ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2011/CT-UBND | Bình Dương, ngày 07 tháng 7 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, nhiều vụ việc tham nhũng đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh, một số vụ án tồn đọng kéo dài được xử lý dứt điểm góp phần quan trọng xây dựng bộ máy Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước; Các ngành, các cấp đã quyết liệt triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp về phòng, chống tham nhũng; Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức và hành động của toàn thể cán bộ Đảng viên và trong mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng trong những năm qua vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém. Giữa quyết tâm chính trị với hành động thực tiễn trong công tác phòng, chống tham nhũng còn khoảng cách đáng kể; Việc vận dụng một số chủ trương, chính sách và áp dụng các quy định cụ thể về phòng, chống tham nhũng chưa sát với tình hình thực tiễn; Tính tiên phong gương mẫu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, Đảng viên và người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng còn yếu. Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất hạn chế; Một số vụ việc, vụ án tham nhũng xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật. Tình trạng sa sút phẩm chất, nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ vẫn còn diễn ra tại nhiều nơi.
Để khắc phục những tồn tại, yếu kém; Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; Phấn đấu để đạt được mục tiêu: Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội và điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, Đảng viên, công chức trong sạch, liêm chính; Củng cố lòng tin của nhân dân; Góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện một số công việc sau:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng trong các ngành, các cấp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kết hợp với chương trình hành động và việc làm cụ thể của mỗi ngành, mỗi cấp, cá nhân, đơn vị. Chú trọng tuyên truyền các nội dung phòng, chống tham nhũng được nêu trong Văn kiện Đại hội tỉnh Đảng bộ Bình Dương lần thứ IX và Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định và các văn bản khác có liên quan về quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý phụ trách và Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 về chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.
2. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức cần phải xác định công tác phòng, chống tham nhũng, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có tính chất thường xuyên, liên tục. Trước hết phải đánh giá đúng thực trạng tình hình tại đơn vị từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch về phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, tổ chức của mình. Cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu phải là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống: “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Đưa công tác phòng, chống tham nhũng trở thành một nội dung kiểm điểm công tác định kỳ của các ngành, các cấp và đưa vào chương trình kiểm tra thường xuyên của cấp ủy; Tăng cường vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng.
3. Tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2 (từ năm 2011 - 2016) của Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, đảm bảo thực hiện đủ các giải pháp đồng bộ để phòng, chống tham nhũng theo hướng: Tăng cường tính công khai, minh bạch, chế độ trách nhiệm; Có khen thưởng và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Trong chỉ đạo cần phải lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực thường dễ xảy ra tham nhũng như: Quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công, thuế, hải quan, khai thác tài nguyên - khoáng sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và công tác tổ chức - cán bộ.
4. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, và các cơ quan tố tụng; Nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng theo các quy định của Đảng và Nhà nước.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp, đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với giám sát công tác phòng, chống tham nhũng. Các tổ chức chính trị xã hội vận động, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng cho các tầng lớp nhân dân và cho hội viên của đơn vị mình.
6. Thực hiện việc rà soát lại quy chế, tổ chức hoạt động của từng cơ quan, đơn vị để xác định rõ vai trò trách nhiệm quản lý, điều hành cụ thể. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị, người đứng đầu và các cá nhân vi phạm hoặc thiếu nghiêm túc trong tổ chức thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 11/2017/QĐ-UBND bãi bỏ văn bản pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương
- 2 Quyết định 351/QĐ-UBND năm 2018 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành đã hết hiệu lực năm 2017
- 3 Quyết định 470/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương trong kỳ hệ thống hóa 2014-2018
- 4 Quyết định 470/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương trong kỳ hệ thống hóa 2014-2018
- 1 Chỉ thị 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2 Quyết định 01/2008/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung và công bố quy định hỗ trợ chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ công an nhân dân, cơ quan phòng chống tham nhũng trong đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm do UBND quận Gò Vấp ban hành
- 3 Nghị định 157/2007/NĐ-CP Quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