ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/CT-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 14 tháng 02 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO ĐẢM AN NINH, AN TOÀN TUYỆT ĐỐI TRONG QUÁ TRÌNH SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP
Công tác quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) và an toàn khai thác mỏ lộ thiên trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được tăng cường và từng bước đi vào nề nếp, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, qua các đợt thanh, kiểm tra về hoạt động VLNCN và an toàn khai thác mỏ lộ thiên cho thấy: vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp vi phạm trong quá trình hoạt động VLNCN và hoạt động khai thác mỏ; nhiều nơi sử dụng VLNCN chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình, quy định pháp luật về VLNCN và khai thác khoáng sản, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho người lao động. Đặc biệt trong năm 2016, tình hình mất cắp, thất thoát vật liệu nổ công nghiệp và mất an toàn trong khai thác mỏ diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh xảy ra hai vụ mất cắp VLNCN tại kho mỏ đá Hương Thọ và kho mỏ đá Khe Diều. Trong năm cũng đã xảy ra vụ sạt lở đất đá phong hóa tại mỏ đá Nam Khe Ly gây tắc nghẽn đường nội bộ mỏ và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động.
Để kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại trong các hoạt động liên quan đến VLNCN và an toàn khai thác mỏ lộ thiên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong hoạt động vận chuyển và sử dụng VLNCN; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung sau:
1. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác phối hợp kiểm tra liên ngành trong hoạt động vận chuyển, sử dụng VLNCN; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật. Tăng cường công tác quản lý để ngăn chặn việc thất thoát VLNCN dẫn đến buôn bán, sử dụng, vận chuyển trái phép VLNCN có thể xảy ra thuộc phạm vi quản lý. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an nắm bắt nhanh, cụ thể thông tin về những vụ trộm cắp, buôn bán, sử dụng, vận chuyển trái phép VLNCN trên địa bàn trong thời gian qua để đảm bảo kịp thời công tác tham mưu, quản lý.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định các nội dung kỹ thuật của hồ sơ xin cấp phép sử dụng VLNCN, đặc biệt lưu ý soát xét kỹ các nội dung của Bản đồ hoặc sơ đồ khu vực nổ mìn (trong đó xác định rõ khu vực nổ mìn, ranh giới an toàn, vị trí các công trình liên quan,...); giám sát, kiểm tra chặt chẽ về số lượng và các điều kiện của người Chỉ huy nổ mìn, thợ mìn và những người lao động liên quan đến VLNCN theo quy định. Yêu cầu các đơn vị có kho VLNCN trên địa bàn phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng cứu sự cố khẩn cấp kho VLNCN.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chủ trì kiểm tra, xác định địa điểm xây dựng kho vật liệu nổ công nghiệp dạng cố định;thẩm định thiết kế kỹ thuật kho chứa vật liệu nổ công nghiệp của các tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình kho vật liệu nổ công nghiệp vào sử dụng trước khi đưa vào sử dụng; Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra kết cấu đối với kho lưu động (trừ kho có kết cấu dạng hòm, thùng chứa) và thống nhất địa điểm cho phép đặt kho đảm bảo các điều kiện về an toàn, an ninh.
- Tăng cường công tác kiểm tra kỹ thuật an toàn trong khai thác mỏ, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi Giấy phép sử dụng VLNCN đối với các trường hợp khai thác khoáng sản không bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động sử dụng VLNCN, không có thiết kế mỏ theo quy định hoặc khai thác không theo thiết kế, vi phạm quy trình công nghệ trong khai thác.
- Tăng cường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra các thủ tục về đất đai, môi trường, tiêu chuẩn giám đốc điều hành mỏ, đăng ký nhà nước của giấy phép khai thác khoáng sản. Đình chỉ việc sử dụng VLNCN và có biện pháp xử lý đối với các đơn vị để xảy ra mất an toàn hoặc có nguy cơ xảy ra mất an toàn.
- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và đào tạo kịp thời các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến nhiệm vụ quản lý của ngành cho các tổ chức hoạt động vật liệu nổ và người lao động trên địa bàn tỉnh.
2. Công an tỉnh
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các vụ trộm cắp, buôn bán, sử dụng, vận chuyển trái phép VLNCN trên địa bàn trong thời gian qua; kịp thời thu hồi VLNCN bị mất cắp.
- Tăng cường công tác xác nhận, kiểm tra tình hình thực hiện và duy trì các điều kiện về an ninh trật tự đối với các đơn vị doanh nghiệp hoạt động VLNCN. Phối hợp với Sở Công Thương tổ chức khảo sát địa điểm đặt kho VLNCN.
- Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an ninh nông thôn trong khu vực có hoạt động VLNCN. Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ làm tốt công tác nắm bắt địa bàn, tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện xử lý nghiêm các hành vi tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép VLNCN. Xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Công Thương, các ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động VLNCN; đảm bảo thông tin phối hợp với Sở Công Thương.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về quản lý Vũ khí - Vật liệu nổ - Công cụ hỗ trợ để người dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan nêu cao ý thức chấp hành pháp luật.
3. Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh
- Nâng cao chất lượng công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ đối với kho VLNCN trước khi xây dựng và đưa vào sử dụng theo luật định. Phối hợp với Sở Công Thương tổ chức khảo sát địa điểm, nghiệm thu kho VLNCN.
- Tăng cường công tác kiểm tra thực hiện, duy trì các điều kiện về phòng chống cháy nổ đối với các đơn vị doanh nghiệp hoạt động VLNCN và hoạt động khai thác mỏ lộ thiên.
4. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn kịp thời các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến nhiệm vụ quản lý của ngành cho các tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp và hoạt động khai thác mỏ lộ thiên trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường phối hợp với Sở Công Thương trong công tác thanh, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các hoạt động của các tổ chức có hoạt động vật liệu nổ công nghiệp và hoạt động khai thác mỏ lộ thiên trên địa bàn.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Tăng cường kiểm tra, rà soát việc chấp hành các quy định của pháp luật đất đai, bảo vệ môi trường, việc lập Bản đồ hiện trạng mỏ và việc thực hiện phương án giám sát ảnh hưởng chấn động nổ mìn tại các mỏ; Thông báo công khai những trường hợp hết hạn Giấy phép khai thác khoáng sản đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương được biết để quản lý, giám sát.
- Phối hợp cung cấp thông tin cho Sở Công Thương về tình hình hoạt động khoáng sản của các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra việc thực hiện phương án giám sát ảnh hưởng chấn động nổ mìn của các tổ chức sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh theo quy định.
6. Sở Xây dựng
Chủ trì, phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Thiết kế cơ sở của dự án khai thác mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường đảm bảo đúng điều kiện thực tế, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành và hướng dẫn chủ đầu tư phê duyệt theo quy định; kiểm tra việc thực hiện khai thác theo Thiết kế mỏ đã phê duyệt.
7. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế
- Tăng cường công tác nắm bắt tình hình sử dụng VLNCN tại địa phương; phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh thanh, kiểm tra và giải quyết các vấn đề liên quan đến VLNCN; xử lý hoặc đề xuất xử lý theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động VLNCN; huy động các lực lượng trên địa bàn để ngăn chặn việc lưu trữ, sử dụng VLNCN trái phép.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước; phát hiện, ngăn chặn và báo cáo kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động VLNCN.
- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng sử dụng VLNCN trái phép trên địa bàn mà không có biện pháp xử lý và không kịp thời báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.
8. Các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động VLNCN
- Chấp hành nghiêm ngặt các quy định của Nhà nước về an ninh, an toàn trong quá trình vận chuyển, lưu kho, sử dụng VLNCN; nghiêm cấm việc mua, bán VLNCN trái phép.
- Đảm bảo đủ về số lượng và điều kiện đối với người chỉ huy nổ mìn, thợ mìn, thủ kho và những người làm việc liên quan đến VLNCN theo quy định; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, xây dựng và thực hiện nghiêm nội quy an toàn lao động tại khai trường.
- Chỉ tiến hành khai thác khi đã thực hiện đầy đủ các quy định về hoạt động khai thác mỏ và phải thực hiện đúng quy trình công nghệ khai thác theo dự án đã được thẩm định, phê duyệt. Thực hiện kịp thời các quy định, các biện pháp về đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn lao động, an toàn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm.
- Báo cáo kịp thời về các biến động (nếu có) về tình hình sử dụng VLNCN, các thay đổi về: Thiết kế, phương án nổ mìn đặc trưng; tổ chức, nhân sự, khu vực, vị trí nổ mìn… về Sở Công Thương để theo dõi, quản lý.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giao Sở Công thương theo dõi, đôn đốc và tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ 6 tháng và hằng năm báo cáo UBND tỉnh; trong trường hợp xảy ra sự cố liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn phải khẩn trương báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Kế hoạch 189/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp do thành phố Hà Nội ban hành
- 2 Kế hoạch 2166/KH-UBND năm 2017 về triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 3 Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2017 tăng cường quản lý vật liệu nổ công nghiệp do tỉnh Lào Cai ban hành
- 4 Quyết định 17/2016/QĐ-UBND Quy định mức thu, quản lý và sử dụng Phí thẩm định cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 5 Quyết định 62/2015/QĐ-UBND về mức thu phí thẩm định cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 6 Nghị quyết 30/2015/NQ-HĐND Quy định mức thu phí thẩm định cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 1 Quyết định 62/2015/QĐ-UBND về mức thu phí thẩm định cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 2 Nghị quyết 30/2015/NQ-HĐND Quy định mức thu phí thẩm định cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 3 Quyết định 17/2016/QĐ-UBND Quy định mức thu, quản lý và sử dụng Phí thẩm định cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 4 Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2017 tăng cường quản lý vật liệu nổ công nghiệp do tỉnh Lào Cai ban hành
- 5 Kế hoạch 2166/KH-UBND năm 2017 về triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 6 Kế hoạch 189/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp do thành phố Hà Nội ban hành