Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2011/CT-UBND

Bến Tre, ngày 23 tháng 8 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP NHẰM ĐẢM BẢO AN TOÀN TRONG LĨNH VỰC CẤP NƯỚC SẠCH, PHỤC VỤ TỐT NHU CẦU SẢN XUẤT VÀ SINH HOẠT CỦA NHÂN DÂN

Thực hiện Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Quyết định số 16/2008/QĐ-BXD ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chế đảm bảo an toàn cấp nước, trong thời gian qua, các đơn vị tham gia hoạt động cấp nước trên địa bàn tỉnh đã khắc phục khó khăn, có nhiều cố gắng trong việc đầu tư các hệ thống công trình cấp nước, xây dựng kế hoạch sản xuất và cung cấp nước liên tục, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, tạo điều kiện cho các khu, cụm công nghiệp ổn định sản xuất. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy: Các cơ quan quản lý nhà nước về cấp nước chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình; các đơn vị cấp nước đôi khi chưa đảm bảo chất lượng nước cả về tiêu chuẩn, lưu lượng, áp lực nước, sự liên tục và ổn định…, nhất là trong mùa khô.

Để chấn chỉnh tình trạng trên và tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn trong lĩnh vực cấp nước, Uỷ ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Sở Xây dựng:

a) Xây dựng kế hoạch và biện pháp giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức và chỉ đạo thực hiện Quy chế đảm bảo an toàn cấp nước ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BXD ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

b) Khẩn trương tổ chức lập và thẩm định quy hoạch tổng thể cấp nước vùng thuộc tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt trong năm 2011.

c) Tổ chức nghiên cứu, đề xuất việc lựa chọn các nguồn nước khai thác lâu dài có xét điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và công nghệ xử lý phù hợp với từng thời kỳ phát triển nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước đạt tiêu chuẩn.

d) Thực hiện nhiệm vụ thẩm định các khu công nghiệp, khu dân cư, bệnh viện, trường học, khu xử lý nước thải, khu nghĩa trang phải xem xét và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về đảm bảo chất lượng nguồn nước; chủ trì thẩm định các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch cấp nước vùng, đồ án quy hoạch cấp nước đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

đ) Chỉ đạo thanh tra chuyên ngành xây dựng có kế hoạch định kỳ tổ chức thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành cấp nước đô thị và khu, cụm công nghiệp.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Xây dựng kế hoạch và biện pháp giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức và chỉ đạo thực hiện Quy chế đảm bảo an toàn cấp nước ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BXD ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Quyết định số 215/QĐ-BNN-TCTL ngày 10 tháng 8 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án quản lý chất lượng nước sinh hoạt nông thôn giai đoạn 2010-2020; giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh;

b) Khi xây dựng các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng các công trình thuỷ nông, thuỷ lợi phải kết hợp với việc cung cấp nguồn nước thô cho các đơn vị cấp nước, phải đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống cấp nước có liên quan và phải được cơ quan quản lý nhà nước về cấp nước ở địa phương xem xét, thống nhất bằng văn bản trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Việc đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi phải ưu tiên đảm bảo nguồn nước phục vụ cho các nhà máy sản xuất nước trên địa bàn tỉnh ngay cả các tháng mùa khô;

d) Theo dõi, thông báo cho địa phương và các đơn vị cấp nước về dư lượng thuốc trừ sâu trong các nguồn nước, có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn nguồn nước nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân;

đ) Chỉ đạo thanh tra chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch định kỳ tổ chức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành cấp nước nông thôn.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường: Xây dựng quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước và cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ cấp nước; tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trong lĩnh vực cấp phép khai thác nước; định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng nguồn nước tại các khu vực khai thác, sử dụng nước theo quy định pháp luật; điều tra và quản lý chặt chẽ các nguồn nước thải, các nguy cơ có thể gây ô nhiễm các nguồn nước; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý, tăng cường xử phạt các trường hợp gây ô nhiễm các nguồn nước.

4. Sở Giao thông vận tải:

a) Khi xây dựng các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông phải đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống cấp nước có liên quan và phải được cơ quan quản lý nhà nước về cấp nước ở địa phương xem xét, thống nhất bằng văn bản trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Hướng dẫn các đơn vị cấp nước thiết lập hệ thống biển báo khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt tại các vùng xung quanh điểm khai thác nguồn nước trên hệ thống đường bộ và đường thuỷ;

c) Tổ chức xem xét, cấp giấy phép xây dựng các tuyến ống dẫn nước phục vụ cộng đồng dân sinh nằm trong hành lang kỹ thuật đường bộ thuộc phạm vi quản lý theo phân cấp.

