tình cá nhân hay vì quan hệ họ hàng thân thuộc mà cho đi học.

4. Kinh phí bổ túc và đào tạo công nhân:

Bộ Tài chính cùng các Bộ chủ quản nghiên cứu quy định cụthể cáckhoảnkinh phí cho công tác bổ túc, đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân chuyên nghiệp theo hai nguyên tắc sau đây:

- Đào tạo cho kế hoạc Bộ, Cục hoặc xí nghiệp để chuẩn bị cho sản xuất đã được Nhà nước duyệt trong kế hoạch kinh tế quốc dân thì Bộ, Cục và xí nghiệp làm dự trù do Nhà nước đài thọ.

- Bổ túc, đào tạo tại chức cho xí nghiệp và công trường thì tiền phí tổn cho công tác bổ túc và đào tạo đó sẽ do xí nghiệp, công thương chịu và hạch toán vào chỉ tiêu ngoài sản xuất.

Trong lúc chờ đợi quy định cụ thể, các ngành cần làm công tác cấp thiết trong vấn đề trên, phải đến bàn bạc với Bộ Tài chính để giải quyết thống nhất.

5. Nhiệm vụ các Bộ:

Công tác bổ túc nghề nghiệp cho công nhân và đào tạo thợ mới hiện nay căn bản là do Bộ, ngành sử dụng công nhân chịu trách nhiệm chính. Các Bộ, các ngành, các ông Giám đốc các xí nghiệp, công trường phải coi trọng công tác bổ túc và đào tạo cho công nhân, và sẽ tuỳ tình hình sản xuất, tuỳ yêu cầu khối lượng công tác mà tổ chức bộ máy hoặc cử cán bộ có năng lực phụ trách.

Nhiệm vụ của các bộ phận đó là: nghiên cứu chương trình kế hoạch, biện pháp, biên soạn tài liệu, lập dự trù kinh phí, tổ chức các lớp học cho công nhân v.v... Bộ Lao động làm nhiệm vụ tổng hợp, có trách nhiệm cùng Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và các Bộ nghiên cứu xây dựng kế hoạch bổ túc và đào tạo công nhân, xây dựng các chính sách, góp ý kiến hướng dẫn trong việc chiêu sinh, quy định các chế độ phụ cấp, tham góp ý kiến về chương trình, nội dung, thì giờ giảng dạy, theo dõi kiểm tra, đôn đốc, tổ chức trao đổi rút kinh nghiệm, giúp đỡ, các ngành thực hiện đúng chủ trương đường lối của Chính phủ; cùng Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và các đoàn thể quần chúng động viên phong trào học tập nghề nghiệp trong công nhân.

Trong khi thi hành chỉ thị này, các Bộ có gặp điều gì trở ngại sẽ cùng Bộ Lao động thảo luận giải quyết. Nếu vấn đề gì Bộ Lao động không giải quyết được thì Bộ Lao động sẽ báo cáo lên Thủ tướng Phủ giải quyết.

 

 

Lê Thanh Nghị

(Đã ký)