Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 02 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG, BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Thực hiện và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) và Quyết định số 11/2022/QĐ-UBND ngày 15/4/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố quy định về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành nghiêm túc triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, một số hồ sơ dự thảo Nghị quyết, dự thảo Quyết định do các cơ quan chủ trì soạn thảo trình Ủy ban nhân dân dân Thành phố vẫn chưa đảm bảo về quy trình thủ tục, thành phần hồ sơ, thời gian,...dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần làm ảnh hưởng tiến độ, chất lượng trình ban hành văn bản.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế và tăng cường hơn nữa công tác xây dựng, tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, đạt hiệu quả, chất lượng trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Về công tác tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) và Quyết định số 11/2022/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố, trong đó, tập trung các nội dung sau:

1.1. Cơ quan chủ trì soạn thảo, xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố theo Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì thực hiện theo trình tự, thủ tục:

a) Xây dựng Nghị quyết theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

- (Bước 1) Lập hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết: cơ quan chủ trì soạn thảo căn cứ khoản 1, 2 Điều 6; Điều 7 Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 11/2022/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố để tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố trình Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố cho ý kiến.

- (Bước 2) Sau khi đề nghị xây dựng nghị quyết đã được Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố chấp thuận bằng văn bản: Ủy ban nhân dân Thành phố phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo căn cứ khoản 1, 2, 3 Điều 19; Điều 20; khoản 1, 2, 4 Điều 21; Điều 25; Điều 26 Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 11/2022/QĐ-UBND để xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết.

b) Xây dựng Nghị quyết theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020):

- (Bước 1) Hồ sơ lập đề nghị xây dựng nghị quyết: cơ quan chủ trì soạn thảo căn cứ khoản 1, 3 Điều 6, Điều 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 11/2022/QĐ-UBND để xây dựng hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết, gửi Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình Ủy ban nhân dân Thành phố.

- (Bước 2) Sở Tư pháp thẩm định hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết và gửi kết quả thẩm định cho cơ quan chủ trì soạn thảo.

- (Bước 3) Cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết, trình Ủy ban nhân dân Thành phố thông qua các chính sách trong đề nghị xây dựng Nghị quyết trước khi trình Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố.

- (Bước 4) Sau khi Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố chấp thuận bằng văn bản: Ủy ban nhân dân Thành phố phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo căn cứ khoản 1, 3 Điều 19; Điều 20; khoản 1, 2, 4 Điều 21; Điều 25; Điều 26 Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 11/2022/QĐ-UBND để tham mưu, xây dựng dự thảo Nghị quyết.

1.2. Cơ quan chủ trì soạn thảo, xây dựng Quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố

Cơ quan được giao chủ trì lập đề nghị xây dựng Quyết định trình Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận, phân công cơ quan chủ trì; cơ quan được phân công chủ trì căn cứ Điều 34, Điều 35, Điều 37, Điều 38, Điều 39 Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 11/2022/QĐ-UBND để tham mưu, xây dựng dự thảo Quyết định.

1.3. Một số vấn đề khác cần lưu ý

a) Về ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn

Trong trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo xác định việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nêu trên thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì có thể thực hiện việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Trình tự, thủ tục rút gọn: cơ quan chủ trì soạn thảo căn cứ khoản 4 Điều 147, Điều 148, 149 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) để tham mưu, thực hiện.

b) Về xác định thời điểm áp dụng Nghị quyết đối với trường hợp xây dựng Nghị quyết theo khoản 1 Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020): thực hiện theo hướng dẫn của Sở Tư pháp tại Công văn số 899/STP-VB ngày 14 tháng 3 năm 2022.

Lưu ý:

- Các sở, ban, ngành nghiên cứu, tham khảo Tài liệu phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật - chuyên đề “Hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Thành phố Hồ Chí Minh” theo giới thiệu của Sở Tư pháp tại Công văn số 5051/STP-VB ngày 19 tháng 10 năm 2022 để đảm bảo thực hiện đầy đủ, đúng quy định;

- Khi cơ quan được giao chủ trì soạn thảo xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố quy định các chính sách đặc thù của Thành phố thì cần có đánh giá tác động với từng chính sách cụ thể, không quy định hỗ trợ đối với các ngành nghề không khuyến khích phát triển, gây ô nhiễm môi trường,....

2. Về công tác theo dõi, thi hành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân

Giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành:

2.1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực phụ trách, chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết và tổ chức thực hiện Nghị quyết theo quy định. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.

2.2. Kịp thời cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới của Trung ương trong lĩnh vực mình phụ trách để tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, xử lý theo quy định.

3. Về công tác tổ chức bồi dưỡng pháp luật và kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

3.1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức hoặc phối hợp tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ liên quan đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ, công chức tại cơ quan, đơn vị phù hợp với yêu cầu công tác.

3.2. Giao Sở Tư pháp

a) Phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị theo chức năng, giới thiệu báo cáo viên có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật để hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị tập huấn.

b) Nghiên cứu, xây dựng tài liệu phổ biến về công tác xây dựng ban hành văn bản quy phạm.

4. Tổ chức thực hiện

4.1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành chỉ đạo các bộ phận tham mưu soạn thảo thực hiện nghiêm túc theo các nội dung nêu trên, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố trong trường hợp tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng pháp luật, không đảm bảo thời hạn, quy trình.

4.2. Giao Giám đốc Sở Nội vụ chịu trách nhiệm theo dõi, tham mưu và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, xử lý trách nhiệm của Thủ trưởng sở, ban, ngành gắn với công tác đánh giá thi đua, xếp loại đơn vị trong trường hợp chưa thực hiện đúng các nội dung đã nêu tại Chỉ thị và đề xuất hình thức xử lý trách nhiệm (nếu có)./.

 


Nơi nhận:
- Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố;
- Ban Nội chính Thành ủy;
- Các sở, ban, ngành Thành phố;
- UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức;
- VPUB: CVP, các PCVP;
- Các phòng NCTH;
- Lưu: VT, (NCPC/Kh).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Minh Châu