Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2003/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh ngày 13 tháng 1 năm 2003

 

CHỈ THỊ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

VỀ VIỆC BẢO VỆ, GÌN GIỮ CÁC DẤU MỐC ĐO ĐẠC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ.

Dấu mốc đo đạc bao gồm mốc khống chế tọa độ độ cao Nhà nước, mốc khống chế khu vực, mốc địa chính và mốc địa giới. Dấu mốc đo đạc (sau đây gọi tắt là dấu mốc) tạo thành một mạng lưới tọa độ - độ cao làm cơ sở để sử dụng lâu dài trong công tác đo đạc, lập bản đồ các loại phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về nhà đất, về quy hoạch hạ tầng đô thị và các nhu cầu cần thiết khác tại thành phố Hồ Chí Minh. Tóm lại, dấu mốc đo đạc là tài sản quốc gia có giá trị rất quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước cần phải được thiết lập.

Để xây dựng được mạng lưới này, Trung ương và Thành phố đã đầu tư một nguồn kinh phí rất lớn, nhưng thời gian qua công tác quản lý, gìn giữ, bảo vệ các dấu mốc của Chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan đơn vị nơi dấu mốc được lắp đặt bị buông lỏng hoặc không được chú ý đúng mức nên đã gây ra mất mát hoặc hư hỏng với một số lượng lớn các dấu mốc.

Ngày 22 tháng 01 năm 2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số12/2002/NĐ-CP về hoạt động đo đạc bản đồ trong đó có quy định công tác bảo vệ các công trình xây dựng đo đạc (các khoản 3, 4, 5, 6, 7 Điều 9, Chương II).

Nhằm chấn chỉnh việc bảo vệ, gìn giữ các dấu mốc trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị như sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn các dấu mốc được đặt ở địa phương mình hoặc trong phạm vi cơ quan, đơn vị hoặc tại bất động sản do mình quản lý hay sở hữu. Hàng quý, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường - xã, thị trấn phải báo cáo lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận - huyện tình hình bảo quản dấu mốc do mình quản lý, trong đó cần thể hiện các nội dung chính như : số lượng mốc tăng thêm hoặc mất đi, lý do, đề xuất các biện pháp bảo quản dấu mốc mới cho phù hợp, chặt chẽ.

2. Sau khi lắp đặt hoặc khôi phục các dấu mốc, đơn vị đo đạc thành lập mốc phải lập biên bản bàn giao dấu mốc trong đó ghi rõ vị trí, hiện trạng dấu mốc tại thực địa và giao một bộ biên bản cho Ủy ban nhân dân cấp phường - xã, thị trấn hoặc cho cơ quan, đơn vị nơi dấu mốc được lắp đặt với sự có mặt của chủ sử dụng đất. Sau đó, Ủy ban nhân dân cấp phường - xã, thị trấn hoặc Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phân công cho một cán bộ chuyên trách chịu trách nhiệm trực tiếp theo dõi, gìn giữ dấu mốc. Sau cùng, đơn vị đo đạc báo cáo công tác bàn giao, giao nộp toàn bộ bản ghi chú điểm và biên bản bàn giao các dấu mốc cho Sở Địa chính - Nhà đất.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận - huyện có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra công tác bảo vệ, gìn giữ các dấu mốc đo đạc trên các xã thuộc địa bàn mình phụ trách. Hàng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận - huyện phải báo cáo lên Sở Địa chính - Nhà đất thành phố tình hình bảo quản dấu mốc do mình quản lý để kịp thời xử lý và có kế hoạch tu bổ, khôi phục.

4. Kể từ ngày nhận bàn giao dấu mốc, Ủy ban nhân dân cấp phường - xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị nơi đặt dấu mốc có trách nhiệm :

-Bảo quản, giữ gìn không để dấu mốc bị xâm phạm như: bị xê dịch hay di chuyển đi nơi khác, bị hủy hoại hay hư hỏng. Kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng có ảnh hưởng đến các dấu mốc đo đạc trên địa bàn mình phụ trách. Kịp thời đình chỉ thi công, lập biên bản vi phạm đối với các đơn vị xây dựng và báo cáo ngay về Sở Địa chính - Nhà đất xử lý.

-Tuyên truyền, giáo dục, động viên khen thưởng cán bộ công chức và nhân dân ý thức bảo vệ, giữ gìn dấu mốc.

5. Mọi tổ chức, cá nhân không được tự ý sử dụng hoặc di chuyển dấu mốc đi nơi khác nếu không được sự chấp thuận của Sở Địa chính - Nhà đất. Ủy ban nhân dân cấp phường - xã, thị trấn hoặc cơ quan đơn vị được ủy nhiệm quản lý trực tiếp dấu mốc có quyền không cho phép sử dụng dấu mốc đối với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào không có giấy cung cấp số liệu tọa độ, độ cao có chữ ký, con dấu của Trung tâm Thông tin và Đăng ký nhà đất thuộc Sở Địa chính - Nhà đất hoặc Chi nhánh Trung tâm Thông tin Lưu trữ tư liệu địa chính miền Nam thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường. Trong quá trình sử dụng, phải giữ gìn bảo vệ dấu mốc, không làm hư hỏng, sử dụng xong phải khôi phục lại tình trạng như ban đầu.

6. Các chủ đầu tư hoặc các cơ quan tư vấn xây dựng công trình khi lập dự án đầu tư phải tiến hành khảo sát thực địa và thông qua Ủy ban nhân dân cấp sở tại kiểm tra xem trong khu vực sắp xây dựng công trình có dấu mốc nào không để có biện pháp bảo vệ hoặc di dời. Trường hợp buộc phải di đời ra khỏi khu vực xây dựng, chủ đầu tư phải liên hệ với Sở Địa chính - Nhà đất để có kế hoạch di dời mốc.

7. Các cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng quản lý nhà, đất, cấp phép xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường… khi xét duyệt hồ sơ giao-thuê đất, cấp phép cho các công trình xây dựng hoặc các công trình giao thông có ảnh hưởng đến dấu mốc hiện có trong khu vực phải ghi thêm điều khoản cụ thể về việc giữ gìn, bảo vệ dấu mốc.

8. Các đơn vị thi công, trong quá trình thi công công trình, nếu gặp các dấu mốc hoặc nghi ngờ nó là dấu mốc phải có trách nhiệm liên hệ ngay với Ủy ban nhân dân cấp phường - xã, thị trấn và báo ngay cho Sở Địa chính - Nhà đất để có biện pháp xử lý thích hợp. Tổ chức, cá nhân nào tự tiện xê dịch, di chuyển hoặc cố ý phá hoại các dấu mốc, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy tố trước pháp luật; đồng thời phải bồi thường mọi chi phí cho việc đo đạc phục hồi dấu mốc.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị báo cáo về Sở Địa chính - Nhà đất để được giải quyết theo thẩm quyền./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Hùng Việt