Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK LĂK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2006/CT-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 06 tháng 4 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÁP CHẾ TẠI CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC UBND TỈNH VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Ngày 18/5/2004 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2004/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước. Ngày 24/01/2005 Liên bộ: Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT/BTP-BNV và ngày 31/8/2005 Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư số 07/2005/TT-BTP hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP .

Để triển khai thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ, ngày 30/7/2004 UBND tỉnh đã có Công văn số 1772/CV-UB chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh có các biện pháp cụ thể tổ chức thực hiện Nghị định này. Tuy nhiên, bên cạnh một số ngành, một số doanh nghiệp đã nghiêm túc triển khai thực hiện và bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, còn có một số ngành và doanh nghiệp do lãnh đạo chưa quán triệt và nhận thức được đầy đủ vai trò quan trọng của công tác pháp chế, tổ chức pháp chế và của đội ngũ cán bộ pháp chế, nên việc triển khai thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh nêu trên đây chưa được nghiêm túc, thậm chí có đơn vị còn chưa triển khai thực hiện ..., dẫn đến tình trạng chung hiên nay là công tác pháp chế chưa được quan tâm đúng mức, việc triển khai thực hiện chưa được đồng bộ, rộng khắp và toàn diện, nên chưa xây dựng, củng cố được về mặt tổ chức cũng như năng lực hoạt động của các tổ chức và cán bộ chuyên trách pháp chế tại các cơ quan, đơn vị để đảm đương, thực hiện các nhiệm vụ công tác theo yêu cầu đề ra của Chính phủ tại Nghị định số 122/2004/NĐ-CP .

Để tiếp tục triển khai Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đạt hiệu quả, góp phần tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật ở địa phương, UBND tỉnh chỉ thị các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh quán triệt và nghiêm túc tổ chức thực hiện những nội dung sau:

1. Về xây dựng, củng cố tổ chức pháp chế, cán bộ làm công tác pháp chế:

- Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu công tác pháp chế tại đơn vị mình, tiến hành thành lập Phòng Pháp chế hoặc bố trí công chức phụ trách công tác pháp chế chuyên trách. Những đơn vị thành lập Phòng Pháp chế thì thủ trưởng đơn vị đó xây dựng Đề án trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Khi xem xét bố trí công chức pháp chế chuyên trách, các đơn vị cần lựa chọn, bố trí công chức đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ được quy định tại khoản 1, Điều 11 của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP .

- Đối với các doanh nghiệp nhà nước: Căn cứ vào yêu cầu công tác pháp chế tại đơn vị, các doanh nghiệp nhà nước thành lập tổ chức pháp chế phù hợp, hoặc bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách, hoặc thuê cố vấn pháp lý nhằm đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp đúng pháp luật.

- Sở Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có phương án triển khai việc tổ chức, kiện toàn Phòng Pháp chế, công chức pháp chế chuyên trách ở các cơ quan này theo quy định tại Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BTP-BNV ngày 24/01/2005 giữa Bộ Tư pháp với Bộ Nội vụ, để giúp Thủ trưởng cơ quan chuyên môn trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật theo đúng quy định tại Thông tư hướng dẫn số 07/2005/TT-BTP ngày 31/8/2005 của Bộ Tư pháp.

- Sở Tài chính có trách nhiệm đảm bảo kinh phí cho hoạt động của tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, đảm bảo hoạt động có hiệu quả.

Các nhiệm vụ trên đây phải được thực hiện xong trong quý II năm 2006 và thường xuyên củng cố, duy trì thực hiện tốt trong những năm tiếp theo.

2. Về tăng cường năng lực, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động công tác pháp chế:

2.1. Công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ công tác pháp chế:

Để đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ đề ra đối với công tác pháp chế của tỉnh trong thời gian tới, góp phần tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật ở địa phương, cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh theo quy định của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BTP-BNV ngày 24/01/2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ. Hàng năm, Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh mở Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác pháp chế trong lãnh đạo và cán bộ làm công tác Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh.

