Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/GĐ-ĐT

Hà Nội, ngày 22 tháng 2 năm 1997

 

CHỈ THỊ

VỀ NGHIÊN CỨU QUÁN TRIỆT VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ HAI BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ VIII

Thực hiện Chỉ thị 12-CT/TW ngày 10/1/1997 của Bộ Chính trị và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai nghiên cứu quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, sau khi thống nhất với Ban cán sự Đảng bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành có trường, các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục - Đào tạo thực hiện tốt những việc sau đây:

1. Tổ chức nghiên cứu quán triệt nội dung Nghị quyết Trung ương 2 ở các địa phương trong toàn ngành từ các cơ quan quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo tới các sở, các trường.

Các cán bộ chủ chốt toàn ngành (Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Đảng uỷ, Công đoàn, Đoàn thanh niên cơ quan Bộ, Lãnh đạo Đảng, Chính quyền và Công đoàn của các tổ chức trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc và Bí thư Ban Cán sự Đảng sở Giáo dục - Đào tạo, Hiệu trưởng và Bí thư Đảng uỷ trường đại học và trường cao đẳng trực thuộc Trung ương, đại diện các Bộ, ngành có trường) cần tham dự đầy đủ Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Tại hội nghị các đại biểu cần nghe báo cáo về cả hai Nghị quyết, báo cáo kiểm điểm của Ban Cán sự và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về phần trách nhiệm của mình trước những yếu kém của giáo dục - đào tạo, chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghị quyết Trung ương 2 về giáo dục - đào tạo. Sau hội nghị toàn ngành, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, Ban, Ngành chủ quản, các cơ quan quản lý giáo dục - đào tạo, các cơ sở giáo dục - đào tạo cần khẩn trương xây dựng kế hoạch nghiên cứu và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 tại địa phương (cả trong và ngoài ngành giáo dục - đào tạo) và cơ sở của mình. Yêu cầu chung của đợt học tập Nghị quyết Trung ương 2 là làm cho mọi cấp, mọi ngành, toàn thể cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và học sinh, sinh viên nhận thức đúng tình hình và nguyên nhân, thấy rõ thực trạng của giáo dục - đào tạo nói chung và của địa phương và cơ sở mình nói riêng. Cần làm cho mọi người hiểu rõ những quan điểm cơ bản của Đảng về vai trò, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và từ nay đến năm 2000, nắm vững chủ trương chính sách và giải pháp bảo đảm cho giáo dục và đào tạo phát triển ngang tầm đòi hỏi của giai đoạn cách mạng mới.

2. Tổ chức kiểm điểm sâu sắc những ưu điểm, khuyết điểm trong những năm qua, làm rõ phần trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các địa phương, của các cấp quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục - đào tạo về những yếu kém của giáo dục - đào tạo, rút ra những bài học cần thiết nhằm chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý, sớm giải quyết cho được những vấn đề nổi cộm trong nhà trường. Việc kiểm điểm được tiến hành theo trình tự từ Bộ xuống cơ sở và phải đạt được những yêu cầu sau đây:

- Theo đúng tinh thần và nội dung Nghị quyết Trung ương 2, đánh giá đúng thực trạng, cả về thành tựu, yếu kém và nguyên nhân. Đánh giá phải chính xác, khách quan, sát thực tế.

- Làm rõ những nguyên nhân chủ quan, phần trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân, của từng cấp, từng địa phương và cơ sở, không kiểm điểm chung chung, tránh đổ lỗi cho khách quan, cho người khác, cấp khác.

- Rút ra những bài học, kinh nghiệm cần thiết trong xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 2.

Về nội dung kiểm điểm cần khẳng định những thành tựu, những nhân tố mới trong ngành ở địa phương và cơ sở, những chủ trương, giải pháp mô hình qua thực tiễn thực hiện các chính sách đổi mới của Đảng trong giáo dục - đào tạo tỏ ra là thích hợp. Đánh giá đúng mức sự đồng ý góp to lớn của nhân dân, sự cố gắng, tận tuỵ của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, sự chăm lo của cấp đảng uỷ và chính quyền các cấp. Phần trọng tâm trong kiểm điểm là làm rõ trách nhiệm của các cấp quản lý về chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo, về những biểu hiện tiêu cực, thiếu kỷ cương đang làm xã hội lo lắng, vấn đề thực hiện công bằng xã hội, hiệu quả sử dụng các nguồn lực dành cho giáo dục đào tạo, những mặt yếu kém, bất cập trong công tác quản lý và cơ chế quản lý, nội dung và phương pháp giáo dục - đào tạo trong thể chế hoá chủ trương xã hội hoá giáo dục...

