Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-UBND

Hà Nam, ngày 10 tháng 01 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM

Trong những năm qua, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, số việc, số tiền thi hành án xong năm sau cao hơn năm trước, một số vụ việc thi hành án phức tạp, tồn đọng kéo dài được giải quyết dứt điểm, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo. Các bản án, quyết định của Tòa án được thực hiện nghiêm túc, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được đảm bảo, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án dân sự được củng cố, kiện toàn; phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, của Chấp hành viên, công chức thi hành án từng bước được nâng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngành và địa phương giao.

Tuy nhiên, công tác thi hành án dân sự thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Số việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng có giá trị thi hành lớn tăng về số việc và tính chất phức tạp; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các đơn vị thi hành án chưa thật sự quyết liệt; việc phối hợp trong công tác thi hành án có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ, đồng bộ; đội ngũ cán bộ, công chức, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Để tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Cơ quan Thi hành án dân sự:

Chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thi hành án dân sự; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự và pháp luật có liên quan.

Tham mưu cho Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự về chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án phức tạp có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự. Thực hiện tốt việc phân cấp quản lý về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ chính sách đối với công chức các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh.

2. Các sở, ngành có liên quan

2.1. Cơ quan Công an, Tư pháp, Tài chính, Tài nguyên môi trường: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ động phối hợp trong công tác thi hành án dân sự khi có yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự.

2.2. Các Ngành: Bảo hiểm xã hội; Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các tổ chức tín dụng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự cung cấp thông tin về tài khoản, các khoản thu nhập, giải tỏa việc phong tỏa tài khoản, tài sản của người phải thi hành án. Thực hiện quyết định cưỡng chế trừ thu nhập, khấu trừ tài khoản, trừ vào tiền của người phải thi hành án. Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước tỉnh phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự rà soát các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng trên địa bàn còn tồn, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, đề ra phương án giải quyết hoặc báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp có phương án chỉ đạo cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để xử lý nợ xấu.

3. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh

Phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự kịp thời chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, sửa chữa, bổ sung, giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị khi có yêu cầu; xem xét xét miễn, giảm các khoản phải thi hành nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật; tăng cường kiểm sát công tác thi hành án dân sự.

4. Đề nghị Ủy ban MTTQ và các tổ chức, đoàn thể tỉnh

Tăng cường giám sát công tác thi hành án dân sự, đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật; kịp thời phản ánh những hạn chế, thiếu sót trong công tác thi hành án dân sự ở địa phương.

5.y ban nhân dân các huyện, thành phố

Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức đoàn thể ở địa phương tăng cường phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định; kiện toàn tổ chức, bộ máy lãnh đạo các Chi cục Thi hành án.

6. Các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh

Thường xuyên đưa tin, bài, phóng sự về công tác thi hành án dân sự ở địa phương, biểu dương gương người tốt, việc tốt, đồng thời phản ánh những trường hợp vi phạm pháp luật, cản trở, chống đối việc thi hành án để tuyên truyền, tạo sự ảnh hưởng tích cực trong xã hội.

7. Tổ chức thực hiện

Yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trong tỉnh và các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Giao Cục Thi hành án dân sự tỉnh giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện, định kỳ 6 tháng tổng hợp, báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Tổng cục THADS - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành, cơ quan, đoàn thể;
- TAND, VKSND tỉnh;
- UBND các huyện thành phố;
- Báo, Đài PT-TH tỉnh;
- LĐVP, NC (3), TH (D);
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đông