Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Nam Định, ngày 01 tháng 02 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TẬP TRUNG THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN NĂM 2019

Năm 2018, sản xuất nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực; các nội dung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tập trung thực hiện, đã xây dựng được nhiều mô hình, chuỗi liên kết nông sản hàng hóa an toàn thực phẩm; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả đáng khích lệ, đến nay đã có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới, 7/10 huyện, thành phố được công nhận nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đạt được kết quả trên, là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và nông dân toàn tỉnh.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2019 phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản tăng từ 2,6% trở lên, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Nam Định về đích nông thôn mới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung tham mưu, tổ chức chỉ đạo và thực hiện quyết liệt Nghị quyết Số 27-NQ/TU ngày 17/7/2014 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014 - 2020; Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 20/4/2016 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 14/01/2019 của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; đồng thời tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp tổ chức tốt sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác chuyển giao, hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh, chăm sóc và bảo vệ cây trồng, vật nuôi; đảm bảo an toàn dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra của toàn ngành nông nghiệp.

2. Tạo bước chuyển biến tích cực, rõ nét về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn: Tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án, Kế hoạch của UBND tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, về phát triển kinh tế hợp tác; coi trọng việc khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp thuê gom, tập trung ruộng đất và liên kết tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi; rà soát nghiên cứu, lập kế hoạch xây dựng và phát triển các vùng chuyển đổi cây trồng, thủy sản trên đất lúa theo quy định tại Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm theo quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Việc chuyển đổi phải đảm bảo yêu cầu: Hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tuân thủ các quy định của Luật Đất đai và các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của tỉnh; loại cây trồng, thủy sản trong vùng chuyển đổi phải được lựa chọn theo nhu cầu thị trường, phát huy được tiềm năng đất đai, lợi thế về vị trí địa lý, tập quán và kỹ thuật canh tác của nông dân; sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt, ổn định; việc tổ chức thực hiện phải có bước đi phù hợp từ làm điểm, đánh giá đến nhân rộng một cách chắc chắn, thận trọng.

3. Nghiên cứu các chính sách của nhà nước, điều kiện thực tế của tỉnh để tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách góp phần tạo động lực cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh và bền vững.

Xây dựng Kế hoạch thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp... Thực hiện tốt vấn đề xử lý môi trường, xử lý rác thải. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy nước để cung cấp nước sạch cho nhân dân vùng nông thôn.

4. Siết chặt quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; chú trọng việc phát động và khuyến khích người dân phát hiện, tố giác các hành vi kinh doanh vật tư nông nghiệp trái pháp luật, buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng kết hợp với kiểm tra đột xuất; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

Triển khai toàn diện các biện pháp quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng... Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa kết hợp với tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.

5. Tập trung hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu Nam Định về đích nông thôn mới trước ngày 01/7/2019; trong năm 2019 có 50 - 60 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 mô hình nông thôn mới kiểu mẫu cấp xã, cấp thôn và huyện Hải Hậu đạt kết quả tích cực về xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Hội nghị toàn quốc sơ kết 05 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Chính phủ.

6. Triển khai hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 110/KH-UBND tỉnh ngày 12/12/2018 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020 tỉnh Nam Định. Tham mưu tổ chức tốt hội chợ nông sản sạch và sản phẩm làng nghề gắn với Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết 27/NQ-TU ngày 17/7/2014 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014 - 2020

7. Tổ chức lễ phát động Tết trồng cây Xuân Kỷ Hợi và đồng loạt ra quân triển khai trồng cây xanh, cây bóng mát kết hợp trồng hoa hai bên đường ở những tuyến đường trục xã, thôn, xóm. Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng phòng hộ và đất quy hoạch lâm nghiệp, rà soát lại diện tích đất bãi bồi để đăng ký tham gia chương trình phát triển rừng phòng hộ. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư và thực hiện hiệu quả các dự án trồng rừng ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai.

8. Chủ động, tích cực triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, công trình thủy lợi và các phương án phòng chống, giảm nhẹ thiên tai ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật đê điều và các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai.

Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện và những vấn đề phát sinh về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND, UBND tỉnh;
- Mặt trận Tổ quốc tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành;
- Các Huyện ủy, Thành ủy;
- UBND các huyện, thành phố;
- Website tỉnh, Website VPUBND tỉnh;
- Lưu: VP1, VP3

CHỦ TỊCH




Phạm Đình Nghị