ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN ------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- |
Số: 02/CT-UBND | Bắc Kạn, ngày 03 tháng 02 năm 2021 |
CHỈ THỊ
VỀ TỔ CHỨC CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHOÁ XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP TỈNH BẮC KẠN NHIỆM KỲ 2021-2026
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành vào Chủ nhật, ngày 23 tháng 5 năm 2021. Đây là sự kiện chính trị, có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước và từng địa phương; được tổ chức vào thời điểm kế thừa 35 năm đổi mới, đất nước đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện trong giai đoạn 2016-2020 với những dấu ấn nổi bật trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân để lựa chọn, bầu được những đại biểu ưu tú, đại diện cho Nhân dân cả nước tại Quốc hội khóa XV, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và các đại biểu đại diện cho nhân dân địa phương tại Hội đồng nhân dân các cấp, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong nhiệm kỳ 2021-2026.
Để triển khai, quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 133/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội, Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm đảm bảo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân; tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu, bầu người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân cả nước tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Kạn, Sở Tư pháp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan liên quan có kế hoạch triển khai, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí ở Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và địa phương tổ chức tuyên truyền kịp thời, sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; quyền ứng cử, quyền bầu cử của công dân theo quy định của pháp luật; các nội dung cơ bản của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương góp phần nâng cao ý thức làm chủ, tinh thần tự giác của mọi công dân, cơ quan, tổ chức trong thực hiện công tác bầu cử.
2. Cục Thống kê tỉnh cung cấp số liệu dân số tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 của từng địa phương để làm căn cứ tính số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở mỗi đơn vị hành chính.
3. Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể, bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc và điện thông suốt trong quá trình chuẩn bị, tổ chức bầu cử, đặc biệt trước, trong và sau ngày bầu cử 23 tháng 5 năm 2021.
4. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án triển khai lực lượng, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử; kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng dân chủ để làm việc sai trái; đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, những âm mưu, hành động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối. Đặc biệt chú trọng bảo đảm an ninh, trật tự tại những địa bàn trọng điểm, khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh; trong ngày bầu cử phải tăng cường lực lượng, phương tiện, thường trực 24/24 giờ để xử lý kịp thời những tình huống xấu có thể xảy ra; chỉ đạo và hướng dẫn các lực lượng quân đội, công an tham gia bầu cử.
5. Sở Tài chính bố trí kinh phí kịp thời phục vụ bầu cử, hướng dẫn việc lập dự toán, quyết toán và kiểm tra việc sử dụng kinh phí bầu cử, bảo đảm kinh phí được sử dụng đúng mục đích, yêu cầu, tiết kiệm và hiệu quả.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các phương án chủ động đối phó với những tình huống thiên tai (mưa, lũ), dịch bệnh, đại dịch Covid-19 có thể xảy ra trong thời gian chuẩn bị và tổ chức cuộc bầu cử.
7. Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn việc kê khai tài sản đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân trước, trong và sau bầu cử.
8. Sở Nội vụ là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban bầu cử tỉnh trong tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện công tác bầu cử; kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện các quy định của pháp luật về bầu cử và các văn bản hướng dẫn về thực hiện công tác bầu cử; phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan theo dõi tình hình chuẩn bị, tiến độ thực hiện công tác bầu cử ở các địa phương, sở, ban, ngành để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo tiến độ quy định của pháp luật về bầu cử.
9. Thường trực Hội đồng nhân dân, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, tổ chức thực hiện cuộc bầu cử theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về công tác bầu cử; chủ động triển khai kế hoạch thực hiện công tác bầu cử, bảo đảm tiến độ thời gian các bước tiến hành quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, trình tự các bước tiến hành công tác bầu cử và công việc chuẩn bị cho ngày bầu cử theo quy định của pháp luật.
10. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chuẩn bị các điều kiện về vật chất, kỹ thuật phục vụ bầu cử; có biện pháp giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương và tại các địa điểm bỏ phiếu, bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn, tiết kiệm; xây dựng được phương án dự phòng đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành liên tục, không bị gián đoạn.
11. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác chỉ đạo tổ chức, thực hiện cuộc bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức thực hiện cuộc bầu cử theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, khẩn trương triển khai và tổ chức cuộc bầu cử, kịp thời gửi báo cáo đến Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền tình hình công tác chuẩn bị, triển khai và tổ chức cuộc bầu cử, ngày bầu cử theo tiến độ từng giai đoạn, bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp./.
Nơi nhận: - Ủy ban Thường vụ Quốc Hội; - Hội đồng bầu cử Quốc gia; - Chính phủ; - UBTWMTTQVN; - Bộ Nội vụ; - TT. Tỉnh ủy; - TT. HĐND tỉnh; - Đoàn ĐBQH tỉnh; - CT, PCT UBND tỉnh; - Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; - Huyện, Th.U; HĐND, UBND các huyện, TP; - HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn; - LĐVP; - Lưu: VT, NCTH, Luyên, Lệ. | CHỦ TỊCH Nguyễn Long Hải |