Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 07 tháng 02 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH, NÂNG CAO Ý THỨC TRÁCH NHIỆM THỰC THI NHIỆM VỤ, CÔNG VỤ TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Thời gian qua, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành nhiều văn bản về chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, việc giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong công tác lãnh đạo, điều hành, thực thi công vụ đã giúp cán bộ, công chức, viên chức nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện đúng và tốt hơn chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trên tinh thần tôn trọng nguyên tắc, kỷ cương, bước đầu đạt kết quả tốt, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện lộ trình thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức chưa chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố; ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, đạo đức công vụ chưa tốt, chưa thực sự là công bộc của dân; có trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, làm việc hình thức, đối phó, né tránh trách nhiệm, gây mất đoàn kết nội bộ; giao tiếp, ứng xử thiếu chuẩn mực; một số cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng việc thực thi nhiệm vụ, vị trí công tác để tư lợi, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của chính quyền các cấp đối với Nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật. Với chủ đề năm 2022 của thành phố là tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, tạo nền tảng thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch 05 năm 2021-2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu:

1. Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành và địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

a) Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố để hành động quyết liệt, hiệu quả hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành theo tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; khắc phục hạn chế, yếu kém của năm 2021, nhất là các tồn tại, hạn chế kéo dài; thực hiện thành công, toàn diện mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 và những năm tiếp theo;

b) Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn đọng ở cơ sở; giữ mối liên hệ, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan; trong công tác chỉ đạo, điều hành, phân công nhiệm vụ phải rõ ràng, cụ thể về tổ chức, cá nhân được giao việc và chịu trách nhiệm thực hiện;

c) Thường xuyên đôn đốc, đánh giá, kiểm tra, giám sát đến kết quả cuối cùng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo điều kiện, môi trường đổi mới, sáng tạo; chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền, tăng cường phối hợp, không đùn đẩy trách nhiệm; bảo đảm hiệu quả, thực chất;

d) Thực hiện nghiêm quy định về thời hạn xử lý công việc, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; phải làm hết trách nhiệm tham mưu, nêu rõ quan điểm, phương án xử lý khi đề xuất Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố;

đ) Rà soát, cập nhật kịp thời các quy định mới của Trung ương, Bộ, ngành và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính vào Quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, đảm bảo không chồng chéo, không bỏ sót nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương; tiếp tục hoàn thiện danh mục vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị làm cơ sở cho việc bố trí cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với năng lực và trình độ chuyên môn;

e) Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý, phát huy vai trò gương mẫu, tinh thần trách nhiệm trong công việc, trong thực thi nhiệm vụ để tự bản thân cán bộ, công chức viên chức, người lao động nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực chuyên môn.

g) Từng cơ quan, đơn vị phải thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm đối với công tác đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị là người phân công, giao việc và là người trực tiếp đánh giá, quyết định kết quả đánh giá để xác định đúng “trình độ, năng lực thực thi nhiệm vụ” của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý. Qua đó, kiên quyết thực hiện điều chuyển, bố trí công tác khác đối với cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, giải quyết công việc chậm trễ, ách tắc; cơ quan, đơn vị được giao quản lý, phụ trách có hiệu quả công việc và chất lượng tham mưu thấp, không hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

h) Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện quyết liệt để đạt mục tiêu đề ra; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện dự án; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cụ thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; từng nội dung công việc triển khai thực hiện phải có kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ và yêu cầu trách nhiệm, yêu cầu sản phẩm, kết quả cụ thể đối với từng tổ chức, cá nhân phụ trách.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc tổ chức thực hiện dự án và kết quả giải ngân của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Kết quả thực hiện giải ngân của các chủ đầu tư là cơ sở đánh giá, đề xuất mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong năm 2022 và những năm tiếp theo; đồng thời, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân chậm trễ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.

2. Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động:

a) Nâng cao đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ Nhân dân; thực hiện đúng và đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao; tuân thủ nghiêm thứ bậc và kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phân công của cấp trên; tập trung nghiên cứu, tham mưu giải quyết công việc đảm bảo chất lượng và thời gian quy định; thực hiện nghiêm quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, văn hóa ứng xử với tổ chức, công dân;

b) Gắn kết với chuyên đề toàn khóa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” để nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, từng cá nhân cán bộ, công chức, viên chức nỗ lực nghiên cứu đề xuất, tham mưu triển khai thực hiện có trách nhiệm, có hiệu quả theo chức trách, nhiệm vụ được phân công nhằm phát huy tối đa lợi ích của Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, góp phần xây dựng, phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững theo mục tiêu mà Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2021 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.

3. Chánh Thanh tra thành phố tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa hành vi tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ ở những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra trách nhiệm Thủ trưởng, người đứng đầu trong thực hiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết xử lý, kịp thời, đúng quy định đối với hành vi tham nhũng và những người bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực hoặc ngăn cản việc chống tham nhũng, tiêu cực.

4. Giám đốc Sở Nội vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, văn hóa giao tiếp, trách nhiệm và đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ; đồng thời, phối hợp với Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thông qua hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, nghiên cứu bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị, đề xuất cơ quan, đơn vị các giải pháp tháo gỡ, khắc phục.

Yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức triển khai và chỉ đạo đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trần Việt Trường