5. Sở Y tế: Chủ trì và phối hợp với các sở, ngành liên quan định kỳ, đột xuất kiểm tra chất lượng nước tại các nhà máy sản xuất nước, trên các mạng đường ống cấp nước theo tiêu chuẩn sử dụng nước do Bộ Y tế ban hành. Nếu phát hiện nước không đảm bảo chất lượng phải thông báo kịp thời đến các cơ quan, tổ chức có liên quan, đồng thời yêu cầu đơn vị cấp nước ngừng việc cấp nước và nghiên cứu đề xuất biện pháp xử lý. Quản lý chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh và thông báo cho các đơn vị cấp nước biết để phối hợp, có biện pháp xử lý nhằm hạn chế dịch bệnh.

6. Công an tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp Sở Giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân các địa phương tăng cường kiểm tra các phương tiện giao thông đường thuỷ, xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm nguồn nước; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị cấp nước kiểm tra định kỳ các tụ điểm lấy nước phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy, đảm bảo đủ nguồn nước và lưu lượng trong mọi thời điểm khi có nhu cầu.

7. Uỷ ban nhân dân các địa phương:

a) Tổ chức lựa chọn đơn vị cấp nước hợp lý phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và các cơ sở sản xuất trên địa bàn quản lý; thoả thuận việc thực hiện dịch vụ cấp nước bằng văn bản pháp lý được ký kết với đơn vị cấp nước trên địa bàn bao gồm: Vùng phục vụ cấp nước, định hướng kế hoạch phát triển cấp nước, nguồn tài chính dự kiến để thực hiện kế hoạch, giá nước, lộ trình các nguyên tắc điều chỉnh giá nước, các điều kiện dịch vụ và lộ trình cải thiện các điều kiện dịch vụ như chất lượng nước, áp lực nước, tính liên tục, nghĩa vụ các bên có liên quan.

b) Tổ chức và phát triển các dịch vụ cấp nước cho các nhu cầu khác nhau theo địa bàn quản lý, áp dụng các biện pháp thích hợp để lựa chọn hoặc thành lập mới đơn vị cấp nước, hỗ trợ tạo điều kiện và tổ chức giám sát việc thực hiện thoả thuận dịch vụ cấp nước đối với đơn vị cấp nước trên địa bàn quản lý, đảm bảo các dịch vụ cấp nước đầy đủ và đáp ứng nhu cầu của công đồng.

c) Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường điều tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, nuôi trồng, chế biến, chợ, bệnh viện, các nơi có thể gây ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn quản lý; xử lý các trường hợp gây ô nhiễm nguồn nước theo thẩm quyền.

d) Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, nguồn nước và tiết kiệm trong việc sử dụng nước; đảm bảo an toàn cấp nước theo quy định; tổ chức triển khai và theo dõi việc thực hiện Chỉ thị này trên địa bàn.

đ) Khuyến khích, tạo điều kiện để các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động cấp nước trên địa bàn tỉnh.

8. Các đơn vị tham gia hoạt động cấp nước trên địa bàn tỉnh:

a) Có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền.

b) Tổ chức sản xuất và cung cấp nước liên tục, đảm bảo an toàn về chất lượng và áp lực; nghiên cứu thực tế về diễn biến chất lượng các nguồn nước để có biện pháp xử lý phù hợp, cải tạo nâng cao năng lực sản xuất và cung cấp nước nhằm đảm bảo cấp nước an toàn; thường xuyên kiểm tra chất lượng nước tại các nhà máy, trên mạng lưới cấp nước và thông báo định kỳ hàng tháng về tình hình chất lượng nước cho Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế; các tháng nước nhiễm mặn phải thường xuyên thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

c) Có nghĩa vụ lập và trình Uỷ ban nhân dân ký kết thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước; phê duyệt kế hoạch phát triển cấp nước hàng năm và dài hạn trong vùng cấp nước; có trách nhiệm đầu tư và bảo trì các thiết bị đồng bộ đến điểm đấu nối bao gồm cả đồng hồ đo nước theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định trong hợp đồng dịch vụ cấp nước.

d) Tham gia điều tra, quản lý ô nhiễm các nguồn nước, đề xuất các biện pháp quản lý các nguồn ô nhiễm, kiến nghị xử lý các trường hợp làm ô nhiễm nguồn nước để các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

đ) Chủ động nghiên cứu, đề xuất đăng ký làm chủ đầu tư các dự án đầu tư phát triển cấp nước, trường hợp cần thiết có thể đề xuất Nhà nước hỗ trợ đầu tư theo quy định.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các địa phương, các đơn vị tham gia họat động cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân tỉnh để được xem xét, giải quyết.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ban hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hiếu