Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Pleiku, ngày 13 tháng 3 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến cuối năm 2007, tỉ lệ người dân nông thôn dùng nước sạch đạt 63%, tỉ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 40%, nhận thức của người dân về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong thời gian qua vẫn còn yếu kém, tồn tại như công tác quy hoạch, kế hoạch, quản lí, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường nhiều địa phương trong tỉnh còn buông lỏng, một số công trình chất lượng kém, bị hư hỏng, xuống cấp chưa được tu sửa kịp thời, tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh ở nông thôn vẫn còn diễn ra.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 3589/CT-BNN-TL ngày 28/12/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Tiến hành rà soát tổng hợp số lượng, chất lượng và đánh giá mức độ hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn, báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 30/4/2008 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

- Kiện toàn lại các tổ chức quản lí, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn, công trình nào chưa có tổ chức quản lí thì khẩn trương thành lập để vận hành, kiên quyết không để tình trạng có công trình nhưng không có chủ quản lí; rà soát lại mô hình và cơ chế hoạt động, điều chỉnh những hạn chế về năng lực, trách nhiệm, quyền hạn để đảm bảo tổ chức quản lí, vận hành khai thác công trình có hiệu quả.

- Việc xây dựng mới các công trình cấp nước sinh hoạt phải xuất phát từ nhu cầu của người sử dụng, phù hợp với điều kiện nguồn nước và công nghệ, người hưởng lợi phải được tham gia vào các khâu lập kế hoạch, xây dựng, giám sát, quản lí, vận hành; việc xây dựng công trình phải gắn liền với hình thành tổ chức quản lí, khai thác để phát huy hiệu quả công trình.

- Thực hiện tốt việc triển khai xây dựng, sửa chữa, quản lí, khai thác các công trình nước sạch trên địa bàn; tuyên truyền, vận động nhân dân-mọi nhà đều phải xây dựng nhà vệ sinh để đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT:

- Tăng cường công tác quản lí nhà nước về nước sạch và vệ sinh môi trường, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh; theo dõi, báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị này.

- Chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn:

+ Phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại quy hoạch, xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng mới, tu sửa các công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường; ưu tiên kinh phí để duy tu, bảo dưỡng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn bị hư hỏng, xuống cấp, mở rộng và nâng cấp các công trình đầu tư chưa đồng bộ; phân đấu đến năm 2010, không để nơi nào ở tỉnh ta vào mùa khô không có nước uống, nước sinh hoạt.

+ Phối hợp với các ngành, các cấp liên quan tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về nước sạch và vệ sinh môi trường. Chú trọng công tác đào tạo tập huấn cho cán bộ tham gia thực hiện Chương trình, sơ kết và phổ biến mô hình kĩ thuật, mô hình quản lí, khai thác công trình sau đầu tư phù hợp với điều kiện của mỗi vùng.

+ Hàng năm, có kế hoạch áp dụng công nghệ xử lí nước vào các công trình cấp nước tập trung để đảm bảo chất nước cho sinh hoạt.

3. Sở Y tế:

- Xây dựng kế hoạch hàng năm và chỉ đạo tổ chức thực hiện mục tiêu về nhà tiêu hợp vệ sinh cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

- Kiểm tra, giám sát chất lượng nước uống, nước sinh hoạt các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn để đảm bảo cung cấp nước sạch cho nhân dân và các cơ sở y tế.

- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các địa phương về công tác giám sát chất lượng nước, truyền thông về tác dụng của nước sạch và môi trường nông thôn để nâng cao ý thức của người dân trong sử dụng, bảo vệ nguôn nước, môi trường sống.

- Phối hợp với các các đoàn thể, chính quyền địa phương phổ biến kĩ thuật xây dựng, sử dụng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình, cơ quan, công sở theo tiêu chuẩn hiện hành của Bộ Y tế.

- Báo cáo, đề xuất kịp thời cho UBND tỉnh để chỉ đạo xử lí các công trình không đảm bảo chất lượng nước.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo: Xây dựng kế hoạch hàng năm về cấp nước và vệ sinh môi trường trong trường học theo mục tiêu Chương trình; tập huấn tuyên truyền nâng cao kiến thức về nước sạch và vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường học, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu trong trường học.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổng hợp xây dựng kế hoạch hàng năm Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trình UBND tỉnh và trung ương để ghi vốn kế hoạch; đảm bảo bố trí vốn đầu tư có trọng điểm, đầy đủ các hạng mục của công trình cấp nước tập trung, công trình vệ sinh môi trường để công trình bền vững, phát huy hiệu quả; kiểm tra, giám sát tiến độ xây dựng và vốn đầu tư, đề xuất kịp thời cho UBND tỉnh để chỉ đạo xử lí tồn tại, vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu này.

6. Sở Tài chính: Đảm bảo cấp vốn đầy đủ theo kế hoạch của Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để các đơn vị chủ đầu tư đẩy nhanh thực hiện, hoàn thành kế hoạch đề ra.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Xuân Liên