Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2002/CT-BTC

Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2002

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ TÀI CHÍNH XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Luật Ngân sách Nhà nước đã quy định xã phường là một cấp ngân sách trong hệ thống ngân sách Nhà nước. Nhận thức vị trí và tính chất quan trọng của cấp ngân sách xã phường, trong thời gian qua, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có sự quan tâm chỉ đạo sát sao nhằm xây dựng và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán Bộ Tài chính - kế toán xã phường. Nhiều địa phương đã quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán Bộ Tài chính - kế toán xã phường, nhờ đó tỷ lệ cán bộ Tài chính xã phường có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên đã được tăng lên; công tác quản lý tài chính đã có tiến bộ, quản lý thu chi ngân sách chặt chẽ hơn, kinh tế tăng trưởng góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, công tác xây dựng và đào tạo bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ tài chính xã phường nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập; đội ngũ cán bộ Tài chính - kế toán xã phường đang ở trong tình trạng vừa thiếu lại vừa yếu, phần đông số cán bộ tài chính xã phường chưa qua đào tạo cơ bản (chỉ có 40% có trình độ sơ cấp, 20% có trình độ trung cấp hoặc đại học tại chức và khoảng 40% chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ); nhiều nơi chưa bố trí ổn định được cán Bộ có chuyên môn tài chính do phụ thuộc vào nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân; công tác bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới về quản lý tài chính - kế toán mặc dù đã được nhiều địa phương tổ chức hàng năm, song chương trình bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa được chuẩn hoá, còn nặng về lý thuyết chung, chưa thiết thực đi sâu vào việc giải quyết các tình huống thực tế về kinh tế - xã hội nảy sinh trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của cấp xã phường.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khoá IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn đã nhấn mạnh công tác xây dựng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán Bộ cơ sở, cụ thể là: "Tích cực trẻ hoá và từng bước chuẩn hoá đội ngũ cán Bộ công chức cơ sở, phấn đấu từ nay đến hết năm 2005 có khoảng 70 - 80% cán bộ chuyên trách giữ chức vụ qua bầu cử được đào tạo, bồi dưỡng đạt tiêu chuẩn quy định; khoảng 10% cán bộ công chức chuyên môn có trình độ trung cấp trở lên đối với đồng bằng và sơ cấp trở lên đối với miền núi". ".... Đổi mới căn bản chương trình nội dung và phương pháp giảng dạy với cán Bộ cơ sở theo hướng đào tạo căn bản, bồi dưỡng theo chức danh đảm bảo tính thiết thực".

Ngày 28/6/2002 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 85/2002/QĐ-TTg về kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX đã yêu cầu các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán Bộ công chức kết hợp giữa đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ với việc tạo nguồn và động viên sinh viên mới tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học về công tác ở chính quyền cơ sở, phấn đấu đến năm 2005 đạt chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX và Quyết định số 85/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đồng chí Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ, trực thuộc Bộ và các đồng chí Giám đốc Sở Tài chính Vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung công việc sau đây:

1- Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm tham mưu giúp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai công tác điều tra đánh giá thực trạng đội ngũ cán Bộ tài chính xã phường. Từ đó phân tích kỹ và phân loại rõ số cán bộ tài chính đủ trình độ đảm nhận được công việc quản lý tài chính xã phường; số cần phải đưa đi đào tạo hoặc số cần phải thay thế do tuổi cao, do trình độ yếu, do yếu kém về phẩm chất tư cách. Trên cơ sở đó xác định những xã phường cần bổ sung cán bộ tài chính - kế toán và số cán bộ tài chính - kế toán cần phải bổ sung cho xã phường .

2- Sở Tài chính - Vật giá giúp UBND tỉnh, thành phố chủ trì phối hợp với Cục Thuế, Kho bạc nhà nước tỉnh, thành phố lập kế hoạch điều chuyển cán bộ từ ngành Tài chính (bao gồm cả cán Bộ thuộc cơ quan Thuế, Kho bạc nhà nước trên địa bàn tỉnh, thành phố, quận, huyện) để tăng cường cho những xã phường hiện thiếu cán bộ tài chính. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng Giám đốc Kho bạc nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Thuế, Kho bạc nhà nước ở địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính - Vật giá triển khai thực hiện tốt công tác này.

3- Sở Tài chính - Vật giá hướng dẫn các phòng Tài chính quận, huyện lập kế hoạch xây dựng đội ngũ, đào tạo bồi dưỡng cán bộ tài chính xã phường để tổng hợp trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định để chỉ đạo các quận, huyện, thị xã thực hiện theo hướng: Chọn lựa số cán bộ trẻ theo hình thức cử tuyển ở địa phương gửi đi đào tạo tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học tài chính kế toán và kinh tế ở Trung ương và địa phương; sau khi đào tạo trở về sẽ bố trí làm cán bộ tài chính - kế toán tại xã phường nơi cử đi học. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có chính sách khuyến khích sinh viên, học sinh các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học tài chính - kế toán về xã phường công tác. Phấn đấu đến năm 2006 có 100% số xã phường trong cả nước có cán bộ tài chính - kế toán được đào tạo trình độ từ trung cấp tài chính - kế toán trở lên.

