BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2004/CT-BYT | Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG BỆNH VIÊM PHỔI DO VI RÚT
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, trong những tháng cuối năm 2003 và tháng 1/2004, dịch cúm đã gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt dịch Cúm gà do vi rút Cúm A phân týp H5N1.
Tại châu á, từ tháng 12/2003 đến nay, dịch Cúm gà đã ghi nhận tại các quốc gia như Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Indonesia, Đài Loan... Đến nay, Thái Lan đã ghi nhận có 5 trường hợp mắc Cúm A, phân týp H5N1, cả 5 trường hợp đã tử vong.
Tại Việt Nam, theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dịch Cúm gà xảy ra tại 56/64 tỉnh/ thành phố với hàng triệu con gia cầm chết. Dịch đã xảy ra trên người và xác định vi rút cúm A (H5N1) tại 11 tỉnh/ thành phố.
Để khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh viêm phổi do vi rút, Bộ Y tế yêu cầu:
I. Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/ thành phố khẩn trương triển khai các nội dung sau:
1. Chỉ đạo các Trung tâm Y tế dự phòng và các đơn vị y tế trực thuộc triển khai giám sát dịch tễ tại các khu vực có dịch gia cầm, thực hiện nghiêm túc Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 17/TB-VPCP ngày 1/2/2004 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh viêm phổi do vi rút và các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng chống bệnh viêm phổi do vi rút.
2. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh/ thành phố bổ sung kinh phí để mua thuốc, hoá chất, vật tư chuyên dụng phục vụ công tác phòng chống dịch và các trang bị phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế trực tiếp điều tra xử lý ổ dịch, trực tiếp điều trị bệnh nhân.
3. Chỉ đạo các cơ sở điều trị huy động toàn bộ các lực lượng và phương tiện hiện có sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân, đặc biệt trong trường hợp dịch lan rộng, kéo dài.
4. Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong các hoạt động phòng chống dịch ở gia cầm, gia súc, đặc biệt trong việc tiêu huỷ gia cầm, gia súc bị bệnh. Có biện pháp nghiêm ngặt phòng hộ cho người tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh: người chăn nuôi, người xử lý gà chết... không để lây lan dịch Cúm gà sang người. Thống nhất việc hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở gia cầm và ở người.
5. Tổ chức tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong nhân dân về các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.
6. Thực hiện nghiêm túc quy chế thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch ban hành kèm theo Quyết định số 4880/2002/QĐ-BYT ngày 06/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế Báo cáo diễn biến tình hình bệnh viêm phổi do vi rút tại địa phương về Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế trước 16 giờ hàng ngày.
II. Viện trưởng các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Giám đốc các bệnh viện Trung ương và các đơn vị trực thuộc khác khẩn trương thực hiện các nội dung sau:
1. Chỉ đạo, hỗ trợ các Trung tâm Y tế dự phòng thuộc khu vực được phân công phụ trách trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch.
2. Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị... để kịp thời hỗ trợ các địa phương trong việc chẩn đoán, thu dung và điều trị các trường hợp viêm phổi do vi rút.
3. Khẩn trương nghiên cứu, xác định nguyên nhân và các phương thức lây truyền bệnh từ gà sang người và từ người sang người để có các biện pháp phòng chống bệnh thích hợp.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố, các đơn vị trực thuộc khẩn trương tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ Y tế./.
| BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
- 1 Quyết định 3005/QĐ-BYT năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về y tế tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2 Quyết định 3005/QĐ-BYT năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về y tế tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2013 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành