Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2014/CT-UBND

Bến Tre, ngày 05 tháng 5 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC XÂY DỰNG, KIỂM TRA VÀ RÀ SOÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

Thực hiện Chỉ thị số 07/2007/CT-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc tăng cường thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Nghị định số 91/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, thời gian qua, công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả nhất định, chất lượng văn bản được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, các mặt công tác này vẫn còn một số hạn chế như: Việc đăng ký và thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa đúng quy định; sai sót về nội dung, thể thức và kỹ thuật trình bày; thường sao chép lại các quy định của văn bản cấp trên; việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa được quan tâm đúng mức (đặc biệt là đối với doanh nghiệp); hồ sơ gửi thẩm định không đầy đủ và chưa đảm bảo thời gian theo quy định; công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên và chưa hiệu quả nên còn một số văn bản ban hành không đúng hình thức, sai thẩm quyền không được xử lý kịp thời; văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhưng chưa đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật; góp phần cải cách thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các sở, ban, ngành tỉnh:

a) Phải xem công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên quán triệt cho đội ngũ làm công tác văn bản về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được giao cho cán bộ, công chức đủ năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn và có kỹ năng soạn thảo văn bản. Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được thông qua ban lãnh đạo đơn vị và phải do người đứng đầu đơn vị ký trình thông qua Ủy ban nhân dân tỉnh (không phân công cho cấp phó). Đơn vị tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật không đạt chất lượng, phải trình thông qua Ủy ban nhân dân tỉnh nhiều lần hoặc không được Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua sẽ bị trừ điểm thi đua trong năm công tác;

b) Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải đúng quy trình, đảm bảo tính hợp pháp, thống nhất và phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn địa phương, tránh quy định lặp lại hoặc sao chép văn bản Trung ương; thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản phải đúng quy định;

c) Trên cơ sở quy định pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý và tình hình thực tế tại địa phương, chủ động đăng ký tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân tỉnh. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra tình trạng ban hành chậm hoặc thiếu văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi đăng ký và được đưa vào Chương trình phải tổ chức thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Trong quá trình thực hiện Chương trình, nếu thấy không đảm bảo tiến độ, không cần thiết ban hành hoặc cần phải bổ sung văn bản mới, cơ quan đề xuất phải lập tờ trình nêu rõ lý do, gửi về Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định;

d) Thực hiện tốt việc lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, đặc biệt phải lấy ý kiến của doanh nghiệp khi nội dung của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc thành lập và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; trường hợp, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính thì phải gửi lấy ý kiến của Sở Tư pháp. Ngoài các hình thức lấy ý kiến thông thường, cơ quan soạn thảo còn phải gửi đăng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên Trang thông tin điện tử của tỉnh và Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình (nếu có) để các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan có thể tham gia đóng góp ý kiến. Cơ quan, đơn vị được lấy ý kiến phải tổ chức góp ý một cách nghiêm túc, có trách nhiệm, trường hợp không có ý kiến góp ý cũng phải phản hồi bằng văn bản. Cơ quan tổ chức lấy ý kiến góp ý có trách nhiệm tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, trường hợp không tiếp thu phải giải trình rõ lý do trong hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh;

đ) Hồ sơ đề nghị Sở Tư pháp thẩm định phải đảm bảo đúng thời hạn và thành phần theo quy định. Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật gửi thẩm định phải là văn bản hoàn chỉnh sau khi đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan, đối với văn bản có quy định về thủ tục hành chính phải có bản đánh giá tác động về thủ tục hành chính;

e) Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh phải đảm bảo đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định và gửi về Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chậm nhất là 05 ngày làm việc trước kỳ họp Thành viên Ủy ban nhân dân;

g) Thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý, phát hiện kịp thời những văn bản, những quy định trái pháp luật, bị chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, để kịp thời tham mưu ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ.

2. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, điều chỉnh Chương trình xây dựng quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh, lập dự thảo Chương trình xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định. Theo dõi, đôn đốc các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thực hiện đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Cuối mỗi năm công tác, phối hợp với Sở Tư pháp đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, gửi kết quả đánh giá cho Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh tổng hợp, làm tiêu chí khi xét thi đua cuối năm đối với các sở, ban, ngành tỉnh;

b) Trả hồ sơ đối với các trường hợp không tuân thủ quy định về thành phần hồ sơ, quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

c) Đăng đầy đủ, kịp thời nội dung của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên Trang thông tin điện tử tỉnh để các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan tham gia đóng góp ý kiến.

3. Sở Tư pháp:

a) Theo dõi, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện Chỉ thị này;

b) Thực hiện tốt việc thẩm định, tự kiểm tra, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo quy định. Phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật;

c) Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật cho các cơ quan, đơn vị.

4. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan lập dự toán, bố trí kinh phí hằng năm cho công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định.

5. Sở Nội vụ:

a) Tham mưu phân bổ biên chế cho các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo quy định;

b) Đưa nội dung đánh giá hiệu quả, chất lượng tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật vào tiêu chí xét thi đua cuối năm đối với các sở, ban, ngành tỉnh.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Tiếp tục quán triệt nội dung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 và các văn bản pháp luật có liên quan cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn;

b) Tuân thủ các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

c) Tăng cường kiểm tra hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương; tổ chức rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và thực hiện có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương;

d) Rà soát, hệ thống hóa và ban hành danh mục văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thi hành; chấm dứt tình trạng ban hành văn bản dưới hình thức công văn, kết luận, thông báo và các loại văn bản hành chính thông thường khác nhưng có chứa quy phạm pháp luật;

đ) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 07/2007/CT-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc tăng cường thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Thành Hạo