- 1 Thông tư 24/2013/TT-BTTTT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 2 Thông tư 25/2013/TT-BTTTT quy định về hồ sơ giám định tư pháp và biểu mẫu giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
BỘ THÔNG TIN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-BTTTT | Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2024 |
VỀ TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN VÀ TỔ CHỨC PHỐI HỢP ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP LĨNH VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Sau 10 năm kể từ khi Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành các Thông tư theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các quy định về giám định tư pháp về thông tin và truyền thông, công tác giám định tư pháp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định theo vụ việc trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đã từng bước được kiện toàn. Hiện nay, trên cả nước có 240 giám định viên tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (trung ương có 22 người; địa phương có 218 người) và 167 người giám định tư pháp theo vụ việc (trung ương có 63 người; địa phương có 104 người). Trong 03 năm (2021-2023) theo báo cáo của Bộ Tư pháp, số lượng các vụ việc giám định tư pháp thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông đã thực hiện là 517 vụ việc, trong đó: trung ương thực hiện 76 vụ việc, địa phương thực hiện 441 vụ việc.
Trong quá trình triển khai thực hiện công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông còn gặp phải một số hạn chế như: cơ quan trưng cầu giám định lúng túng chưa xác định được rõ ràng, chính xác nội dung thuộc lĩnh vực chuyên môn thông tin và truyền thông khi yêu cầu giám định dẫn đến nội dung vụ việc trưng cầu giám định trong một số trường hợp chưa phù hợp; cơ quan điều tra ở địa phương thường tập trung gửi trưng cầu về Bộ Thông tin và Truyền thông thay vì gửi trưng cầu về cơ quan chuyên môn (các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương...) gây quá tải, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án; thời gian tiếp nhận và thực hiện trưng cầu giám định đôi khi quá ngắn, không đủ đối với những vụ việc phức tạp.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế là: Các nội dung thông tin vi phạm trên môi trường mạng phải xử lý hình sự ngày càng gia tăng, trong khi trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành chưa rõ ràng do đó phần lớn các cơ quan trưng cầu giám định đều trưng cầu giám định tư pháp của ngành Thông tin và Truyền thông; Các tội phạm hình sự khác lợi dụng môi trường mạng để thực hiện hành vi vi phạm ngày càng tăng mạnh làm số vụ việc cần phải thực hiện giám định tư pháp cũng tăng lên nên cần có giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả; Hoạt động giám định tư pháp là hoạt động mới, khó trong ngành Thông tin và Truyền thông nên rất cần các cấp lãnh đạo quan tâm, hỗ trợ, bảo đảm điều kiện cho công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan mình yên tâm khi thực hiện giám định, giảm áp lực trách nhiệm và tâm lý ngại không muốn thực hiện giám định.
Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ thị toàn ngành Thông tin và Truyền thông thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức lại công tác giám định tư pháp trong toàn Ngành theo chức năng, theo phạm vi quản lý nhà nước ngành, lãnh thổ; phân định giám định tư pháp theo cấp xét xử để tránh tình trạng quá tải và phù hợp với tinh thần liên ngành cấp trung ương đã thống nhất giữa Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và các bộ ngành, cụ thể:
Tại các địa phương: Sở Thông tin và Truyền thông chủ động tiếp nhận và thực hiện giám định tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp huyện (trừ trường hợp cơ quan chuyên môn địa phương không có đủ năng lực và điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định và trường hợp giám định lại lần hai).
Tại Bộ Thông tin và Truyền thông: Tiếp nhận và thực hiện giám định tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan điều tra cấp bộ; các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp huyện trong trường hợp cơ quan chuyên môn địa phương đã có văn bản từ chối giám định với lý do không đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định và trường hợp giám định lại. Vụ Pháp chế làm đầu mối thực hiện việc tiếp nhận và tham mưu Bộ trưởng phân công đơn vị chủ trì triển khai hoạt động giám định tư pháp theo tính chất của từng vụ việc. Các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ theo lĩnh vực quản lý thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc được phân công.
2. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các Sở Thông tin và Truyền thông cần phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm trong việc xem xét tiếp nhận và thực hiện giám định tư pháp đảm bảo đúng tiến độ và các quy định của pháp luật, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cá nhân, tập thể khi thực hiện giám định.
Các cấp lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, Sở Thông tin và Truyền thông cần tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị mình hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định tư pháp; xem xét, đánh giá xếp loại các cá nhân, đơn vị, tổ chức gắn với việc tiếp nhận, hoàn thành nhiệm vụ giám định; kịp thời khen thưởng cá nhân, tổ chức giám định tư pháp tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định; có biện pháp xem xét xử lý trách nhiệm công vụ đối với những đơn vị, cá nhân đùn đẩy, né tránh, từ chối tiếp nhận, thực hiện giám định.
3. Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn, các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ, các Sở Thông tin và Truyền thông cần chủ động theo dõi, rà soát công chức, viên chức trong tổ chức mình, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Pháp chế), Sở Tư pháp lập danh sách những người đáp ứng các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ để đề xuất bổ nhiệm giám định viên tư pháp, công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của hoạt động giám định tư pháp; rà soát miễn nhiệm giám định viên tư pháp không còn đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
4. Giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế và các đơn vị đảm bảo trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện giám định tư pháp chuyên ngành.
5. Giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn nghiệp vụ giám định tư pháp; nghiên cứu, xây dựng quy trình thực hiện giám định trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; tổng kết đánh giá để xây dựng Thông tư quy định giám định tư pháp lĩnh vực thông tin và truyền thông thay thế Thông tư số 24/2013/TT-BTTTT và Thông tư số 25/2013/TT-BTTTT.
6. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các Sở Thông tin và Truyền thông trong quá trình tổ chức, thực hiện hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh ngay về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Pháp chế) để hỗ trợ, tiếp nhận thông tin để tổng hợp báo cáo và đề xuất biện pháp với cấp có thẩm quyền giải quyết./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1 Thông tư 63/2020/TT-BTC hướng dẫn về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ, hoạt động của Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2 Thông báo 1049/TB-BYT về kết luận của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tại cuộc họp xây dựng Đề án Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần và Đề án Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp vào ngày 02/8/2022 do Bộ Y tế ban hành
- 3 Quyết định 2112/QĐ-BTP năm 2023 về Kế hoạch tổng kết tình hình thực hiện Luật Giám định tư pháp, Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành