ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2008/CT-UBND | Pleiku, ngày 24 tháng 3 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA THỦ TRƯỞNG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC TIẾP DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
Sau 9 năm thi hành Luật khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan hành chính Nhà nước đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả quan trọng trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền.
Tuy nhiên, kết quả đạt được trong việc thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo vẫn còn hạn chế; cơ quan cấp dưới còn có tư tưởng đợi ý kiến của cơ quan cấp trên thì mới giải quyết; việc phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo của sở, ngành và huyện chưa đồng bộ, làm cho công dân hiểu lầm là cán bộ gây khó khăn trong quá trình thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo. Để tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
I. VỀ CÔNG TÁC TIẾP DÂN VÀ GIẢI QUYẾT TỐ CÁO
1. Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước có trách nhiệm định kỳ tiếp công dân theo đúng quy định. Ngoài việc tiếp công dân theo định kỳ, các cấp, các ngành phải tổ chức tiếp công dân khi có yêu cầu; phải ban hành nội quy tiếp công dân, nội quy phải ghi rõ ràng trách nhiệm của người tiếp công dân, quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo.
2. Các cơ quan Nhà nước khi nhận được đơn tố cáo có trách nhiệm phân loại và xử lý theo đúng quy định tại Chương III, Nghị định 136/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
II. VỀ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
1. Thẩm quyền và trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại
a) Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước phải căn cứ vào Luật khiếu nại, tố cáo, các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ để xác định rõ thẩm quyền giải quyết khiếu nại của cấp, ngành mình.
b) Người giải quyết khiếu nại phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo các nội dung quy định tại khoản 11, khoản 18 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật khiếu nại, tố cáo năm 2005; không dùng thông báo, biên bản cuộc họp hoặc các hình thức văn bản khác để thay thế quyết định giải quyết khiếu nại.
c) Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại phải tổ chức gặp gỡ đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại để giải quyết. Việc giải quyết phải căn cứ vào quy định của pháp luật, kết quả đối thoại, kết quả thẩm tra, xác minh, kết luận và kiến nghị việc giải quyết khiếu nại. Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền giải quyết lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết lần hai đối với vụ việc khiếu nại đó.
d) Đối với những nơi thực hiện giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi công cộng, có khiếu nại đông người, thì Chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã, thành phố nơi đó phải thành lập Tổ công tác liên ngành, để kịp thời tiến hành kiểm tra, xác minh và tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
2. Trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo
a) Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước phải tiến hành kiểm tra, rà soát việc tiếp nhận, thụ lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của địa phương, lĩnh vực mình quản lý (lưu ý các vụ việc tồn đọng) để có kế hoạch giải quyết kịp thời.
b) Trong thời hạn theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc của các cơ quan cấp trên, Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước phải kịp thời chỉ đạo giải quyết vụ việc, bảo đảm việc báo cáo đúng thời hạn theo yêu cầu và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chậm trễ báo cáo giải quyết vụ việc.
3. Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật phải được nghiêm chỉnh chấp hành.
a) Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức thi hành tốt quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh và của cấp mình, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp.
b) Đối với những vụ việc phức tạp, Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước phải trực tiếp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, công khai việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với người khiếu nại, người bị khiếu nại và các bên liên quan.
4. Tăng cường vai trò và chất lượng tham mưu của các cơ quan chức năng trong công tác giải quyết khiếu nại.
Thủ trưởng các sở, ngành được giao nhiệm vụ tham mưu, đề xuất phải chịu trách nhiệm về nội dung pháp lý của hồ sơ giải quyết khiếu nại, đảm bảo đúng thời gian quy định. Hồ sơ phải đảm bảo trình tự, thủ tục, tài liệu chứng minh và có đánh số bút lục.
5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hòa giải ở cơ sở.
a) Thủ trưởng các cấp, các ngành tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tổ chức hòa giải ở cơ sở. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng củng cố chất lượng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau trên cơ sở pháp luật nhằm đảm bảo đoàn kết trong nội bộ nhân dân và hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh tranh chấp, khiếu nại từ cơ sở.
b) Tổng Biên tập báo Gia Lai, Thủ trưởng các Đài Phát thanh - Truyền hình của tỉnh phải tăng cường chỉ đạo đăng tải các nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo; giải đáp pháp luật nhằm nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho nhân dân; phê phán thái độ tắc trách, quan liêu, cửa quyền của cán bộ, công chức gây phiền hà đối với công dân trong công tác giải quyết khiếu nại và phê phán mạnh mẽ hành vi khiếu nại trái pháp luật.
Khi đưa tin, cơ quan Báo - Đài phải khách quan, trên cơ sở thẩm tra, xác minh cụ thể toàn bộ hồ sơ vụ việc; tránh tình trạng đưa tin một chiều.
6. Chế độ kiểm tra, báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
a) Giao Chánh Thanh tra tỉnh căn cứ vào tình hình khiếu nại, tố cáo của các địa phương và nội dung của từng vụ việc cụ thể, quyết định thành lập các Đoàn Thanh tra liên ngành của tỉnh để thanh tra, kiểm tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước.
b) Định kỳ trước ngày 15 hàng tháng, ngày 15 của tháng cuối quý, Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước có trách nhiệm tổng hợp tình hình tiếp dân, tiếp nhận, thụ lý đơn thư, kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi về Thanh tra tỉnh để Thanh tra tỉnh tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, báo cáo cho Trung ương.
7. Hiệu lực thi hành:
a) Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
b) Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 19/2002/CT-UB ngày 20 tháng 9 năm 2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1 Công văn 5545/UBND-CCHC năm 2014 tăng cường trách nhiệm công vụ của Thủ trưởng đơn vị trong việc giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện quy trình thủ tục, thời gian lập dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2014 tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
- 3 Nghị định 136/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo
- 4 Luật Khiếu nại, tố cáo sửa đổi 2005
- 5 Luật Khiếu nại, Tố cáo sửa đổi 2004
- 6 Luật Khiếu nại, tố cáo 1998
- 1 Chỉ thị 19/2002/CT-UB về tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo do tỉnh Gia Lai ban hành
- 2 Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2014 tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
- 3 Công văn 5545/UBND-CCHC năm 2014 tăng cường trách nhiệm công vụ của Thủ trưởng đơn vị trong việc giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện quy trình thủ tục, thời gian lập dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh