Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH TÁI CƠ CẤU DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Mười năm qua, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là công tác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thường xuyên và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Thể chế, cơ chế quản lý DNNN và chuyển đổi DNNN được ban hành khá đồng bộ. DNNN giảm về số lượng, nhưng doanh nghiệp trong những ngành, lĩnh vực quan trọng thì quy mô vốn tăng lên, hiệu quả hoạt động tốt hơn, cơ bản thực hiện được vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước, làm công cụ vật chất để Nhà nước định hướng và điều tiết kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DNNN hoạt động trong những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa phải chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực kinh doanh chính. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được giao; quản trị doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu phát triển trong cơ chế thị trường. Việc quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN còn bất cập.

Quán triệt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2011 - 2015 là phải đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN nhằm tạo ra khu vực DNNN có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và sức cạnh tranh cao hơn, thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ được giao. Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung làm tốt những công việc sau:

1. Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách đối với DNNN; đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho đổi mới tổ chức hoạt động, quản lý, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN; trong quý I năm 2012, các Bộ trình Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền:

a) Bộ Tài chính:

- Quy định về quản lý tài chính, đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại các DNNN.

- Quy chế quản lý, giám sát tài chính đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác.

- Ban hành tiêu chí và hướng dẫn DNNN đánh giá đúng đắn, khách quan hiệu quả hoạt động; làm rõ các yếu tố cơ chế, nhiệm vụ chính sách (nếu có), ảnh hưởng đến kết quả chung của doanh nghiệp.

- Cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp còn vốn nhà nước sau khi thực hiện cổ phần hóa.

- Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy định phù hợp để đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mà Nhà nước không cần nắm giữ, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, có hiệu quả, theo cơ chế thị trường và thu hút cổ đông chiến lược có kinh nghiệm quản lý và năng lực tài chính, công nghệ; để đẩy nhanh việc giảm vốn nhà nước tại những doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ vốn chi phối.

- Hướng dẫn việc chuyển vốn, chuyển doanh nghiệp.

- Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

- Sửa đổi, bổ sung quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam.

- Quy định về tổ chức, hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Nghiên cứu cơ chế, mô hình tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN; trong đó, cần tập trung làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Bộ quản lý ngành kinh doanh chính và Hội đồng thành viên của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thí điểm thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước phù hợp với Luật Doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển và thực tiễn quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước.

- Hướng dẫn việc chuyển nhượng dự án, chuyển giao dự án gắn với việc chuyển nhượng vốn, chuyển giao vốn giữa các doanh nghiệp (nếu có) khi thực hiện tái cơ cấu DNNN.

d) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Quy định về quản lý tiền lương đối với viên chức quản lý trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

- Cơ chế quản lý tiền lương trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

đ) Bộ Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn hoặc đề xuất bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai về quản lý sử dụng đất trong nông, lâm trường quốc doanh, trong đó có việc đất đai của hộ nông dân góp giá trị quyền sử dụng đất vào các công ty nông nghiệp cổ phần hóa; đất đai (giao khoán và chưa giao khoán) chưa được xử lý trong các nông, lâm trường quốc doanh đã cổ phần hóa, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích tại công ty nông, lâm nghiệp.

e) Bộ Nội vụ: Chủ trì, đề nghị Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương phối hợp nghiên cứu quy định về công tác cán bộ trong DNNN, đặc biệt là đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

2. Các Bộ quản lý ngành kinh tế, kỹ thuật cần rà soát, đánh giá tính hợp lý, khả năng, điều kiện, cách thức tổ chức lại, từ đó xây dựng đề án tái cơ cấu đối với DNNN hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý trong quý I năm 2012 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện tạo ra chuyển biến căn bản về sắp xếp DNNN.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị việc tổng kết sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết số 28 NQ/TW của Bộ Chính trị; việc thí điểm cổ phần hóa vườn cây, rừng trồng gắn với cơ sở chế biến phù hợp thực tế để báo cáo Bộ Chính trị; đồng thời xây dựng đề án về mô hình và cơ chế quản lý đối với các nông, lâm trường quốc doanh.

4. Hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa DNNN của các Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong tháng 01 năm 2012. Các Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể và quyết liệt chỉ đạo để thực hiện cho được các phương án đã được phê duyệt.

5. Trong quý I năm 2012, các Bộ quản lý ngành và tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91 trình Thủ tướng Chính phủ; tổng công ty 90 và doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trình Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt phương án tái cơ cấu từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để thực hiện. Trong đó, cần chú ý cơ cấu lại ngành, nghề kinh doanh tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính và nhiệm vụ được giao; chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2015 có tính đến năm 2020; phương án tổ chức lại sản xuất, kinh doanh; kế hoạch đầu tư phát triển; tái cơ cấu các đơn vị thành viên và nguồn nhân lực; kế hoạch thoái vốn đã đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính theo các hình thức bán vốn, chuyển vốn, chuyển giao doanh nghiệp.

6. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa hoặc chuyển đổi thuộc đối tượng chuyển giao cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển vốn nhà nước tại một số công ty mẹ, tổng công ty đã cổ phần hóa sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

7. Các Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện tái cơ cấu công ty nông, lâm nghiệp (nông, lâm trường quốc doanh), theo hướng tiếp tục duy trì và tổ chức thực hiện khoán theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2005 đối với các nông, lâm trường quốc doanh trồng cao su, cà phê, chè, cây ăn quả và trồng rừng sản xuất, rừng nguyên liệu. Duy trì Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được chuyển đổi từ lâm trường quốc doanh quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Chuyển công ty lâm nghiệp (lâm trường quốc doanh) quản lý rừng tự nhiên thành đơn vị sự nghiệp và thực hiện khoán chăm sóc, bảo vệ cho người dân. Nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện để cổ phần hóa các công ty nông, lâm nghiệp trồng cao su, cà phê, chè, cây ăn quả và trồng rừng sản xuất, rừng nguyên liệu sau khi đã hoàn thành việc rà soát đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển sang thuê đất.

8. Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ được giao làm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại nhiều doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nghiên cứu việc thành lập một đầu mối thuộc Bộ để tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Bộ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
- Ban Chỉ đạo Đổi mới và PTDN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐMDN (5b)

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng