Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
BỘ CÔNG NGHIỆP
******
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
Số: 04/1999/CT-BCN Hà Nội, ngày 02 tháng 04 năm 1999 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ KỸ THUẬT AN TOÀN TRONG CÁC MỎ HẦM LÒ THAN VÀ CÁC KHOÁNG SẢN KHÁC

Ngành khai thác than trong những năm gần đây có bước phát triển lớn, sản lượng than khai thác đã vượt 10 triệu tấn năm, song còn bộc lộ nhiều thiếu sót từ khâu thăm dò, nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, đặc biệt là khâu quản lý khí mỏ.  Số vụ sự cố cháy khí CH4 xẩy ra nhiều, gây thiệt hại to lớn về người và tài sản. Tại mỏ than  Mạo Khê ngày 11/01/1999 đã xảy ra vụ nổ khí CH4 làm chết 19 người, bị thương 12 người.

Tổng Công ty Than Việt Nam và mỏ than Mạo Khê đã tổ chức rút kinh nghiệm, triển khai các biện pháp công nghệ, kỹ thuật an toàn đưa mỏ trở lại sản xuất bình thường ngày 26/02/1999. Ngày 12/3/1999 Bộ Công nghiệp đã tổ chức cuộc họp kiểm điểm rút kinh nghiệm nhằm ngăn ngừa sự cố tái diễn. Trên cơ sở kết luận của hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp chỉ thị :

I. ĐỐI VỚI TỔNG CÔNG TY THAN VIỆT NAM :

1- Thực hiện tốt 14 biện pháp nhằm nâng cao an toàn khai thác than ở các mỏ hầm lò do đồng chí Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Than Việt Nam nêu trong báo cáo tại cuộc họp kiểm điểm rút kinh nghiệm vụ nổ khí CH4 ở mỏ than Mạo Khê ngày 12/3/1999. Thường xuyên báo cáo Bộ Công nghiệp tiến độ thực hiện các biện pháp trên .

2- Tổng kiểm tra tất cả các mỏ, mỏ nào chưa đủ điều kiện kỹ thuật an toàn tối thiểu theo quy định của Nhà nước, của Bộ, của Tổng Công ty kiên quyết không cho phép tiến hành xây dựng và khai thác.

3- Tiến hành kiểm tra lại và điều chỉnh mạng thông gió ở tất cả các mỏ hầm lò đảm bảo các yêu cầu thông gió theo cấp khí mỏ .

4- Xem xét đánh giá chấn chỉnh hệ thống thiết bị, mạng điện các mỏ than hầm lò đảm bảo chế độ an toàn phòng nổ. Đưa ra khỏi lò các thiết bị, máy móc không đảm bảo an toàn phòng cháy nổ .

5- Thực hiện chế độ đo khí, phân tích khí, đo gió theo quy phạm kỹ  thuật an toàn quy định. 

6- Tổ chức huấn luyện lại cho tất cả cán bộ, công nhân ở các mỏ hầm lò về công tác quản lý khí mỏ và công tác phòng ngừa tai nạn do khí cháy nổ và khí độc gây nên.

7- Rà soát lại hệ thống tổ chức làm công tác an toàn từ Tổng Công ty tới các mỏ nhằm nâng cao trình độ , nghiệp vụ quản lý, tinh thần trách nhiệm về công tác kỹ thuật an toàn. Bố trí người chỉ huy, giám sát trực tiếp đối với công nhân trước và trong quá trình họ làm việc theo đúng quy định của quy phạm an toàn.     

8- Tổng Công ty Than Việt Nam, Viện Khoa học Công nghệ mỏ đẩy nhanh tiến độ dự án “Nghiên cứu quản lý khí mỏ và xây dựng trung tâm quản lý an toàn khí mỏ” để sớm  áp dụng vào sản xuất.

II. ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG CỦA BỘ

1- Vụ Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo trình Chính phủ dự án “ Nghiên cứu đánh giá độ chứa khí các vỉa than, vùng than Quảng Ninh “ làm cơ sở cho việc phân loại về khí khi đầu tư, thiết kế và hoạt động của từng mỏ, từng khu vực.

2- Cục Kiểm tra Giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp :

a) Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ và Tổng Công ty Than Việt Nam lập danh mục thiết bị vật tư có tính chất đặc thù về an toàn đối với các mỏ hầm lò có khí, bụi nổ trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quyết định và ban hành. Danh mục thiết bị vật tư này là những loại đặc thù của ngành mỏ nằm ngoài danh mục thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được quy định tại Thông tư số 22/TT/LĐ-TBXH ngày 08/11/1996.

b) Xây dựng trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp duyệt và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn phòng nổ, nội dung và khối lượng kiểm định đối với các thiết bị sử dụng trong các mỏ có khí và bụi nổ nằm trong danh mục nêu tại điểm (a) trên đây.

c) Lập phương án (tổ chức lực lượng, mua sắm vật tư, thiết bị ...) trình Bộ quyết định triển khai việc kiểm định xác định các vật tư, thiết bị đủ tiêu chuẩn về phòng nổ (đối với thiết bị vật tư mới sản xuất, nhập khẩu, sau sửa chữa) trước khi đưa vào sử dụng trong hầm lò .

3- Vụ Quản lý Công nghệ và Chất lượng sản phẩm cùng với Cục Kiểm tra Giám sát Kỹ thuật an toàn công nghiệp, Tổng Công ty Than Việt Nam sớm hoàn thiện việc sửa đổi trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quyết định ban hành” Quy phạm an toàn trong mỏ hầm lò than và diệp thạch “phù hợp với điêù kiện quản lý và trình độ công nghệ hiện tại, thay thế Quy phạm tạm thời do Bộ Công nghiệp nặng ban hành theo Quyết định số 2249/BCNg-KT1 ngày 07/7/1967.

4- Cục Kiểm tra Giám sát Kỹ thuật an toàn công nghiệp cùng Tổng Công ty Than Việt Nam, Viện Khoa học Công nghệ mỏ nghiên cứu thực hiện dự án lắp đặt hệ thống tự động cảnh báo nồng độ khí mê tan ở mỏ Mạo Khê và một số mỏ có hàm lượng khí mê tan cao.

III. ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ KHAI THÁC KHOÁNG SẢN THUỘC BỘ CÔNG NGHIỆP

 - Các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công nghiệp có khai thác khoáng sản, thi công và quản lý các công trình ngầm cần có những biện pháp tăng cường công tác quản lý kỹ thuật an toàn đối với khí cháy nổ và khí độc phù hợp với quy phạm kỹ thuật an toàn, phổ biến rộng rãi bài học kinh nghiệm về cháy nổ khí CH4 ở mỏ than Mạo Khê tới tất cả cán bộ, công nhân trong đơn vị tham gia các công việc trong hầm lò.

- Các đơn vị được giao nhiệm vụ trong Chỉ thị này có trách nhiệm tổ chức thực hiện, nếu để xảy ra sự cố, tai nạn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, 6 tháng một lần báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Công nghiệp./.

  

 
Nơi nhận :                                                              
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo),                     
- Văn phòng Chính phủ,
- Đ/c Bộ trưởng,    
- Các Đ/c Thứ trưởng,
- Các Cục, Vụ, Thanh tra thuộc Bộ Công nghiệp,
- Các Tổng Công ty: Than Việt Nam, Thép Việt Nam,
  Khoáng sản Việt Nam, Đá quý và Vàng Việt Nam,
  Điện lực Việt Nam,                                                                      
- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao,
- Toà án Nhân dân tối cao,
- Các Sở Công nghiệp,
- Công báo,
- Lưu: VP Bộ , Cục KTGSKTATCN

K/T.BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG




Thái Phụng Nê