Các Vụ, Viện và tổ chức trực thuộc Bộ, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, một mặt, cần giúp Ban Cán sự và Lãnh đạo Bộ trong kiểm điểm, mặt khác, cần đi sâu kiểm điểm rõ phần trách nhiệm của mình về những yếu kém bất cập trong giáo dục và đào tạo; trong chức năng tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ở những mảng công việc được giao, trong chuẩn bị các dự thảo văn bản pháp quy, trong kiểm tra, đôn dốc chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Bộ và đề xuất với Bộ các phương án xử lý kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phát sinh.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với việc tham mưu cho cấp uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc kiểm điểm làm rõ phần trách nhiệm về những yếu kém của giáo dục - đào tạo tại địa phương, cần kiểm điểm sâu sắc về trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục trong việc thực hiện các chủ trương chính sách liên quan đến giáo dục và đào tạo và các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; về quy mô và chất lượng giáo dục - đào tạo của các ngành, các bậc học các điều kiện đảm bảo; chỉ đạo các loại hình ngoài công lập; thực hiện chương trình, nội dung giảng dạy, đảm bảo dạy đủ môn, kết hợp học với hành, kết hợp nhà trường gia đình và xã hội, giáo dục đạo đức, nhân cách, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng, giáo dục lao động hướng nghiệp; trật tự vệ sinh trong nhà trường; quản lý việc thu, chi các khoản không chính thức, không công khai; thanh tra, kiểm tra việc thi cử, cấp văn bằng, chứng chỉ... Tập trung kiểm điểm những khuyết điểm, tồn tại yếu kém về tình trạng thiếu kỷ cương trong giáo dục - đào tạo. ở các trường và các cơ sở giáo dục - đào tạo cần đi sâu kiểm điểm về thực hiệc nề nếp, kỷ cương trong dạy và học, chấp hành các quy chế, quy định hiện hành về chương trình, nội dung, về tuyển sinh, thi, kiểm tra, xử lý các gian lận trong coi thi, chấm thi, về dạy học thêm tràn lan, việc thu và sử dụng học phí các khoản khác ngoài quy định, chấp hành chế độ tài chính, về hoạt động của các tổ chức quần chúng, xây dựng môi trường giáo dục và cảnh quan sư phạm, bảo đảm các điều kiện cho dạy và học, xây dựng và bảo quản cơ sở vật chất, việc thực hiện các chính sách xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ và học sinh sinh viên, ngăn chặn và loại trừ các văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ và các tệ nạn xã hội như mãi dâm, cờ bạc, nghiện hút, ma tuý trong nhà trường, việc thực hiện Chỉ thị 406 TTg, các Nghị định 36/CP và 87/CP...

Riêng khối trường đạo tạo, nhất là các trường đại học, cần kiểm điểm sâu về các biện pháp bảo đảm chất lượng đào tạo toàn diện, bảo đảm cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng của học sinh, sinh viên, những biểu hiện "thương mại hoá", mua bằng, bán điểm, tăng quy mô tuyển sinh vượt quá khả năng đào tạo, mở quá nhiều lớp tại chức ở các địa phương mà không thực hiện đúng quy chế, đúng chương trình, chưa quan tâm tạo điều kiện học tập cho học sinh sinh viên là con em nhà nghèo, công tác học sinh, sinh viên nội trú...

3. Xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết trung ương 2 của toàn ngành từ Bộ tới các tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, phường và từng cơ sở giáo dục - đào tạo.

Trên cơ sở những tư tưởng chỉ đạo phát triển giáo dục - đào tạo thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, định hướng phát triển giáo dục - đào tạo đến năm 2020, mục tiêu cụ thể đến năm 2000 và những giải phát chủ yếu nêu trong Nghị quyết Trung ương 2, các địa phương và toàn ngành Giáo dục - đào tạo phải nhanh chóng xây dựng chương trình hành động tổng thể để sớm đưa Nghị quyết của Trung ương vào cuộc sống một cách tích cực, chủ động sáng tạo. Chương trình hành động của các cấp phải chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp khả thi, vừa phải tập trung vào giải quyết dứt điểm từng việc những vấn đề bức xúc trước mắt nhằm nhanh chóng tạo ra những chuyển biến, tiến bộ thấy được trong giáo dục và đào tạo, vừa phải có kế hoạch nhanh chóng thể chế hoá các định hướng chiến lược, các chủ trương, thành chiến lược, luật pháp, chính sách quy chế, quy định cụ thể.

