Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 02/2009/CT-UBND

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Thời gian vừa qua, công tác quản lý trật tự xây dựng đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Song tại các khu vực ngõ xóm và các vùng ven đô, tình trạng lấn chiếm đất đai xây dựng trái phép vẫn còn tiếp diễn, dẫn đến nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc và môi trường đô thị cũng như tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Nguyên nhân của tình trạng trên, trước hết là do ý thức của nhân dân về pháp luật xây dựng nói riêng và quan hệ dân sự trong cộng đồng nói chung còn chưa cao; công tác quản lý xây dựng công trình theo giấy phép được cấp (quản lý sau cấp phép) và việc kiểm tra điều kiện khởi công xây dựng của chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền chưa được tiến hành thường xuyên, cá biệt, một số trường hợp còn có biểu hiện buông lỏng quản lý, dung túng cho hành vi vi phạm; trình độ nghiệp vụ của cán bộ, công chức làm công tác quản lý trật tự xây dựng còn hạn chế dẫn đến lúng túng khi tiến hành xử lý vụ việc; một số quy định của pháp luật (xét trong từng bối cảnh cụ thể) còn thiếu hoặc chưa rõ ràng dẫn đến việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm hoặc gián tiếp làm tăng số lượng công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Để khắc phục tình trạng trên; từng bước lập lại kỷ cương pháp luật nói chung và quản lý xây dựng nói riêng, tạo cơ sở vững chắc để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội, các ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Ủy ban nhân dân các thành phố Sơn Tây, Hà Đông, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

1. Việc cấp giấy phép xây dựng công trình cần được thực hiện theo đúng quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn liên quan. Về thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng thực hiện như sau:

a) Tại các địa bàn thuộc Thành phố Hà Nội trước đây: Vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 79/2007/QĐ-UBND ngày 11/7/2007 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

b) Tại các địa bàn thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh: Ủy ban nhân dân Thành phố ủy quyền cho Giám đốc Sở Xây dựng thực hiện cấp Giấy phép xây dựng đối với các công trình tôn giáo; công trình di tích lịch sử - văn hóa; công trình tượng đài, tranh hoành tráng; công trình thuộc dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp I (theo phân cấp công trình tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ) và các công trình khác thuộc thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng của Ủy ban nhân dân Thành phố.

c) Ủy ban nhân dân thành phố Sơn Tây, Hà đông, các huyện (mới hợp nhất): cấp Giấy phép xây dựng đối với các công trình còn lại (trừ các đối tượng thuộc thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng nêu trên) và các công trình nhà ở riêng lẻ tại Đô thị thuộc địa giới hành chính do mình quản lý.

d) Ủy ban nhân dân xã (mới hợp nhất) cấp Giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại các điểm dân cư nông thôn đã có quy hoạch được duyệt thuộc địa giới hành chính do xã quản lý theo quy định của Ủy ban nhân dân huyện.

2. Sở Xây dựng Hà Nội, cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn, có trách nhiệm:

a) Là đầu mối tổ chức việc tổng hợp, phân tích, đánh giá về thực tiễn công tác cấp giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, về hiệu lực và hiệu quả của các quy định pháp luật, các cơ chế, chính sách có liên quan, để từ đó kịp thời đề xuất ban hành, thay thế, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho phù hợp với thực tiễn.

Trong năm 2008, Sở Xây dựng hoàn thành việc khảo sát, đánh giá thực tiễn công tác cấp giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn toàn Thành phố, đề xuất các biện pháp để hoàn chỉnh các quy định của Thành phố về lĩnh vực này, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn trên địa bàn.

b) Chủ trì cùng Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Đề án thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện, phường, xã, thị trấn tại các địa bàn mới hợp nhất theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố tại văn bản số 1161/UBND-XD ngày 11/9/2008, trong đó cần chú ý một số vấn đề cụ thể như: biên chế, trang thiết bị, trụ sở, kinh phí hoạt động, kế hoạch tập huấn nghiệp vụ, để sớm kiện toàn bộ máy Thanh tra xây dựng cấp huyện và cấp xã trên địa bàn Thành phố.

c) Tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra việc thực hiện nội dung của Giấy phép xây dựng đã cấp; chỉ đạo Thanh tra Sở có kế hoạch kiểm tra thực tế điều kiện khởi công xây dựng công trình tại một số điểm trên địa bàn các quận, huyện để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Chủ trì, phối hợp với Thanh tra Thành phố kiểm tra, đề xuất nội dung liên quan đến thẩm quyền của Chánh Thanh tra xây dựng, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

d) Chủ trì và phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Sơn Tây, Hà Đông và Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổng kết rút kinh nghiệm về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ (cấp Giấy phép xây dựng, kiểm tra, xử lý công trình xây dựng vi phạm) để tạo sự thống nhất trong chủ trương và biện pháp giải quyết trong toàn Thành phố, tạo điều kiện để các cán bộ, thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra được học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ, hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

đ) Nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân Thành phố ký văn bản giao nhiệm vụ phối hợp liên ngành trong việc xử lý vi phạm về trật tự xây dựng. Đề xuất việc phân cấp cấp Giấy phép xây dựng công trình; cơ chế quản lý trật tự xây dựng tại các khu, cụm công nghiệp.

e) Định kỳ tổ chức tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố kết quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Sở Xây dựng chuẩn bị nội dung tổng kết công tác quản lý trật tự xây dựng năm 2008.

3. Ủy ban nhân dân Thành phố Sơn Tây, Hà Đông và các quận, huyện, có trách nhiệm:

a) Chủ động nghiên cứu các quy định của pháp luật và của Thành phố về cấp Giấy phép xây dựng, về quản lý trật tự xây dựng; trao đổi, học tập kinh nghiệm của các đơn vị khác trên địa bàn. Chủ động phối hợp với Sở Xây dựng để được hỗ trợ, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ. Kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách liên quan đến việc cấp phép và quản lý trật tự xây dựng đồng thời kiến nghị, đề xuất biện pháp giải quyết và gửi Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

b) Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện các quy định về cấp Giấy phép xây dựng, về quản lý trật tự xây dựng; có kế hoạch kiểm tra điều kiện khởi công xây dựng công trình; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự xây dựng cho nhân dân trên địa bàn.

5. Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Thành phố về công tác kiểm tra điều kiện khởi công xây dựng công trình (Biển báo, rào chắn, chống bụi bẩn, chống ồn …), giám sát chủ đầu tư xây dựng công trình theo Giấy phép xây dựng được cấp và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn mình quản lý. Kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép, không phép, sai phép; nhà siêu mỏng, siêu méo.

6. Các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng cần chủ động giải quyết theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật. Các cơ quan có liên quan (như Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an Thành phố, Thanh tra Thành phố) có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để các đơn vị trên hoàn thành nhiệm vụ.

7. Sở Quy hoạch Kiến trúc có trách nhiệm

a) Trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quy định về quản lý kiến trúc công trình xây dựng hai bên tuyến phố trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

b) Nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết một số vấn đề liên quan đến quy hoạch xây dựng nhà ở khu vực ngoài đê, khu vực xung quanh các khu di tích cấp quốc gia.

8. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất việc quản lý xây dựng biển quảng cáo tấm lớn dọc các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ.

Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Đông và Sơn Tây, Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc vượt quá thẩm quyền giải quyết, các đơn vị khẩn trương liên lệ với Sở Xây dựng để được hướng dẫn thực hiện hoặc Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy (để báo cáo)
- Thường trực HĐND TP (để báo cáo);
- Chủ tịch UBND TP (để báo cáo);
- Các PCT UBND TP; (để báo cáo)
- Đoàn Đại biểu QH Hà Nội
- VP Thành ủy, VP ĐĐBQH&HĐND TP;
- Các Bộ: Tư pháp, Xây dựng, Văn phòng CP
- Các Sở: XD, QHKT, TNMT, VHTTDL, NV, TT TP, CA TP
- UBND các quận, huyện, TP Hà Đông, Sơn Tây;
- Trung tâm công báo TP; các cơ quan báo, đài TP
- CVP, PVP Nguyễn Văn Thịnh, TH, PC, XD đ,v
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phí Thái Bình