ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2005/CT-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 01 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI THÀNH PHỐ 5 NĂM 2006-2010
Thực hiện Chỉ thị số 33/2004/CT-TTg ngày 23 tháng 9 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010, Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị các sở-ngành thành phố và quận-huyện thực hiện các nội dung sau đây :
I.- YÊU CẦU :
Các sở-ngành thành phố và quận-huyện bám sát nội dung Chỉ thị số 33/2004/CT-TTg ngày 23 tháng 9 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010 với yêu cầu đổi mới toàn diện và sâu sắc hơn các mặt hoạt động kinh tế-xã hội gắn với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế ; đồng thời cần lưu ý các vấn đề trọng tâm sau đây :
1. Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thành phố 5 năm 2006-2010 cần đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng nhanh với hiệu quả và sức cạnh tranh cao hơn giai đoạn 2001-2005. Không chỉ chú trọng đến số lượng, mà cần đặt lên hàng đầu vấn đề chất lượng của tăng trưởng và phát triển. Tức là tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường sống và phát triển đô thị. Ngoài các chỉ tiêu kinh tế, cần tính toán xác định các chỉ tiêu về chất lượng cuộc sống, phát triển con người, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường phù hợp với tình hình đặc điểm của thành phố.
2. Giai đoạn 2006-2010 là giai đoạn kinh tế cả nước sẽ hội nhập hơn nữa vào kinh tế khu vực và kinh tế thế giới ; tiếp tục thực hiện các cam kết theo lộ trình AFTA và khả năng nước ta sẽ trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO. Do đó, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thành phố cần đặt trong bối cảnh như trên, nên vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là của doanh nghiệp cần xem là một trong những ưu tiên hàng đầu.
3. Kế hoạch cần thể hiện được yêu cầu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo định hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp. Trong nội bộ ngành cần có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ cao cấp ; tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp thâm dụng khoa học-kỹ thuật, chất xám và giá trị gia tăng cao.
4. Để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội thành phố trong thời gian tới, nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, trong khi vốn ngân sách thành phố có hạn. Do đó, cần có các giải pháp khơi dậy mọi nguồn lực đầu tư từ xã hội để tập trung vốn cho đầu tư phát triển.
5. Giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, phát huy tối đa nguồn lực trong nước ; đồng thời, tranh thủ cao nhất nguồn lực bên ngoài, đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và tiếp tục tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho đầu tư phát triển ; tiếp tục củng cố, sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thuộc thành phố quản lý.
6. Tăng cường phân cấp nhiều hơn nữa cho quận-huyện và ủy quyền cho sở-ngành trong xây dựng ; chỉ đạo và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Cấp quận-huyện là cấp chịu trách nhiệm chính đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn.
II.- NỘI DUNG :
Khi xây dựng kế hoạch 5 năm 2006-2010, các sở-ngành thành phố và quận-huyện cần tập trung làm rõ các nội dung sau :
1. Đối với các sở-ngành thành phố :
1.1- Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2001-2005 :
Trên cơ sở tình hình 2001-2004 và dự ước 2005, các sở-ngành đánh giá sự phát triển của ngành mình dựa trên các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2001-2005 mà Đại hội Đảng bộ thành phố khóa VII đã xác định ; cụ thể như sau :
1.1.1- Tốc độ phát triển ngành ;
1.1.2- Phân tích các kết quả đạt được theo mục tiêu đề ra ;
1.1.3- Chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành và phân tích các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có lợi thế và khả năng cạnh tranh (đối với các ngành kinh tế) ;
1.1.4- Tác động của phát triển ngành đối với sự phát triển chung của thành phố ;
1.1.5- Việc huy động các yếu tố nguồn lực để phát triển ngành và hiệu quả sử dụng các nguồn lực ;
1.1.6- Nhận định tổng quát về các thành tựu, hạn chế và nguyên nhân liên quan đến phát triển ngành.
Khi đánh giá cần so sánh giữa chỉ tiêu thực hiện và chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra (2001-2005) ; xác định các nguyên nhân khách quan và chủ quan chưa đạt được các mục tiêu đề ra. Lưu ý đến các yếu tố thuộc chỉ đạo, điều hành của thành phố và tổ chức thực hiện hoặc tham mưu của sở-ngành thành phố.
1.2- Dự báo và định hướng phát triển ngành giai đoạn 2006-2010 :
Trên cơ sở nhận định về tình hình kinh tế thế giới và khu vực ; kinh tế cả nước và tiềm năng của thành phố liên quan đến phát triển ngành mình, các sở-ngành thành phố đưa ra dự báo và định hướng phát triển của ngành trên các mặt :
1.2.1- Dự kiến tốc độ phát triển chung của ngành ;
1.2.2- Chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành ;
1.2.3- Các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có thế mạnh và khả năng phát triển ;
1.2.4- Dự báo về thị trường của ngành ;
1.2-5- Cân đối các yếu tố nguồn lực (vốn, cơ sở vật chất, nhân lực, hợp tác trong và ngoài nước,…) ;
1.2.6- Dự kiến các chỉ tiêu về phát triển ngành trong giai đoạn 2006-2010.
1.3- Đề xuất các chương trình, công trình trọng điểm :
Trên cơ sở định hướng phát triển chung của ngành mình và yêu cầu về cân đối nguồn lực, các sở-ngành thành phố đề xuất các chương trình, công trình, dự án trọng điểm cần ưu tiên đầu tư để phát triển, nhằm đạt được mục tiêu của ngành đề ra.
