Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Nghệ An, ngày 10 tháng 03 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ THỰC VẬT NĂM 2014

Theo dự báo của Cục Bảo vệ thực vật và số liệu điều tra dự tính, dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta đang tiềm ẩn nhiều đối tượng sâu bệnh hại cây trồng và cây rừng; Đặc biệt, sự phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại mới nguy hiểm, khó phòng trừ. Mặt khác, tình hình sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật không đúng quy trình, dẫn đến tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả ở mức báo động, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Tình trạng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trái phép, nhỏ lẻ diễn ra khá phức tạp, gây khó khăn không nhỏ cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý. Sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở chưa chặt chẽ; chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Để thực hiện tốt Chỉ thị số 167/CT-BNN-TTr ngày 20/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm nông, lâm, thủy sản và chủ động trong công tác phòng trừ dịch hại cây trồng, tăng cường công tác quản lý nhà nước về buôn bán, sử dụng thuốc; kiểm soát chặt chẽ tồn dư thuốc BVTV trên rau quả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát tốt thị trường thuốc BVTV; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. UBND các huyện, thành, thị:

- Chủ động trích ngân sách địa phương để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, Luật an toàn thực phẩm cho nhân dân.

- Thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trên địa bàn theo các quy định hiện hành của nhà nước; đặc biệt là các quy định tại Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 17/07/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

- Thành lập các đoàn công tác để kiểm tra việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, đặc biệt là trên cây rau để xử lý các sai phạm theo đúng quy định, cụ thể như sau:

+ Kiên quyết đình chỉ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; Tịch thu các loại thuốc ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc xuất xứ để tiêu hủy; Ra quyết định hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định rút giấy phép kinh doanh.

+ Những tổ chức, cá nhân không tuân thủ, cố tình sử dụng thuốc sai quy trình, thu hoạch không đúng thời gian cách ly phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

+ Thông báo công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng loại sản phẩm, tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh vi phạm.

- Khi có dịch xảy ra trên địa bàn phải báo cáo với cấp ủy để huy động đến mức cao nhất đội ngũ cán bộ trên địa bàn từ cơ quan lãnh đạo, cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn và các tổ chức đoàn thể để tổ chức thành các tổ đội công tác giúp dân dập dịch.

- Tổ chức thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật vô chủ tại địa phương theo quy định.

- Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định tại Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 17/07/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cụ thể như sau:

+ Phối hợp với Trạm bảo vệ thực vật để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; khi có dịch bệnh xảy ra chỉ đạo các cơ sở buôn bán, người dân sử dụng đúng các loại thuốc do Sở Nông nghiệp và PTNT quy định.

+ Tiến hành kiểm tra thường xuyên và xử lý vi phạm các tổ chức, cá nhân buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã. Kiểm tra, phê duyệt về địa điểm buôn bán, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên địa bàn xã. Xử lý nghiêm những trường hợp không được phép kinh doanh nhưng vẫn buôn bán thuốc nhỏ lẻ trên địa bàn. Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện (qua Phòng Nông nghiệp và PTNT) định kỳ 6 tháng và cuối năm.

+ Bố trí địa điểm chứa, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở địa phương theo hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân cấp huyện; Trích ngân sách của địa phương để thực hiện việc thu gom, tiêu huỷ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài ra có thể vận động nhân dân đóng góp kinh phí để thực hiện công việc trên.

+ Tổ chức công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật; chống dịch, thống kê, đánh giá thiệt hại do dịch hại thực vật gây ra; thực hiện chính sách hỗ trợ chống dịch cho nông dân, triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra dịch để giảm nhẹ thiệt hại, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:

a) Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành, thị và các ngành có liên quan triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về công tác Bảo vệ thực vật gắn với công tác tổ chức chỉ đạo sản xuất. Chỉ đạo hệ thống khuyến nông, bảo vệ thực vật tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn để nông dân hiểu và thực hiện đúng các quy định về buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

b) Chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật:

- Phân công cụ thể từng đồng chí Lãnh đạo và cán bộ phụ trách cụ thể từng địa bàn và thường xuyên bám sát đồng ruộng để dự tính, dự báo, phát hiện và đề xuất kịp thời, chính xác biện pháp phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại; trên cơ sở đó phối hợp với UBND các huyện, thành, thị, các cơ quan có liên quan để triển khai hướng dẫn, chỉ đạo nông dân phòng trừ hiệu quả các đối tượng dịch hại cây trồng.

- Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan; UBND các huyện, thành, thị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các hoạt động buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; trong đó chú trọng các nội dung sau:

+ Truy xuất nguồn gốc, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý tận gốc các lô hàng không đảm bảo chất lượng.

+ Thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng loại sản phẩm, tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh có vi phạm.

+ Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh của các tổ chức tái phạm.

+ Chuyển hồ sơ các vụ việc vi phạm với tính chất và mức độ nghiêm trọng cho cơ quan Công an để xử lý theo quy định của pháp luật.

- Tham mưu kịp thời các chính sách hỗ trợ cho công tác phòng trừ dịch hại khi có dịch xảy ra.

3. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh bố trí, phân bổ kịp thời các nguồn kinh phí phục vụ cho công tác bảo vệ thực vật; đặc biệt, đối với kinh phí phòng trừ khi có dịch xảy ra và công tác an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

4. Sở Thông tin và truyền thông, Đài phát thanh và truyền hình Nghệ An, Báo Nghệ An.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch hại cây trồng, các chủ trương, chính sách, biện pháp kỷ thuật phòng trừ, các mô hình phòng trừ có hiệu quả và các loại sản phẩm, tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh có vi phạm về quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc. Định kỳ 6 tháng/lần báo cáo kết quả kiểm tra về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh theo quy định. Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc báo cáo về UBND tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng