Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2008/CT-UBND

Bạc Liêu, ngày 28 tháng 4 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ PHỤC VỤ CHO CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ KIỂM TRA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN

Thời gian qua, công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả trong quá trình soạn thảo, góp ý, thẩm định, kiểm tra rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Tuy nhiên hiệu quả của công tác này chưa cao do kinh phí phục vụ cho công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế.

Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng trên và đưa công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đi vào nề nếp, góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật và hiệu quả quản lý Nhà nước bằng pháp luật; thực hiện Thông tư liên tịch số 09/2007/TTLT-BTP-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2007 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước đảm bảo cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Thông tư liên tịch số 158/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban nhân tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 09/2007/TTLT-BTP-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2007 của Bộ tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước đảm bảo cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tại cơ quan tổ chức mình;

2. Công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên được cấp có thẩm quyền giao. Kinh phí xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do ngân sách Nhà nước đảm bảo và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Căn cứ vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong năm, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có trách nhiệm dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với tiến độ triển khai nhiệm vụ trong phạm vi dự toán ngân sách đã được giao;

Trong trường hợp phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật đột xuất, khẩn cấp và văn bản quy phạm pháp luật đó có trong chương trình nhưng chuyển sang năm sau hoặc tạm dừng thực hiện, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản phải kịp thời thông báo đến Sở Tài chính, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh để trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kinh phí cho phù hợp;

Cơ quan được phân công chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng nội dung, đúng chế độ chi tiêu tài chính theo quy định hiện hành.

3. Sở tài chính có trách nhiệm soạn thảo trình Ủy ban nhân dân tỉnh để thông qua Hội đồng nhân dân quyết định mức kinh phí soạn thảo, góp ý, thẩm định, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp;

4. Sở Tư pháp có trách nhiệm:

Phối hợp với Sở Tài chính cùng các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 09/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 15 tháng 11 năm 2007 và Thông tư liên tịch số 158/2007/TTLT-BTC-BTP ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí phục vụ công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

Chủ trì phối hợp với các cơ quan tổ chức hữu quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp mình, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã theo thẩm quyền.

5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức triển khai rộng rãi nội dung Chỉ thị này đến cán bộ công chức trong cơ quan đơn vị mình và thường xuyên báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp, Sở tài chính những khó khăn vướng mắc để tháo gỡ và giải quyết kịp thời./.

 

 

TM. UBND TỈNH
CHỦ TỊCH




Cao Anh Lộc