Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2010/CT-UBND

Sóc Trăng, ngày 29 tháng 12 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG.

Thực hiện Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 09/1998/PL-UBTVQH10 ngày 25/12/1998 về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có bước chuyển biến tích cực. Đến nay toàn tỉnh có 801 tổ hòa giải ở cơ sở với 3.907 hòa giải viên; thông qua hoạt động của các tổ hòa giải đã góp phần tích cực trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, hạn chế được các vi phạm pháp luật, giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn như: các tổ hòa giải ở cơ sở chưa được thường xuyên củng cố, kiện toàn kịp thời; kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải của hòa giải viên còn hạn chế; công tác tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên chưa được thực hiện thường xuyên; chế độ bồi dưỡng cho hòa giải viên chưa kịp thời và chưa đúng quy định,…

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, đồng thời tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng chỉ thị:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở, đảm bảo đúng số lượng, thành phần, tiêu chuẩn theo quy định của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 13/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; đảm bảo mỗi ấp, khóm, tổ dân phố và cụm dân cư khác phải có ít nhất một tổ hòa giải. Chậm nhất đến cuối quý I/2011, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, quyết định số lượng các tổ hòa giải trên địa bàn; trên cơ sở đó tổ chức rà soát, kiện toàn các tổ hòa giải, nhất là thành lập các tổ hòa giải ở các địa bàn chưa có tổ hòa giải, đáp ứng nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

b) Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải và kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Tăng cường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Định kỳ tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả công tác hòa giải ở cơ sở về Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ hòa giải, cá nhân có thành tích xuất sắc ở địa phương.

c) Đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động hòa giải; thực hiện tốt việc chi kinh phí bồi dưỡng cho hòa giải viên ở cơ sở từ ngân sách nhà nước theo quy định. Đồng thời theo dõi chỉ đạo, kiểm tra việc đảm bảo kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:

a) Đẩy mạnh hơn nữa công tác hòa giải ở cơ sở; xác định công tác hòa giải là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; gắn công tác hòa giải ở cơ sở với công tác tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân, lấy tiêu chí hòa giải thành để đánh giá, phân loại ấp, khóm, tổ dân phố và cụm dân cư tiên tiến.

b) Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ hòa giải tích cực, chủ động trong việc hòa giải; đảm bảo 100% các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ đều được hòa giải ngay tại cơ sở và tỉ lệ hòa giải thành ngày càng cao.

Khi thực hiện trình tự, thủ tục hòa giải, các tổ hòa giải cần lưu ý, đối với những vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến đất đai, trường hợp hòa giải không thành, tổ hòa giải hướng dẫn đương sự nộp hồ sơ về Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để được Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai hòa giải theo quy định pháp luật về đất đai. Đối với những vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp khác, trường hợp hòa giải không thành, tổ hòa giải hướng dẫn đương sự nộp hồ sơ về Tòa án nhân dân có thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật (không chuyển hồ sơ về Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để hòa giải).

c) Tăng cường theo dõi, hỗ trợ công tác hòa giải trên địa bàn; tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho các tổ hòa giải thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm quy định về chi phí bồi dưỡng, thù lao cho hòa giải viên; kịp thời khen thưởng, động viên đối với đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

d) Tăng cường sự phối hợp giữa Ban Công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn với các tổ hòa giải; xây dựng cơ chế phối hợp, hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở giữa tổ hòa giải với các tổ chức, đoàn thể, các lực lượng chức năng trên địa bàn, nhằm nâng cao hiệu quả hòa giải các vụ việc tranh chấp trong nội bộ nhân dân.

e) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chỉ thị này; trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời đề xuất với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố kết quả thực hiện.

3. Sở Tư pháp:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định mức chi cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (thay thế Quyết định số 134/QĐHC-CTUBND, ngày 30/01/2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng).

b) Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tư pháp các huyện, thành phố triển khai có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.

c) Tăng cường biên soạn, cung cấp tài liệu nghiệp vụ hòa giải, tài liệu tuyên truyền pháp luật cho các tổ hòa giải; đầu tư xây dựng Tủ sách pháp luật, tạo điều kiện cho các hòa giải viên và nhân dân đến tìm hiểu, nghiên cứu.

d) Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ hòa giải cho người làm công tác hòa giải; định kỳ tổ chức tổng kết, khen thưởng công tác hòa giải ở cơ sở.

4. Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp Sở Tư pháp hướng dẫn các đơn vị có liên quan, địa phương lập dự toán kinh phí hàng năm phục vụ cho công tác hòa giải cơ sở ở địa phương; đồng thời hướng dẫn việc quản lý, quyết toán kinh phí cho các hoạt động hòa giải ở cơ sở theo Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP, ngày 14/5/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Sóc Trăng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; biểu dương các điển hình tiên tiến trong công tác hòa giải ở cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với chính quyền và cơ quan tư pháp cùng cấp ở địa phương tăng cường củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở. Chỉ đạo, hướng dẫn Ban Công tác Mặt trận ở khóm, ấp, các tổ chức đoàn thể phối hợp, hỗ trợ hòa giải của các tổ hòa giải.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Giao Sở Tư pháp chủ trì theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp kết quả thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Vụ PBGDPL, Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh;
- Sở, Ban ngành tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể;
- UBND huyện, thành phố;
- UBND xã, phường, thị trấn;
- Lưu: NC, HC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Hiếu