Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2005/CT-UB

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2005 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.

Công điện số 12-BNN/CĐ ngày 21/12/2004 về việc “triển khai cấp bách công tác phòng chống dịch cúm gia cầm” của Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã chỉ rõ: dịch cúm gia cầm có xu hướng tái phát và đang xảy ra ở 06 tỉnh Miền Tây Nam bộ (Bạc Liêu, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Bình Phước và Thành phố Cần Thơ). Hiện nay, trong điều kiện thời tiết thay đổi, nhất là nhiệt độ xuống thấp, thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển. Bên cạnh đó Tết Nguyên đán ất dậu đang đến gần, việc vận chuyển, buôn bán và chế biến gia cầm, sản phẩm gia cầm tăng mạnh, đó là một trong những nguyên nhân dễ lây lan dịch bệnh ra diện rộng, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi, giá cả sinh hoạt và sức khỏe tính mạng của nhân dân. Để thực hiện nghiêm túc Công điện số 12 BNN /CĐ và chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm có hiệu quả, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân vui tươi đón tết, UBND Thành phố Hà Nội giao trách nhiệm cho các ngành, các cấp nhiệm vụ sau:

1/. Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Quận, Huyện và các ngành Công an, Thương mại, .. để thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời (từ 01/01/2005 đến 28/2/2005) trên tất cả các trụ đường chính, các chợ đầu mối và các chợ lớn tại các quận, huyện để ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ không cho vận chuyển gia cầm bệnh vào địa bàn Hà Nội; tiêu độc tất cả số gia cầm vận chuyển vào địa bàn Hà Nội.

- Chỉ đạo Chi cục Thú y Hà Nội lập kế hoạch phòng chống cúm gia cầm trên địa bàn Hà Nội; phối hợp với các quận, huyện tăng cường kiểm tra giám sát dịch bệnh tất cả các hộ chăn nuôi và các cơ sở chăn nuôi gia cầm, các ổ dịch cũ, phát diện dịch bệnh và xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan.

2/. Chủ tịch UBND các quận, huyện củng cố Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm, thống nhất phân công địa bàn phụ trách và nhiệm vụ của các thành viên trong Ban chỉ đạo, đồng thời tổ chức các đoàn công tác gồm cán bộ chính quyền, các đoàn thể quần chúng và cán bộ thú y, tổ chức kiểm tra, giám sát dịch bệnh đến thôn, xóm. Thực hiện một đợt phun thuốc tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi trên toàn Thành phố, các chợ có bán gia cầm và chuẩn bị hóa chất phun tiêu độc tại các trạm kiểm soát. Triệt để chấp hành chỉ đạo của cơ quan Thú y về chuyên môn và cung cấp nhân lực để thực hiện công tác phòng dịch và tiêu hủy gia cầm nếu có ổ dịch xẩy ra. Không để dịch lây lan sang các địa bàn khác trong xã hoặc trong huyện.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho nhân dân hiểu biết về bệnh gia cầm để chủ động phòng chống dịch; khi phát hiện dịch phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và thú y cơ sở, đặc biệt không được bán chạy, không được mua gia cầm về nuôi cũng như làm thực phẩm khi đã được cán bộ thú y thông báo vùng có ổ dịch. Việc thông tin về tình hình dịch bệnh phải kịp thời, chính xác, tránh gây hoang mang trong dân làm ảnh hưởng tới giá cả thị trường và lợi ích của người chăn nuôi.

- Chỉ đạo các cơ sở chăn nuôi và nhân dân đẩy mạnh công tác nuôi dưỡng chăm sóc đàn gia cầm và vệ sinh chuồng trại tốt.

3/. Giám đốc các Sở Tài chính, Kế hoạch đầu tư có trách nhiệm thống nhất với Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất đáp ứng kịp thời kinh phí phòng, chống dịch cúm gia cầm trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.

UBND Thành phố yêu cầu các ngành liên quan, các cấp chính quyền Quận, Huyện rút kinh nghiệm về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trước đây,  khẩn trương nghiêm túc tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Giao sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện tổng hợp kết quả thực hiện và báo cáo thường xuyên về UBND Thành phố. /.

 

  

TM/ UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT/ CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quý Đôn