BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2003/CT-BYT | Hà Nội, ngày 15 tháng 09 năm 2003 |
Đại hội thể thao các nước Đông Nam Á lần thứ 22 (SEA Games 22) và Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 2 (ASEAN Paragames 2) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 12 năm 2003 tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và 9 tỉnh, thành phố khác là Hải Phòng, Hải Dương, Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định và Bắc Ninh.
Để thực hiện Chỉ thị số 10/2003/CT-TTg ngày 14/04/2003 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chuẩn bị, phục vụ SEA Games và ASEAN Paragames 2; nhằm tăng cường công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm và tổ chức thường trực cấp cứu, chăm sóc sức khỏe trong thời gian diễn ra Đại hội, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị cho các đồng chí giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi diễn ra Đại hội, các đồng chí giám đốc các Bệnh viện được huy động tham gia phục vụ Đại hội thực hịên tốt những việc sau đây:
1. Đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh:
a) Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh dịch và giám sát dịch tễ tại các tuyến, các cửa khẩu, nhà ga sân bay quốc tế, đặc biệt tại các điểm thi đấu, các nhà hàng, khách sạn nơi ăn, ở của các đoàn thi đấu, trọng tài.
b) Yêu cầu các nhà hàng, khách sạn phục vụ SEA Games 22 và ASEAN Paragames 2 phải có cam kết trách nhiệm trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, nước sạch, không để có ruồi, muỗi, chuột, dán, các loại côn trùng trung gian truyền bệnh khác trong khu vực nhà hàng, khách sạn.
c) Tổ chức thường trực phòng dịch và thực hiện nghiêm túc việc thông tin, báo cáo dịch theo Quyết định số 4880/2002/QĐ-BYT ngày 06/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Riêng trong thời gian Đại hội phải thực hiện báo cáo công tác phòng chống dịch hàng ngày.
d) Đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất cần thiết để sẵn sàng xử lý các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trương, phòng chống dịch bệnh trong suốt thời gian diễn ra Seagames 22 và Paragames 2 tại địa phương.
Công tác vệ sinh môi trường, giám sát dịch phải được tiến hành liên tục, trước, trong và sau thời gian thi đấu.
Cục Y tế dự phòng và Phòng chống HIV/AIDS có kế hoạch chỉ đạo, tổ chức tập huấn chuyên môn và kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện những nhiệm vụ trên.
2. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
a) Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg ngày 15/04/1999 của Thủ tướng Chính phủ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là các tỉnh) chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các Ban, ngành có liên quan tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu thu mua nguyên liệu thực phẩm đến quá trình vận chuyển, bảo quản, chế biến và sử dụnh. Đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thức ăn đường phố, gắn với phong trào xây dựng gia đình, làng, khu phố văn hóa - sức khỏe.
b) Các nhà hàng, khách sạn phục vụ Seagames 22 và Paragames 2 phải cảm kết thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh cơ sở, có nguồn cung cấp thực phẩm sạch và an toàn vệ sinh trong quá trình chế biến thực phẩm, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến, chế độ khám sức khỏe và vệ sinh cá nhân, chế độ kiểm thực để đảm bảo an toàn thực phẩm cho vận động viên, trọng tài và khách tham dự các Đại hội.
c) Tổ chức giám sát việc kiểm thực 3 bước (trước khi nhập nguyên liệu, thực phẩm, trước khi nấu và trước khi ăn) tại các nhà hàng trong suốt thời gian phục vụ Đại hội; chuẩn bị và sẵn sàng xử trí khi xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Mọi trường hợp ngộ độc (nếu có) phải được xử trí và báo cáo kịp thời.
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, tuyên truyền hướng dẫn, tập huấn chuyên môn và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị, địa phương kể cả trước, trong và sau thời gian thi đấu.