Các chương trình, công trình, dự án nêu ra cần đầy đủ các nội dung cơ bản sau : 1. Tên chương trình, công trình, dự án ; 2. Địa điểm ; 3. Dự kiến nguồn lực thực hiện gồm vốn đầu tư và cơ cấu nguồn vốn ; nhân lực ; cơ sở vật chất yêu cầu ; điều kiện đảm bảo ; sự phối hợp các đơn vị liên quan,… ; 4. Thời gian thực hiện ; 5. Cơ sở khoa học để đề xuất.
1.4- Đề xuất các giải pháp thực hiện :
Xuất phát từ thực tiễn ngành mình và định hướng chung, đề xuất các giải pháp để phát triển ngành ; các giải pháp bao gồm cấp thành phố và các đề xuất, kiến nghị với Trung ương.
2. Đối với các quận-huyện :
2.1- Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2001-2005 :
Trên cơ sở tình hình 2001-2004 và dự ước 2005, các quận-huyện đánh giá sự phát triển của quận-huyện mình dựa trên các tiêu chí sau :
2.1.1- Dân số-lao động ;
2.1.2- Đánh giá tình hình quy hoạch, quản lý địa bàn theo quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý nhà đất và tình hình sử dụng đất trên địa bàn ;
2.1.3- Cân đối thu-chi ngân sách ; các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản;
2.1.4- Tốc độ phát triển kinh tế-xã hội quận-huyện (các chỉ tiêu giá trị sản xuất các ngành kinh tế, các chỉ tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội) ; trong đó, chú ý lĩnh vực cơ sở hạ tầng, vì có tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của công dân ;
2.1.5- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn quận-huyện (dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp) ; phân tích các sản phẩm có thế mạnh của quận-huyện ;
2.1.6- Tác động của phát triển quận-huyện đối với sự phát triển chung của thành phố ;
2.1.7- Việc huy động các yếu tố nguồn lực để phát triển quận-huyện và hiệu quả sử dụng các nguồn lực ;
2.1.8- Nhận định tổng quát về các thành tựu, hạn chế và nguyên nhân liên quan đến phát triển quận-huyện, nhất là nguyên nhân chủ quan.
Khi đánh giá cần so sánh giữa chỉ tiêu thực hiện và chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra (2001-2005) ; xác định các nguyên nhân khách quan và chủ quan chưa đạt được các mục tiêu đề ra.
Lưu ý :
+ Các yếu tố thuộc chỉ đạo, điều hành của thành phố và chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của quận-huyện ;
+ Các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của công dân ;
+ Những khó khăn khi thực hiện kế hoạch như mối quan hệ giữa các ngành Trung ương, thành phố và quận-huyện ; cân đối ngân sách ; .v.v…
2.2- Dự báo và định hướng phát triển quận-huyện giai đoạn 2006-2010 :
Trên cơ sở nhận định về tình hình và tiềm năng của thành phố liên quan đến phát triển quận-huyện mình, các quận-huyện đưa ra dự báo và định hướng phát triển của quận-huyện trên các mặt :
2.2.1- Tốc độ tăng dân số-lao động ;
2.2.2- Xây dựng mới và điều chỉnh quy hoạch chi tiết, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất ;
2.2.3- Dự kiến tốc độ phát triển chung của quận-huyện ;
2.2.4- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn quận-huyện (3 khu vực dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp) ;
2.2.5- Cân đối thu-chi ngân sách ;
2.2.6- Các chỉ tiêu phát triển các ngành kinh tế, các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ;
2.7- Cân đối các yếu tố nguồn lực (vốn, lao động, cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo,v.v…).
2.3- Đề xuất các dự án trọng điểm :
Trên cơ sở định hướng phát triển chung của quận-huyện và yêu cầu về cân đối nguồn lực, các quận-huyện đề xuất các dự án trọng điểm cần ưu tiên đầu tư để phát triển, nhằm đạt được mục tiêu do quận-huyện đề ra trong giai đoạn 2006-2010.
Các dự án nêu ra cần đầy đủ các nội dung cơ bản sau : 1. Tên dự án ; 2. Địa điểm ; 3. Dự kiến vốn đầu tư ; 4. Thời gian thực hiện ; 5. Cơ sở khoa học để đề xuất.
2.4- Đề xuất các giải pháp thực hiện :
Xuất phát từ thực tiễn quận-huyện và định hướng chung, đề xuất các giải pháp để phát triển quận-huyện ; các kiến nghị đối với thành phố và với Trung ương.
III.- TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH :
1. Sở - ngành thành phố, quận - huyện dự thảo kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 của đơn vị, địa phương mình báo cáo về Thường trực nhóm công tác xây dựng kế hoạch 5 năm của thành phố (Viện Kinh tế, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư) trước ngày 20 tháng 02 năm 2005 ; đồng thời tổ chức nghiên cứu, biên soạn kế hoạch phục vụ kịp thời cho Đại hội Đảng bộ của sở-ngành thành phố, quận - huyện ; giao Viện Kinh tế tổng hợp Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố 5 năm 2006 - 2010 trình Ủy ban nhân dân thành phố thông qua trong tháng 02 năm 2005 để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trong tháng 3 năm 2005.
2. Yêu cầu Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận : | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1 Kế hoạch 09/KH-UBND năm 2011 về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Sóc Trăng
- 2 Chỉ thị 03/2005/CT-UBND thực hiện Nghị định 47/CP của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, CCHT; Chỉ thị 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 3 Chỉ thị 33/2004/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Quyết định 49/2009/QĐ-UBND công bố văn bản hết hiệu lực thi hành do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Chỉ thị 03/2005/CT-UBND thực hiện Nghị định 47/CP của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, CCHT; Chỉ thị 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 3 Kế hoạch 09/KH-UBND năm 2011 về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Sóc Trăng