Với trách nhiệm của mình, Bộ giáo dục - đào tạo đã xây dựng chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 về giáo dục và đào tạo trình Chính phủ (Văn bản số 629/GD-ĐT ngày 28/1/1997). Các vụ, viện, và các tổ chức thuộc Bộ cần khẩn trương triển khai bảo đảm tiến độ hoàn thành các đề án và nhiệm vụ được giao.

Căn cứ vào Nghị quyết Trung ương 2, chương trình hành động của Bộ giáo dục và đào tạo, sau khi kiểm điểm những yếu kém, bất cập, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và cơ sở mình, Uỷ ban nhân dân các địa phương, các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục và đào tạo cần khẩn trương xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của địa phương và cơ sở mình.

Trong tháng 2 năm 1997 Lãnh đạo Sở giáo dục và đào tạo chuẩn bị xong kế hoạch triển khai Nghị quyết Trung ương 2, hoàn thành kiểm điểm và chương trình hành động. Trong hội nghị cán bộ chủ chốt của địa phương Sở chịu trách nhiệm hướng dẫn các trường quán triệt Nghị quyết Trung ương 2, làm kiểm điểm và xây dựng chương trình hành động. Việc tổ chức quán triệt Nghị quyết Trung ương 2 tới cán bộ, giáo viên và học sinh các trường trung học phổ thông và chuyên nghiệp địa phương trên địa bàn chậm nhất phải hoàn thành trong quý I năm 1997.

Cán bộ chủ chốt các trường cao đẳng địa phương, các trường THCN và dạy nghề trực thuộc Trung ương đóng tại địa phương cùng tham gia nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Trung ương 2 với các Sở giáo dục - đào tạo dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố.

Cũng trong tháng 2 năm 1997 Lãnh đạo các trường đại học và cao đẳng trực thuộc Trung ương hoàn thành đề án tổng thể triển khai Nghị quyết, kiểm điểm những mặt yếu kém và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của trường mình. Việc phổ biến quán triệt Nghị quyết tới toàn thể cán bộ, giáo viên, sinh viên và thông qua chương trình hành động của trường, của các phòng, khoa, bộ môn phải hoàn thành chậm nhất là trong quý I năm 1997.

Tài liệu chính thức dùng trong đợt học tập này là hai Nghị quyết Chỉ thị 12/CT/TƯ của Bộ Chính trị và hai bài phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị Trung ương của đồng chí Tổng bí thư.

Căn cứ vào các tài liệu chính thức kể trên và các tài liệu do Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương biên soạn, Vụ Công tác chính trị chịu trách nhiệm tổ chức biên soạn các tài liệu để đưa nội dung Nghị quyết Trung ương 2 vào chương trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

Để thực hiện tốt Chỉ thị Của Thủ tướng Chính phủ, Bộ giáo dục và đào tạo yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Bộ có trường chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai chương trình tổng thể thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 của địa phương, của Bộ, ngành và tới từng các cơ sở giáo dục - đào tạo. Trước mắt tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm một số vấn đề cấp bách trong kế hoạch của Chính phủ về trật tự, vệ sinh ở các trường từ mẫu giáo, phổ thông đến đại học, về dạy thêm, học thêm; về chế độ nhà trường thu các khoản tiền của học sinh và phụ huynh, về thi cử, cấp bằng, xét duyệt công nhận học vị, học hàm, chấn chỉnh quản lý các lớp đại học mở tại các địa phương xa trường và các hệ đại học mở, đại học tại chức.

Vụ Công tác Chính trị làm đầu mối phối hợp với Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban cán sự và các tổ chức trực thuộc Bộ giúp Ban cán sự và Lãnh đạo Bộ giáo dục và đào tạo đôn đốc kiểm tra thực hiện hàng quý có sơ kết báo cáo Bộ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết.

 

 

Trần Hồng Quân

(Đã ký)