3. Đảm bảo cấp cứu, chăm sóc sức khỏe và dự phòng, xử trí tai nạn, thảm họa.
a) Có kế hoạch đảm bảo cấp cứu và chăm sóc sức khỏe tại các điểm thi đấu, tập luyện và tại nơi ăn nghỉ của các đoàn và các phương án xử trí trong trường hợp xảy ra thảm họa, chấn thương, ngộ độc hàng loạt.
b) Đảm bảo đủ cơ số thuốc, thang thiết bị, dụng cụ và phương tiện vận chuyển tại các điểm thường trực cấp cứu. Các cán bộ, nhân viên y tế được lựa chọn tham gia phục vụ phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, nêu cao tính chủ động và hợp tác tốt trong thời gian phục vụ.
c) Các Bệnh viện được huy động tham gia phục vụ chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, giường bệnh để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh và sẵn sàng tham gia cấp cứu khi có lệnh điều động.
Vụ Điều trị - Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo các bệnh viện thực hiện các yêu cầu theo điều động của Tiểu Ban Y tế và Kiểm tra doping; phối hợp với Tiểu ban tổ chức tập huấn chuyên môn, chuẩn bị cơ số thuốc, máu, trang thiết bị y tế và phương tiện vận chuyển; xây dựng các phương án tập luyện, diễn tập để đảm bảo sẵn sàng đối phó với các tình huống có thể xảy ra.
4. Tiểu Ban Y tế và Kiểm tra doping Seagames 22, Sở Y tế các tỉnh nơi diễn ra Đại hội và các đơn vị tham gia phục vụ Đại hội có trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nguồn kinh phí được cấp và thực hiện việc thanh quyết toán theo quy định. Trên cơ sở nguồn kinh phí được cấp và yêu cầu nhiệm vụ được giao, các Sở Y tế tỉnh cần báo cáo và đề nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ từ nguồn lực của địa phương để chi cho các hoạt động cần thiết khác mà kinh phí của Trung ương chưa đáp ứng được.
5. Trách nhiệm triển khai thực hiện
Tiểu ban Y tế và Kiểm tra doping Seagmes 22 là đầu mối kiểm tra, theo dõi và báo cáo Bộ trưởng trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Vụ Điều trị - Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chịu trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được phân công. Các Vụ, Cục, Văn phòng, Thanh tra Bộ kết hợp chỉ đạo thực hiện những nội dung công việc có liên quan.
Sở Y tế các tỉnh nơi diễn ra Đại hội có trách nhiệm xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện, để bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác cấp cứu, chăm sóc sức khỏe, dự phòng, xử trí tai nạn, thảm họa tại địa phương như quy định tại điểm 1, 2, 3 và 4 của Chỉ thị này.
Sở Y tế các tỉnh không diễn ra Đại hội và các cơ sở khám chữa bệnh khác không trực tiếp tham gia phục vụ Đại hội cần tiếp tục duy trì và phát huy kết quả trong công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường chỉ đạo công tác giám sát dịch tễ, không để bệnh dịch lây lan; phát động phong trào vệ sinh môi trường, làm sạch đẹp đường phố để cùng tạo khí thế chung của cả nước hướng tới Seagames 22 và ASEAN Paragames 2 đồng thời sẵn sàng chi viện hỗ trợ chuyên môn khi được điều động.
Thời gian tổ chức tới Seagames 22 và Paragames 2 đang đến gần, vì vậy các đơn vị phải khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện. Tiểu ban Y tế và Kiểm tra doping Seagames 22 chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế về kết quả thực hiện Chỉ thị này đến khi kết thúc các Đại hội.
| BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
- 1 Quyết định 31/2008/QĐ-BYT công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Y tế ban hành đến ngày 31 tháng 12 năm 2007 đã hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2 Quyết định 31/2008/QĐ-BYT công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Y tế ban hành đến ngày 31 tháng 12 năm 2007 đã hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 1 Chỉ thị 10/2003/CT-TTg về tăng cường công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam á lần thứ 22 (SEA Games 22) và Đại hội thể thao do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 4880/2002/QĐ-BYT về Quy chế thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 3 Chỉ thị 08/1999/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ ban hành