Các đối tượng cán bộ ở xã, phường cần được bồi dưỡng kiến thức về tài chính kế toán bao gồm: Trưởng ban tài chính xã phường, Kế toán ngân sách xã phường, Kế toán hợp tác xã. Đến năm 2006 tất cả cán bộ đang làm công tác tài chính - kế toán xã phường được bồi dưỡng kiến thức theo chương trình nội dung do Bộ Tài chính quy định.

4- Sở Tài chính - Vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí ngân sách địa phương cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài chính xã phường trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn, đồng thời tổ chức thực hiện công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ tài chính xã phường theo chương trình chuẩn đã được phê duyệt.

5- Giao Vụ Tổ chức cán Bộ và đào tạo chủ trì phối hợp với Học viện Tài chính, các trường Cao đẳng, Trung học tài chính - kế toán, Tổng cục thuế, Kho bạc nhà nước Trung ương, Vụ Ngân sách nhà nước, Vụ Chế độ kế toán và các đơn vị liên quan trong Bộ tổ chức nghiên cứu biên soạn bộ chương trình chuẩn về đào tạo bồi dưỡng cán Bộ tài chính xã phường theo yêu cầu mới, với phương châm gắn kết giữa lý thuyết với thực tế, hướng vào việc đào tạo bồi dưỡng cách xử lý cụ thể các tình huống phát sinh liên quan đến hoạt động kinh tế - xã hội - tài chính trên địa bàn xã phường.

Để thực hiện các nhiệm vụ nói trên yêu cầu các đơn vị tổ chức triển khai cụ thể nhiệm vụ được phân công theo chương trình, kế hoạch ban hành kèm theo Chỉ thị này và báo cáo Bộ kết quả thực hiện sau khi hoàn thành tiến độ từng công việc đã được qui định.

 

 

BỘ TÀI CHÍNH

 

 

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG VÀ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ TÀI CHÍNH XÃ PHƯỜNG, THỊ TRẤN

(Kèm theo Chỉ thị số: 3/2002/CT-BTC  ngày 6 tháng 9 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

A- VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ:

1- Tiến hành điều tra thực trạng trình độ đội ngũ cán bộ tài chính xã phường, thị trấn:

+ Chủ trì: Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

+ Vụ TCCB&ĐT Bộ Tài chính hướng dẫn (có mẫu điều tra), đôn đốc thực hiện.

Thời gian: Triển khai chung tháng 9-10/2002, tổng hợp báo cáo Bộ trong tháng 11/2002.

2- Xác định nhu cầu cần bổ sung, nguồn bổ sung, nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng chia ra từng năm 2003-2004-2005:

+ Sở Tài chính - Vật giá tiến hành.

+ Vụ TCCB&ĐT theo dõi đôn đốc thực hiện

Thời gian hoàn thành trong tháng 11/2002.

3- Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước có văn bản chỉ đạo hệ thống phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá triển khai kế hoạch điều chuyển cán bộ thuộc hệ thống cấp tỉnh, huyện cho xã phường.

4- Sở Tài chính - Vật giá chủ trì phối hợp với Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước lập kế hoạch điều chuyển cán bộ ở tỉnh, huyện tăng cường cho xã, phường, thị trấn đặc biệt làm đối với những xã, phường, thị trấn chưa có cán bộ tài chính được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ để báo cáo UBND tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương

Thời gian: Xây dựng kế hoạch trong Quý I/2003, thực hiện trong năm 2003.

B- CÔNG TÁC BỒI DƯỠNG:

1- Vụ TCCB&ĐT trình Bộ thành lập tiểu ban biên soạn giáo trình bồi dưỡng nghiệp vụ tài chính xã phường gồm: Học viện Tài chính chủ trì và các đơn vị Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước Trung ương, Vụ Ngân sách Nhà nước, Vụ Chế độ kế toán và các đơn vị liên quan trong Bộ biên soạn tài liệu bồi dưỡng cán bộ tài chính xã phường, thị trấn:

+ Lập kế hoạch triển khai: tháng 9/2002.

+ Cử giáo viên, cán bộ nghiên cứu của Học viện Tài chính và một số cán bộ các đơn vị được phân công biên soạn giáo trình về một số địa phương: Hà Nội, Thái Bình, Hoà Bình, Hà Tây, Hải Dương... để nghiên cứu thực tế: Thực hiện tháng 9/2002

+ Học viện Tài chính chủ trì tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo hướng giải quyết các tình huống cụ thể liên quan đến tài chính xã phường

Thời gian: Tháng 11-12 năm 2002 đánh giá tài liệu, tháng 12/2002 hoàn thành nội dung.

+ Xuất bản tài liệu gửi về các Sở Tài chính - Vật giá: Quí I/2003

+ Giao nhiệm vụ cho các Sở Tài chính - Vật giá, các Trường Cao đẳng, Trung học kinh tế - tài chính đóng trên địa bàn và Học viện Tài chính tổ chức bồi dưỡng cán bộ xã, phường.

Thời gian: Thực hiện từ năm 2003.

2- Về công tác đào tạo: Vụ TCCB&ĐT chủ trì rà soát lại chương trình đào tạo cán bộ có trình độ trung cấp về tài chính kế toán để chỉ đạo về chuyên môn đối với các trường Trung học kinh tế ở địa phương có đào tạo cán bộ tài chính kế toán nhằm bảo đảm tính thống nhất và đổi mới theo hướng gắn với thực tiễn.

Thời gian: Thực hiện Quí IV/2002.

 

 

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)