Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2012/CT-UBND

Hậu Giang, ngày 21 tháng 3 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ CHỐNG THẤT THU THUẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

Trong những năm qua, việc thực hiện Luật Quản lý thuế trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã được tổ chức triển khai, từng bước đi vào nề nếp và đạt được những kết quả nhất định, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh luôn hoàn thành vượt mức dự toán thu và đạt được tốc độ tăng thu khá, số thu năm sau luôn cao hơn năm trước, đóng góp tích cực vào việc kích thích nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật về thuế của một số đối tượng nộp thuế chưa nghiêm, tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng vào việc thực hiện cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp để trốn thuế, gian lận thuế vẫn còn xảy ra nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả; sự phối hợp của các ngành, các cấp với cơ quan Thuế trong công tác quản lý thuế, trong việc tuyên truyền chính sách pháp luật thuế chưa thường xuyên, chặt chẽ, làm giảm hiệu quả của công tác quản lý thuế trên địa bàn toàn tỉnh.

Để tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Quản lý thuế, đồng thời, tăng cường công tác quản lý, chống thất thu và tình hình nợ đọng đối với các loại thuế và các khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước (sau đây gọi chung là thuế). Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Cục Thuế tỉnh:

a) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thuế đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh và người nộp thuế trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó tập trung vào những sắc thuế, nguồn thu, lĩnh vực có dấu hiệu kê khai, hạch toán không đúng so với thực tế phát sinh làm giảm số thuế phát sinh phải nộp;đồng thời, tiến hành rà soát và yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện việc kê khai thuế đúng theo địa chỉ đảm bảo cho việc giao tiếp, cung cấp thông tin giữa cơ quan Thuế và người nộp thuế thuận lợi.

b) Triển khai đồng bộ các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế, đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các Ngân hàng Thương mại, Kho bạc Nhà nước tỉnh, các tổ chức tín dụng khác trong quản lý thu ngân sách Nhà nước và thu nợ thuế đảm bảo kịp thời.

c) Tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế chấp hành tốt các chính sách pháp luật thuế; yêu cầu người nộp thuế phải đăng ký sử dụng và lập hóa đơn theo đúng quy định của pháp luật về hóa đơn.

d) Chủ động phối hợp với cơ quan Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở: Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các ngành có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chống thất thu thuế trên địa bàn tỉnh.

đ) Chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành liên quan ban hành các văn bản liên sở, ngành về tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, nợ đọng đối với các loại thuế và các khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước.

2. Sở Tài chính:

a) Tăng cường công tác kiểm tra giá hàng hóa dịch vụ, thực hiện kiểm soát chặt chẽ phương án giá, mức giá đối với các mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bình ổn giá theo quy định. Kịp thời phát hiện và phối hợp với cơ quan Thuế xử lý nghiêm các trường hợp bán hàng không đúng giá niêm yết dẫn đến kê khai thiếu doanh số khi xác định số thuế phải nộp.

b) Kiểm tra việc thực hiện chế độ hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước; kịp thời phát hiện và phối hợp với cơ quan Thuế xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng quy định.

3. Sở Công Thương: Chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Sở Tài chính trong việc tăng cường quản lý thuế và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh không chấp hành đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán không đúng giá, kiểm tra việc hàng hóa lưu thông trên thị trường đúng theo quy định.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Hậu Giang:

Chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng Thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế các cấp trong việc cưỡng chế thu hồi nợ thuế và cung cấp thông tin về tài khoản, tài sản thế chấp của các đối tượng nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và Thông tư liên tịch số 102/2010/TTLT-BTC-NHNN ngày 14/7/2010 giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về việc trao đổi, cung cấp thông tin giữa cơ quan quản lý thuế và các tổ chức tín dụng.

5. Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh: Phối hợp với cơ quan Thuế và các cơ quan có liên quan tăng cường đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận thương mại, gian lận thuế, mua bán hóa đơn bất hợp pháp, tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường, tham gia thực hiện cưỡng chế thu hồi các khoản nợ thuế vào ngân sách Nhà nước đúng quy định.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Sở Tài chính, Thanh tra tỉnh và các cơ quan liên quan thường xuyên rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, không hiệu quả, các hành vi vi phạm việc chấp hành nghĩa vụ tài chính với ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực đất đai để xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý.

8. Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo các phòng, ban có liên quan phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan Thuế các cấp thường xuyên thanh tra, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải, xác định số lượng phương tiện phát sinh chưa đưa vào quản lý hoặc các đơn vị chưa đăng ký kinh doanh;đồng thời, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực vận tải phải kê khai và nộp các khoản thu vào ngân sách Nhà nước đầy đủ, đúng quy định.

9. Cơ quan Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang: có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị này trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm để các tổ chức, cá nhân kinh doanh và mọi tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức trong việc chấp hành tốt việc đăng ký, kê khai và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế; kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận, trốn thuế làm thất thu ngân sách Nhà nước.

10. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn:

a) Tăng cường công tác chống thất thu thuế, tập trung xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng thuế; triển khai các biện pháp cưỡng chế nợ thuế để thu hồi nợ đọng và hạn chế nợ thuế phát sinh.

b) Tổ chức thực hiện việc điều tra thu nhập cá nhân của các cá nhân hành nghề độc lập để yêu cầu kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

c) Phối hợp với cơ quan Thuế thực hiện điều tra doanh số khoán của các hộ kinh doanh đối với các ngành nghề có dấu hiệu thất thu thuế để điều chỉnh doanh số, số thuế phải nộp sát với thực tế phát sinh.

d) Tăng cường quản lý các khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước. Trong đó tập trung vào các nguồn thu gồm: Thu tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền thuê đất.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Giám đốc Sở: Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải; Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này.

Giao Cục Thuế tỉnh Hậu Giang định kỳ 6 tháng, hàng năm phải tổ chức sơ, tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện hoặc lồng ghép vào nội dung sơ, tổng kết hàng năm để tổng hợp, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Cục Thuế tỉnh tổng hợp, trình UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Liên Khoa