2.2. Trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh:

- Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải quán triệt và xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác pháp chế tại cơ quan, đơn vị mình; quan tâm chỉ đạo triển khai các mặt công tác liên quan đến công tác pháp chế của cơ quan, doanh nghiệp; cần chú trọng xem xét việc xây dựng Phòng Pháp chế, tổ chức pháp chế và bố trí cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách tại các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp cho phù hợp. Theo đó, nhất thiết phải có cán bộ pháp chế chuyên trách tại các cơ quan chuyên môn; các doanh nghiệp nhà nước nếu chưa thành lập được tổ chức pháp chế hoặc chưa bố trí được cán bộ pháp chế chuyên trách thì nhất thiết phải thuê cố vấn pháp lý. Đặc biệt, đối với các cơ quan chuyên môn quản lý các lĩnh vực có liên quan nhiều tới hoạt động của tổ chức, cá nhân và đời sống xã hội thì cần thành lập Phòng Pháp chế, với số lượng cán bộ, công chức chuyên trách tối thiểu là 03 cán bộ.

- Cần tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế, trước hết là nghiệp vụ soạn thảo văn bản pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật; có biện pháp đào tạo nhằm đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế theo quy định của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BTP-BNV ngày 24/01/2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ.

2.3. Trách nhiệm của Phòng pháp chế, công chức pháp chế chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh:

Để hoạt động của tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có nề nếp, phát huy được hiệu quả, vai trò trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, tại Điều 5, chương II, Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Theo đó, các Phòng Pháp chế, công chức pháp chế chuyên trách các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh cần quán triệt và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, cụ thể:

a) Trong công tác xây dựng pháp luật: Tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan trong việc đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý lĩnh vực chuyên ngành ở địa phương; Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật trình Thủ trưởng cơ quan; Tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị khác soạn thảo trước khi trình Thủ trưởng cơ quan; Giúp Thủ trưởng cơ quan chuẩn bị văn bản góp ý vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan khác gửi lấy ý kiến; các kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành ở địa phương.

b) Trong công tác rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật: Tổ chức rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành của cơ quan và đề xuất phương án xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

c) Trong công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật: Giúp Thủ trưởng cơ quan trong việc phối hợp với Sở Tư pháp kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật; Chuẩn bị báo cáo 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu về công tác kiểm tra văn bản trình Thủ trưởng cơ quan, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và gửi Giám đốc Sở Tư pháp.

d) Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra thực hiện pháp luật: Chủ trì hoặc tham gia với các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật; Phối hợp với các đơn vị có liên quan của cơ quan giúp Thủ trưởng cơ quan kiểm tra việc thực hiện pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan; đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, nội quy, quy chế của cán bộ, công chức trong cơ quan; Tham gia ý kiến về việc xử lý các vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan.

2.4. Trách nhiệm của tổ chức pháp chế, cán bộ pháp chế chuyên trách trong các doanh nghiệp nhà nước:

Để giúp cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tại Điều 6, chương II, Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế trong các doanh nghiệp nhà nước mà lãnh đạo, các tổ chức pháp chế, cán bộ pháp chế tại các doanh nghiệp cần quán triệt và tổ chức thực hiện tốt, cụ thể: Giúp Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; Tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho cán bộ, người lao động; phối hợp với phòng, ban và tổ chức đoàn thể kiểm tra việc thực hiện pháp luật, nội quy, quy chế và kiến nghị những biện pháp xử lý vi phạm; Giúp Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp chuẩn bị ý kiến góp ý cho dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước gửi xin ý kiến; Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật; Tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với dự thảo hợp đồng kinh tế, văn bản do các đơn vị khác của doanh nghiệp soạn thảo trước khi trình Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp.

3. Tổ chức thực hiện:

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, Thủ trưởng các các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh báo cáo về tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế do ngành mình quản lý cho UBND tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để tổng hợp báo cáo về Bộ Tư pháp; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này.

- Sở Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh; giúp UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh, báo cáo Bộ Tư pháp theo định kỳ hoặc theo yêu cầu.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị; định kỳ báo cáo và đề xuất ý kiến với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh các giải pháp chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh uỷ; (thay báo cáo)
- TT. HĐND tỉnh;
- Các CQ ch/môn thuộc UBND tỉnh; (thực hiện)
- Các DNNN;
- Lưu: VP, VT, NC.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư