Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2010/CT-UBND

Phan Thiết, ngày 26 tháng 11 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Trong những năm qua việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Pháp lệnh Sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2007; Pháp lệnh Sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008, các ngành chức năng và người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đã có nhiều cố gắng trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm hành chính, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên nhiều lĩnh vực của đời sống, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Tuy nhiên, việc xử lý hành chính của các cơ quan và người có thẩm quyền xử lý hành chính vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao. Nhiều hành vi vi phạm hành chính không được phát hiện kịp thời, bỏ qua không xử lý hoặc xử lý không nghiêm minh, công tác kiểm tra, giám sát việc xử lý vi phạm hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền chưa được thường xuyên.

Việc chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho cơ quan có thẩm quyền đấu giá của tỉnh trong thời gian qua thực hiện chưa được nghiêm túc, việc áp dụng mức phạt, vận dụng các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng chưa phù hợp và chưa công bằng, việc áp dụng các biểu mẫu biên bản, quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa đúng quy định.

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là Chủ tịch UBND cấp huyện); Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Chủ tịch UBND cấp xã); người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt những nội dung sau:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã:

a) Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong đấu tranh phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm hành chính.

Giám đốc Sở Tư pháp có kế hoạch phối hợp, hỗ trợ cho các cơ quan chức năng xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực; đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính vào chương trình pháp luật và đời sống trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận;

b) Thường xuyên kiểm tra việc xử lý vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình và giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo trong xử lý vi phạm hành chính; tổ chức tập huấn chuyên sâu cho cán bộ thuộc quyền các quy định về trình tự, thủ tục trong việc kiểm tra, lập biên bản, chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhằm đảm bảo các vụ việc vi phạm hành chính được xử lý đúng quy định của pháp luật; đồng thời chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cấp trên trực tiếp nếu để xảy ra tình trạng vi phạm trình tự, thủ tục, quy định về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương mình.

2. Xử lý các hành vi vi phạm hành chính: Chánh Thanh tra các sở, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và cá nhân khác có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải có các biện pháp thực sự hiệu quả để kịp thời phát hiện làm rõ và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải xử lý đúng trình tự, thủ tục, thời hạn, thời hiệu xử phạt từ khi lập biên bản vi phạm hành chính đến khi ra quyết định xử phạt. Nếu các đối tượng không chấp hành quyết định xử phạt thì tiến hành thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định pháp luật. Kiên quyết xử lý mọi hành vi vi phạm hành chính đã phát hiện, có biện pháp xử lý kịp thời ngay khi phát hiện hành vi vi phạm, không để hành vi vi phạm kéo dài, gây ra hậu quả mới tiến hành xử lý.

Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính mà không thuộc thẩm quyền xử lý, cơ quan, đơn vị phát hiện kịp thời có biện pháp phối hợp và thông báo đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý để thụ lý, giải quyết.

Trường hợp hành vi phạm vi vượt quá thẩm quyền xử phạt hoặc vụ việc vi phạm không thuộc thẩm quyền xử lý thì người đang thụ lý vụ việc vi phạm phải kịp thời hoàn tất hồ sơ vụ việc chuyển trực tiếp đến đúng cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý. Thời hạn chuyển các hồ sơ liên quan đến vụ việc vi phạm hành chính trong trường hợp này là 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Các vụ việc vi phạm trong trường hợp này cũng được xem là vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

Người có thẩm quyền xử phạt hành chính lạm dụng chức vụ, quyền hạn, sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không nghiêm minh vi phạm hành chính; thiếu trách nhiệm để quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; ra quyết định xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật, có lỗi trong việc không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn quy định tại Điều 56 của Pháp lệnh, nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để bảo đảm việc xử phạt trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền phải thực hiện theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 57 Pháp lệnh. Thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm phải thực hiện đúng theo quy định tại Điều 46 Pháp lệnh. Đối với những tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu, trong thời hạn quy định phải thực hiện chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền để bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Việc chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu cho cơ quan có thẩm quyền bán đấu giá không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Thủ trưởng cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm kiểm tra, rà soát những vụ việc có tịch thu tang vật, phương tiện để có giải pháp xử lý kịp thời nhằm hạn chế tình trạng thất thoát, hư hỏng, gây thất thu ngân sách.

4. Giao Giám đốc Sở Tư pháp giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác kiểm tra việc xử lý vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính tại các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 117 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; hướng dẫn việc áp dụng các biểu mẫu văn bản sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính; kịp thời tổng hợp các ý kiến phản ánh, vướng mắc trong áp dụng các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cấp kinh phí hỗ trợ công tác kiểm tra về xử lý vi phạm hành chính.

5. Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an các địa phương khi có yêu cầu tham gia bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình cưỡng chế, có trách nhiệm bố trí lực lượng ngăn chặn kịp thời các hành vi gây rối, chống người thi hành công vụ trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế vi phạm hành chính.

6. Giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về cơ chế trích lại phần trăm (%) từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính đối với từng lĩnh vực theo quy định để chi bồi dưỡng, động viên cán bộ, công chức thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính.

Nhận được Chỉ thị này yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nghiêm túc thực hiện.

Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Tư pháp theo dõi việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này và định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành