Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2008/CT-UBND

Đồng Hới, ngày 3 tháng 10 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Tài nguyên khoáng sản là một nguồn lực quan trọng phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Trong thời gian qua, công tác quản lý về tài nguyên khoáng sản đã có nhiều cố gắng, đã phê duyệt quy hoạch khoáng sản đến năm 2015, khoanh định vùng cấm hoạt động khoáng sản làm cơ sở cho việc thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo đúng quy định. Công tác khai thác, chế biến khoáng sản đã góp phần phục vụ nhu cầu nhân dân trong tỉnh đặc biệt là phục vụ xây dựng. Đã thu hút được một số nhà đầu tư quan tâm đến đầu tư, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm.

Tuy nhiên, trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; một số mỏ được cấp không khai thác hết công suất, để quá thời hạn, không thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường; đất mỏ bị lấn chiếm để sử dụng vào mục đích khác gây khó khăn cho công tác quản lý, đặc biệt một số mỏ khoáng sản kim loại được cấp giấy phép khai thác nhưng chưa gắn liền với chế biến sâu, xuất nguyên liệu thô ra khỏi địa bàn làm giảm hiệu quả sử dụng khoáng sản và hiệu quả kinh tế, giảm thu ngân sách và giải quyết việc làm tại địa phương. Tình trạng mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường, sử dụng phương tiện vận tải với tải trọng lớn làm hệ thống giao thông hư hỏng nặng do hoạt động khai thác khoáng sản chưa được khắc phục; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên, kém hiệu quả, lợi ích của địa phương nơi có khai thác khoáng sản chưa được quan tâm đúng mức.

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26/2008/CT-TTg ngày 01/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ ''Về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản", ngày 03-10-2008, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Xây dựng, Công an tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

1. Việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản phải gắn liền với việc đầu tư xây dựng dự án chế biến sâu khoáng sản hoặc phục vụ cho sản xuất kinh doanh và nhân dân tại địa phương. Đối với các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác mỏ trước đây mà chưa có dự án chế biến sâu hoặc không có điều kiện chế biến phải tập trung nguyên liệu để bán cho các nhà máy trên địa bàn tỉnh chế biến nhằm phát huy giá trị, hiệu quả của tài nguyên khoáng sản, cấm việc xuất khẩu khoáng sản thô. Trong trường hợp đặc biệt một số khoáng sản có số lượng lớn, các doanh nghiệp trong và ngoài nước không có nhu cầu xây dựng nhà máy chế biến sâu mà chỉ xin khai thác thì ưu tiên cho doanh nghiệp có cam kết đồng thời đầu tư dự án khác. Các loại khoáng sản sử dụng không qua chế biến như cát cửa sông, cát biển, cát san lấp... khi tỉnh có nhu cầu xuất khẩu để tăng thu ngân sách cho tỉnh thì thực hiện lựa chọn nhà đầu tư. Nghiêm cấm việc mua bán qua trung gian để xuất khẩu.

2. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến sâu khoáng sản, lựa chọn các doanh nghiệp thực sự có năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính trên cơ sở trữ lượng nguồn nguyên liệu đảm bảo hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

3. Đối với các mỏ khoáng sản có nhiều đơn vị đăng ký tham gia khai thác, chế biến khoáng sản phải thực hiện thăm dò và lựa chọn đơn vị khai thác, chế biến theo quy định; căn cứ vào quy mô, tính chất cụ thể của từng khu vực mỏ để thực hiện cơ chế đấu thầu hoặc chỉ định thầu khai thác. Ưu tiên cấp phép khai thác khoáng sản cho các đơn vị có nhà máy chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhằm tạo việc làm và tăng nguồn thu cho ngân sách;

4. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải tuyệt đối thực hiện nghiêm túc việc thuê đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính; phải bảo vệ môi trường trong suốt quá trình khai thác; phải nộp phí, ký quỹ phục hồi môi trường và đồng thời phục hồi môi trường sau khi khai thác; bảo đảm hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản không làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng đầu nguồn, cảnh quan di tích lịch sử, văn hóa và các khu dân cư, các công trình hạ tầng đường giao thông, công trình thủy lợi...

5. Các mỏ nằm trong khu vực quản lý biên giới, gần các khu vực quốc phòng quân sự phải thực hiện đầy đủ các quy định, quy chế biên giới và quy định của Nhà nước về bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự.

6. Sở Tài nguyên và Môi tr­ường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Công an tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản; căn cứ mức độ vi phạm kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, truy cứu trách nhiệm hình sự, tước quyền sử dụng giấy phép, thu hồi giấy phép theo quy định đối với các tổ chức cá nhân vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản. Nếu cơ quan, địa phương nào để xẩy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý nghiêm thì người đứng đầu cơ quan, địa phương phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

8. Báo Quảng Bình, Đài phát thanh Truyền hình Quảng Bình thường xuyên tuyên truyền chính sách, pháp luật về khoáng sản nhằm nâng cao nhận thức hiểu biết cho các doanh nghiệp và nhân dân để có ý thức bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản. Biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt, phát hiện và đấu tranh phê phán, lên án những hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản.

Yêu cầu Giám đốc các sở: Tài nguyên và Môi tr­ường, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Xây dựng, Công an tỉnh, các sở ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Giám đốc các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện có gì v­ướng mắc phản ánh kịp thời về UBND tỉnh (qua sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp) để giải quyết nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo đúng quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, tổng hợp định kỳ báo cáo về UBND tỉnh ./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQ VN tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- LĐ VP UBND tỉnh;
- TT Công báo tỉnh, Báo QB, Đài PTTH QB;
- Các DN HĐ kh/sản trên địa bàn;
- Lưu: VT, KTTH.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phan Lâm Phương