Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-BYT

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ BẢO ĐẢM CÔNG TÁC Y TẾ TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN KỶ HỢI 2019

Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị cho Lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị y tế các ngành, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện tốt những nội dung sau đây:

1. Tăng cường công tác phòng chống dịch

a) Cục Y tế dự phòng chỉ đạo các địa phương:

- Tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch, đặc biệt các bệnh cúm A(H5N1), A(H7N9), Ebola, MER-CoV, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, rubella, tiêu chảy do vi rút Rota và các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa khác có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông - Xuân nhất là dịp Tết Nguyên đán, mùa Lễ hội.

- Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phát sinh đối với các vùng thiên tai, bão, lũ; có phương án bảo đảm đủ thuốc thiết yếu hỗ trợ nhân dân vùng thiên tai, bão lũ.

b) Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh:

- Chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương tăng cường các hoạt động giám sát phát hiện tác nhân gây bệnh và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để; chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây dịch.

- Đảm bảo hóa chất khử khuẩn, thiết bị, vật tư chuyên dụng, sẵn sàng các đội cơ động chống dịch để hỗ trợ địa phương xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lan rộng, kéo dài.

c) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2019; chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm 2019, tập trung vào các vùng có nguy cơ cao, địa phương có ổ dịch cũ, các khu vực trọng điểm, đầu mối giao thương quốc tế, hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ mắc, tử vong.

- Đối với các địa phương có cửa khẩu quốc tế cần kiểm tra chặt chẽ khách nhập cảnh từ các vùng đang có dịch, vùng có ổ dịch cũ để phát hiện, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam. Cơ quan kiểm dịch phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên ngành trong việc kiểm tra, giám sát gia cầm, động vật, thực phẩm nhập khẩu và vận chuyển qua biên giới.

- Kiện toàn các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động để sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới trong việc điều tra, thu dung, cách ly, điều trị và xử lý ổ dịch. Chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử khuẩn, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ, triển khai các hoạt động chống dịch kịp thời.

- Phân công cán bộ, tổ chức trực dịch 24/24 giờ trong các ngày nghỉ Tết để theo dõi, nắm tình hình bệnh dịch xảy ra trên địa bàn, chỉ đạo các đơn vị trực và báo cáo tình hình bệnh dịch theo đúng quy định.

- Tăng cường công tác giám sát dịch tễ tại tuyến xã, huyện, các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh đầu tiên, không để lây lan, bùng phát thành dịch. Báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

2. Tăng cường công tác bảo đảm về an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết

a) Cục An toàn thực phẩm:

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý, tổ chức lực lượng thường trực sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp trong công tác điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi có sự cố an toàn thực phẩm xảy ra.

- Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung tại Kế hoạch số 1350/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 07/12/2018 về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân 2019 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình thanh, kiểm tra; công tác truyền thông đến các đối tượng sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm...

- Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan truyền thông đại chúng cung cấp kịp thời, đầy đủ những nội dung liên quan đến bảo đảm an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác tuyên truyền thông điệp bảo đảm an toàn thực phẩm. Công khai kết quả thanh tra, kiểm tra các đơn vị không đảm bảo an toàn thực phẩm cho cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

b) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Tổ chức triển khai các nội dung của Kế hoạch số 1350/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 07/12/2018 về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân 2019 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.

3. Tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh

a) Cục Quản lý Khám, chữa bệnh xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt Kế hoạch, Ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường công tác khám chữa bệnh, thành lập các Đoàn kiểm tra các bệnh viện trong dịp nghỉ Tết.

Các Bệnh viện Trung ương, bệnh viện được phân công chỉ đạo tuyến bảo đảm kế hoạch trực 24/24 giờ, lưu ý nhân lực và phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu do tuyến dưới chuyển lên, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho tuyến dưới khi có yêu cầu, chuẩn bị đủ số lượng máu, đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân trong trường hợp thương tích, tai nạn giao thông.

b) Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, các cơ sở điều trị ARV cho bệnh nhân AIDS; chuẩn bị đủ thuốc, bố trí cán bộ trực Tết để bảo đảm việc cung cấp đầy đủ, liên tục thuốc cho bệnh nhân.

c) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Chỉ đạo các bệnh viện trực 24/24 giờ, bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc, sinh đẻ trong những ngày Tết, không được từ chối hoặc để chậm trễ trong các trường hợp cấp cứu. Trường hợp người bệnh nhập viện không đúng tuyến, không đúng chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới được chuyển đi các cơ sở y tế phù hợp tuyến điều trị, tổ chức tốt việc vận chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết, đặc biệt lưu ý và có kế hoạch chuẩn bị đối với các bệnh viêm phổi cấp, đột quỵ ở người già, các bệnh đường hô hấp ở trẻ em.

- Quán triệt cán bộ y tế ở các tuyến nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người bệnh, đặc biệt chú ý đến phong cách giao tiếp, ứng xử ân cần, hòa nhã, thực hiện đúng các quy định về chuyên môn kỹ thuật, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại các cơ sở công theo Thông tư số 07/2014/TT-BYT ngày 25/02/2014 của Bộ Y tế quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế.

- Đối với các bệnh nhân điều trị nội trú trong bệnh viện trong dịp Tết, tổ chức chăm sóc, phục vụ chu đáo người bệnh còn nằm lại điều trị cả về vật chất và tinh thần; đặc biệt, tổ chức thăm hỏi, chúc Tết những người bệnh thuộc diện chính sách và người nghèo.

- Phân tuyến điều trị tại tất cả các khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Truyền nhiễm của các bệnh viện trực thuộc Bộ, các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện ngành, đồng thời hướng dẫn các đơn vị bố trí kịp thời các trường hợp cấp cứu dịch bệnh, thảm họa, tai nạn giao thông, ngộ độc xảy ra.

d) Các cơ sở khám, chữa bệnh phải có phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh và các phương tiện cấp cứu hiện có để sẵn sàng đáp ứng khi dịch xảy ra và phải bảo đảm tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị và cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch bệnh, ngộ độc.

4. Bảo đảm thuốc chữa bệnh phục vụ nhân dân

a) Cục Quản lý Dược chỉ đạo Sở Y tế, các Viện, Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các Công ty xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất thuốc xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc phục vụ phòng bệnh và chữa bệnh để đảm bảo cung ứng đủ thuốc, có chất lượng, giá cả hợp lý; không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, tăng giá hàng loạt. Chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc khi có yêu cầu phục vụ công tác cấp cứu hoặc phòng chống bệnh dịch, đặc biệt là bệnh dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm; có phương án bảo đảm cung ứng đủ thuốc chữa bệnh phục vụ nhân dân vùng bị thiên tai.

b) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn tổ chức các địa điểm trực bán thuốc 24/24h và công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời đáp ứng nhu cầu người bệnh trong những ngày nghỉ Tết.

- Chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn dược và các quy định về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Đặc biệt, chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành và các hành vi đầu cơ, tích trữ ảnh hưởng đến các công tác bình ổn và quản lý giá thuốc dùng cho người.

5. Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại các cơ sở y tế tuyến Trung ương và trực thuộc Sở Y tế

Các cơ sở y tế phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự, Công an địa phương rà soát, bổ sung kế hoạch bảo vệ cơ quan, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đơn vị trong các ngày nghỉ Tết. Kiểm tra kỹ hệ thống phòng chống cháy nổ, hệ thống điện; tiến hành niêm phong, cắt cầu dao điện các kho hàng và phòng làm việc trước khi về nghỉ Tết. Các đơn vị tổ chức trực đơn vị theo 4 cấp: Trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ. Niêm yết danh sách cán bộ trực công khai hàng ngày để lãnh đạo đơn vị đi kiểm tra, đôn đốc khi cần thiết. Các đơn vị phải nhanh chóng đi vào hoạt động bình thường ngay sau nghỉ Tết.

6. Tăng cường công tác truyền thông và giáo dục sức khỏe

a) Vụ Truyền thông và Thi đua Khen thưởng:

- Chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong dịp Tết; vận động người dân chủ động thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe.

- Chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về đảm bảo công tác y tế trong dịp Tết; phối hợp với các đơn vị liên quan mời các cơ quan báo chí tham dự các hoạt động công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán; phối hợp với Văn phòng Bộ và các Vụ, Cục liên quan tổng hợp thông tin công tác y tế trong dịp Tết trên các phương tiện thông tin đại chúng, đề xuất, báo cáo Lãnh đạo Bộ để chủ động, kịp thời xử lý khi cần thiết.

b) Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Y tế, các Sở Y tế xây dựng và hướng dẫn các nội dung truyền thông nguy cơ phòng chống dịch; vận động nhân dân ăn uống hợp vệ sinh; không vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm mắc bệnh, không rõ nguồn gốc; không ăn thức ăn sống, hải sản chưa được chế biến kỹ; không uống rượu, bia khi trực tiếp tham gia giao thông để giảm bớt tai nạn giao thông; các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

c) Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương:

- Căn cứ trên các nội dung truyền thông, giáo dục sức khỏe trong dịp Tết do Trung ương cung cấp, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện truyền thông, vận động người dân chủ động thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe.

- Chủ động cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan báo chí tại địa phương tuyên truyền về bảo đảm công tác y tế trong dịp, nâng cao sức khỏe, thực hiện an toàn an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống dịch, bệnh.

7. Tổ chức đón Tết đầm ấm, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm

Các cán bộ y tế không được lợi dụng dịp Tết để tổ chức liên hoan, ăn uống lãng phí; nghiêm cấm sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước để thưởng, biếu, cho các tổ chức, cá nhân không đúng với quy định của Nhà nước. Không được sử dụng xe ô tô công phục vụ việc riêng trong dịp Tết.

8. Công tác báo cáo trong dịp Tết Nguyên đán

a) Cục trưởng: Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng, Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý Dược chỉ đạo việc tổ chức thường trực báo cáo, tổng hợp số liệu báo cáo từ các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện trực thuộc Bộ và các đơn vị liên quan theo lĩnh vực chuyên môn và gửi về Văn phòng Bộ. Các nội dung báo cáo gồm:

- Cục Y tế dự phòng báo cáo về tình hình dịch bệnh tại các địa phương;

- Cục An toàn thực phẩm báo cáo về tình hình ngộ độc thực phẩm và các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm;

- Cục Quản lý Khám chữa bệnh báo cáo tình hình khám, cấp cứu tại các cơ sở y tế, tình hình cấp cứu các trường hợp tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, tai nạn do cháy nổ, do pháo, ngộ độc...;

- Cục Quản lý Dược báo cáo về tình hình cung ứng thuốc cho công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết.

b) Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện Trung ương và địa phương tổng hợp các số liệu báo cáo nhanh hàng ngày, báo cáo nhanh trong 03 ngày Tết (từ ngày 30 tháng Chạp đến Mùng 02 Tết) và trong cả dịp Tết (từ ngày 28 tháng Chạp đến hết Mùng 06 Tết) về công tác phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh, xử trí cấp cứu, dược gửi về các Cục chức năng của Bộ Y tế theo từng lĩnh vực quản lý.

c) Chánh Văn phòng Bộ chỉ đạo tổng hợp báo cáo nhanh và báo cáo đầy đủ, trình Lãnh đạo Bộ ký gửi Văn phòng Chính phủ đúng thời gian quy định.

d) Đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng, Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý Dược gửi Báo cáo về Văn phòng Bộ theo thời gian quy định, cụ thể như sau:

- Báo cáo nhanh hàng ngày gửi về Văn phòng Bộ trước 13h30 hàng ngày (bắt đầu từ ngày 02/02/2019, tức ngày 28 Tết đến hết ngày 10/02/2019, tức ngày Mùng 06 tháng Giêng).

- Báo cáo đầy đủ về tình hình công tác bảo đảm y tế trong những ngày Tết gửi về Văn phòng Bộ trước 14h00 chiều ngày 10/02/2018 (tức Mùng 06 Tết).

- Các báo cáo gửi qua E-Mail theo địa chỉ: tonghopbyt@gmail.com

Nhận được Chỉ thị này, Lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế các bộ, ngành có trách nhiệm khẩn trương tổ chức triển khai và thực hiện tốt các nội dung trên./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- PTTg Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- VPCP: Vụ KGVX, Vụ TH;
- Cổng TTĐT Đảng CSVN (để đưa tin);
- Cổng TTĐT Chính phủ (để đưa tin);
- TTXVN, Đài TNVN, THVN (để đưa tin);
- BYT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Các Vụ, Cục, VPB, TTrB, TCDS (để thực hiện);
- Các đơn vị trực thuộc Bộ (để thực hiện);
- Cổng TTĐT BYT (để đưa tin);
- Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- Y tế các ngành;
- Lưu: VT, VPB1.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Kim Tiến