Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Những năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp, qua đó, công tác phòng, chống tham nhũng của Ngành đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu, cụ thể: Công tác hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính luôn được chú trọng, có nhiều tiến bộ; các chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội được thực hiện nghiêm; việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập đã được thực hiện thường xuyên hàng năm và đi vào nề nếp; công tác thanh tra, kiểm tra được chỉ đạo quyết liệt, nội dung thanh tra đã tập trung vào những lĩnh vực nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt trong lĩnh vực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng,...

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng của Ngành còn một số hạn chế: Việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong một số lĩnh vực chưa có kết quả rõ rệt, nhất là tham gia phòng, chống việc trục lợi chính sách; công tác phát hiện, xử lý vi phạm trong nội bộ cơ quan, đơn vị có lúc còn bị động, chỉ đạo thiếu quyết liệt; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý những sai phạm chưa được thực hiện thường xuyên, nhất là những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng.

Nhằm phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Ngành chỉ đạo, tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả một số nhiệm vụ sau đây:

1. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Ngành phải gương mẫu, tự nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống tham nhũng và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý; phải xem công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục, thường xuyên và lâu dài của cơ quan, đơn vị, tổ chức mình; chịu trách nhiệm về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; thực hiện nghiêm chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng theo quy của Luật Phòng, chống tham nhũng.

2. Chủ động nhận diện, xác định những vị trí công việc có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và có kế hoạch phòng ngừa trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Việc xác định vị trí tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cần phải thường xuyên rà soát, điều chỉnh nhằm kịp thời đưa ra phương án phòng, tránh hiệu quả cao nhất. Kết quả rà soát, xác định vị trí có nguy cơ và biện pháp phòng ngừa phải được ban hành kèm theo kế hoạch phòng, chống tham nhũng hàng năm của đơn vị.

3. Thực hiện nghiêm túc và triệt để việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng; thực hiện tốt quy chế dân chủ nhằm công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.

4. Kiểm soát chặt chẽ và có hiệu quả về tài sản, thu nhập, việc tặng quà và việc nộp lại quà tặng; điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực khi bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp.

5. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực có tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng như xét duyệt (hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công, chi trả chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội, chương trình, dự án, dự toán, quyết toán tài chính...); quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách, tài sản và các nguồn tài chính huy động từ nhân dân, hỗ trợ từ tổ chức trong và ngoài nước; tiếp nhận, thẩm định, cấp phép hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cấp giấy phép hoạt động kiểm định và huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp,...

6. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng và chỉ thị này; định kỳ báo cáo Bộ về tình hình, kết quả thực hiện theo quy định.

Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Văn phòng và Vụ Tổ chức cán bộ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình, kết quả thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Ban Tổ chức Trung ương;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Nội chính TW;
- Thanh tra Chính phủ;
- Chủ tịch UBND tỉnh, tp tt TW;
- Ban cán sự đảng Bộ;
- Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ;
- Các Sở LĐTBXH;
- Lưu: VT, Thanh tra.

BỘ TRƯỞNG




Đào Ngọc Dung