Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 03/2003/CT-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 17 tháng 01 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

Thời gian qua tình hình cháy xảy ra trên toàn quốc diễn biến rất phức tạp, nhiều nơi đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn, đặc biệt vụ cháy Trung tâm Thương mại Quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 29 tháng 10 năm 2002 gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và Tài sản.

Trên địa bàn tỉnh ta, trong năm 2002 tình hình cháy có chiều hướng gia tăng: đã xảy ra 11 vụ cháy gây thiệt hại hơn 420 triệu đồng; đặc biệt là cảnh báo nguy cơ cháy rừng xảy ra ở diện rộng. Nguyên nhân chủ yếu là do việc Quản lý và Tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy của các cấp, các ngành, cơ sở, Hộ gia đình và của nhân dân chưa tốt.

Thực hiện Công điện số 1380/CP-NC ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động phòng cháy và chữa cháy, xử lý tốt các tình huống khi xảy ra, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của Nhà nước, của các tổ chức, của nhân dân, đồng thời góp phần Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương; Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị, xã, phường, Giám đốc các Doanh nghiệp, cơ sở phải trực tiếp chỉ đạo, Kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy trong phạm vi địa bàn quản lý và thường xuyên rà soát Xây dựng bổ sung kế hoạch biện pháp phòng cháy chữa cháy các phương án xử lý tình huống cháy phù hợp với tính chất hoạt động và Sản xuất Kinh doanh của đơn vị địa phương mình theo Quy định của Luật phòng cháy và chữa cháy.

Từng cơ quan, đơn vị, huyện thị và cơ sở phải tổ chức, thành lập và củng cố lực lượng chữa cháy tại chỗ, bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy chữa cháy, thường xuyên thực hành tập luyện phương án xử lý tình huống cháy, thoát nạn. Hàng năm đầu tư kinh phí cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và trang bị đủ các loại phương tiện chữa cháy cần thiết, các phương tiện thoát nạn cho người để đảm bảo khả năng ứng phó hiệu quả nhất trước khi có trợ giúp của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.

2. Các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở phải thường xuyên tuyên truyền phổ biến Luật phòng cháy và chữa cháy trong đơn vị mình để mọi người chấp hành. Sở Văn hóa Thông tin, Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Ninh Thuận, các đoàn thể quần chúng có trách nhiệm đẩy mạnh công tác tuyên truyền Pháp luật và kiến thức phòng cháy, chữa cháy trong nhân dân để mọi người hiểu rõ nguyên nhân, tác hại của nạn cháy từ đó nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy trong làm việc, sản xuất kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt chú ý các khu dân cư, nơi tập trung đông người, khu vực có nhiều nguy hiểm dễ cháy bằng những biện pháp, nội dung phù hợp.

3. Sở Xây dựng chỉ đạo trong Quy hoạch đô thị, lập dự án thiết kế, xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng các Công trình xây dựng nhất thiết phải thực hiện nghiêm túc các Tiêu chuẩn, quy định và chế độ Thẩm định duyệt về thiết kế và thiết bị phòng cháy chữa cháy. Trong các đô thị phải xây dựng các trụ nước chữa cháy công cộng trên các tuyến đường. Phải lập dự toán kinh phí đảm bảo cho công tác phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn.

Các cơ quan chuyên môn chỉ duyệt quy hoạch thiết kế xây dựng, cải tạo, cấp vốn và cấp phép xây dựng khi công trình đó đã được thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy.

4. Chỉ huy các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh phải tăng cường phối hợp kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy các đơn vị thuộc quyền quản lý, tập trung các khu vực kho tàng trung tâm thiết yếu kỹ thuật đồng thời xây dựng phương án phối hợp để xử lý các tình huống cháy, phương án huy động lực lượng khi có cháy lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu.

5. Công an tỉnh với chức năng nhiệm vụ được giao tăng cường việc kiểm tra, Giám sát thực hiện các yêu cầu phòng cháy chữa cháy. Chủ trì phối hợp với các ngành, các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy trong phạm vi toàn tỉnh. Trước mắt vào đầu mùa khô, dịp Tết Nguyên đán, cần tập trung các cơ sở trọng điểm có nhiều nguy hiểm về cháy, các công trình tập trung đông người, các khu dân cư dễ cháy, Chợ đầu mối của trung tâm tỉnh, huyện… Qua kiểm tra phải đề ra các giải pháp an toàn phòng cháy chữa cháy, hướng dẫn cơ sở khắc phục tồn tại, thiếu sót đồng thời phải kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, các cơ sở không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật. Chủ động xây dựng các phương án phòng cháy chữa cháy để bảo vệ cơ sở, khu vực trọng điểm, phương án huy động lực lượng phương tiện chữa cháy thoát hiểm của các tổ chức và cá nhân phục vụ công tác chữa cháy khi cần thiết.

Công an tỉnh cần rà soát các loại trang bị phương tiện chữa cháy, cứu người. Trên cơ sở các yêu cầu cần thiết phục vụ phòng cháy chữa cháy để xây dựng kế hoạch tham mưu cho UBND tỉnh xem xét đầu tư nâng cấp và trang bị để đảm bảo hiệu quả trong công tác chữa cháy và cứu người trong đám cháy.

6. Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính Vật giá hàng năm có trách nhiệm cân đối ngân sách trình UBND tỉnh quyết định kinh phí đầu tư cho các hoạt động phòng cháy chữa cháy, nâng cấp và hiện đại hóa phương tiện chữa cháy cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.

7. Chủ tịch UBND các huyện thị xã, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các đơn vị, cơ quan xí nghiệp và các lực lượng vũ trang trong tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện chỉ thị này. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 23/2001/CT ngày 18-5-2001 của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng cháy chữa cháy.

Giao cho Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy của tỉnh, Công an tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp tình hình báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện Chỉ thị này.