Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 03/2010/CT-UBND

Bến Tre, ngày 30 tháng 7 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC SẢN XUẤT SẠCH HƠN TRONG CÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

Sản xuất sạch hơn là một khái niệm đã được Chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc (UNEP) đưa ra từ năm 1989 và đã được thế giới công nhận tính hiệu quả trong việc nâng cao hiệu suất kinh tế của doanh nghiệp và góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường. Từ khoảng năm 2007, sản xuất sạch hơn bắt đầu được phổ biến và áp dụng tại Bến Tre, các hoạt động truyền thông cũng như các dự án trình diễn bước đầu đã giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp nâng cao nhận thức về lợi ích thiết thực của các giải pháp sản xuất sạch hơn.

Ngày 07 tháng 9 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1419/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Chiến lược). Đây là một văn bản pháp lý rất quan trọng giúp sản xuất sạch hơn được tuyên truyền phổ biến và áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm hướng đến một nền kinh tế bền vững.

Để triển khai thực hiện nghiêm túc Chiến lược, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tốt một số việc như sau:

1. Sở Công Thương:

a) Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp rà soát và xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành, đồng thời chú trọng công tác lồng ghép nội dung sản xuất sạch hơn vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp;

b) Đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ tác nghiệp các cấp, các ngành và các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, kể cả trong các khu, cụm công nghiệp tập trung;

c) Nâng cao năng lực hoạt động của Văn phòng sản xuất sạch hơn tại Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thuộc Sở Công Thương. Đồng thời chú trọng công tác đào tạo chuyên gia tư vấn về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp;

d) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và vận hành có hiệu quả trang thông tin điện tử về sản xuất sạch hơn và cơ sở dữ liệu về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh;

e) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, phổ biến các hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp;

f) Hỗ trợ tư vấn các giải pháp sản xuất sạch hơn và xem xét, lồng ghép hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công theo đúng quy định của pháp luật để các cơ sở sản xuất công nghiệp triển khai thực hiện;

g) Tăng cường công tác khuyến khích duy trì áp dụng sản xuất sạch hơn, đồng thời đẩy mạnh công tác phổ biến và hỗ trợ nhân rộng các mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn đạt hiệu quả cao;

h) Hàng năm, xây dựng kế hoạch hoạt động sản xuất sạch hơn phù hợp với tình hình tại địa phương và phù hợp với nội dung mục tiêu Chiến lược trong từng giai đoạn cụ thể, cân đối từ nguồn kinh phí khuyến công, cố gắng tranh thủ các nguồn lực của Trung ương và nguồn lực khác để triển khai thực hiện. Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ cho việc áp dụng sản xuất sạch hơn.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Phối hợp với các sở, ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và lồng ghép nội dung sản xuất sạch hơn vào chiến lược, kế hoạch bảo vệ môi trường;

b) Lồng ghép tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn trong quá trình tiến hành các hoạt động thanh, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường;

c) Đẩy mạnh công tác lồng ghép thông tin tuyên truyền những chủ trương, chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường với tuyên truyền, phổ biến sản xuất sạch hơn để các cơ sở sản xuất công nghiệp hiểu rõ và thực hiện;

d) Giới thiệu, tuyên truyền và vận động các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tiến hành áp dụng sản xuất sạch hơn.

3. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học và với các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, chuyển giao các đề tài, dự án khoa học công nghệ đã nghiên cứu, nghiệm thu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường;

b) Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

4. Sở Tài chính:

Cân đối nguồn vốn từ ngân sách hàng năm để hỗ trợ triển khai thực hiện các hoạt động nhằm thúc đẩy sản xuất sạch hơn được áp dụng rộng rãi và đạt hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh.

5. Công an tỉnh:

Phối hợp với các ban ngành chức năng tổ chức thực hiện có hiệu quả các mặt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác về bảo vệ môi trường; kiểm tra, kiểm soát và xử lý các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Đồng thời, giới thiệu, tuyên truyền nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp tiến hành áp dụng sản xuất sạch hơn góp phần bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo:

Nghiên cứu đưa sản xuất sạch hơn vào chương trình đào tạo trong các ngành phù hợp tại các trường dạy nghề, trường cao đẳng và trường trung học chuyên nghiệp.

7. Ban Quản lý các khu công nghiệp:

Giới thiệu, tuyên truyền sản xuất sạch hơn đến các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp và phối hợp với các sở, ngành chức năng tham gia xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy áp dụng sản xuất sạch hơn trên địa bàn tỉnh.

8. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Đồng Khởi:

a) Xây dựng và thực hiện các chương trình, chuyên mục truyền thông về sản xuất sạch hơn trên các phương tiện thông tin của đơn vị;

b) Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh kịp thời thông tin về những mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn đạt hiệu quả cao.

9. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:

Chỉ đạo các phòng chức năng:

a) Phối hợp với các sở, ngành tỉnh: tổ chức phổ biến, truyên truyền, tập huấn sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện, thành phố; xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy, hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn; đồng thời lồng ghép nội dung sản xuất sạch hơn vào chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

b) Lồng ghép tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn trong quá trình tiến hành các hoạt động thanh, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

10. Uỷ ban Mặt trận và các các đoàn thể, hội, hiệp hội:

Giới thiệu, tuyên truyền về sản xuất sạch hơn và tích cực vận động các đoàn viên, hội viên của mình tham gia các chương trình tuyên truyền, tập huấn do các sở, ngành chức năng tổ chức. Đồng thời, tham gia cùng với các sở, ngành xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy áp dụng sản xuất sạch hơn trên địa bàn tỉnh.

11. Yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành tỉnh: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Lao động- Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Đồng Khởi và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, định kỳ 6 tháng báo kết quả về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương, Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Chỉ thị này có hiệu lực sau mười ngày kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Cao Văn Trọng