BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-BGTVT | Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 2016 |
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG
Trong những năm qua, nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) đã hoàn thành đảm bảo tiến độ - chất lượng, tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng và nhanh chóng phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện năng lực của hệ thống KCHTGT.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư xây dựng như: một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng Luật Đấu thầu chưa được ban hành đầy đủ; các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư mới được triển khai nên cần tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách; hồ sơ khảo sát thiết kế còn sai sót, giải pháp thiết kế chưa hợp lý; khâu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu chưa tốt; vẫn còn có dự án chậm tiến độ, cục bộ còn tồn tại về chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường...
Để tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án xây dựng KCHTGT do Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) quản lý đảm bảo chặt chẽ, tuân thủ đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu:
2.1. Các yêu cầu chung:
- Các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành, Tổng công ty, Ban QLDA, Sở Giao thông vận tải, Trường, và các đơn vị khác được giao nhiệm vụ Chủ đầu tư, Ban QLDA phải xác định, quán triệt trách nhiệm giữ vai trò then chốt, quyết định trong công tác quản lý đầu tư xây dựng để nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ và kỹ năng quản lý dự án, củng cố tổ chức, bộ máy hoạt động nhằm kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quá trình thực hiện dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.
- Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, các quy định của Bộ GTVT về quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành và lựa chọn nhà thầu tham gia thực hiện dự án. Tuyệt đối không vi phạm những điều Ban QLDA và công chức, viên chức trực thuộc không được làm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án do Bộ GTVT quản lý được quy định tại Quyết định số 592/QĐ-GTVT ngày 3/3/2014.
- Thực hiện quản lý và giám sát chặt chẽ chất lượng công tác khảo sát, thiết kế của tư vấn thiết kế; quản lý và giám sát chặt chẽ hoạt động của tư vấn giám sát; kiểm soát chặt chẽ hệ thống quản lý chất lượng, nhân sự, thiết bị của nhà thầu thi công; thường xuyên kiểm tra chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của vật liệu, thiết bị sử dụng cho công trình và chất lượng thi công các hạng mục công trình; chủ động phòng ngừa và ngăn chặn tiêu cực, thất thoát, lãng phí.
- Nâng cao chất lượng thực hiện công tác đấu thầu, đặc biệt là chất lượng lựa chọn các nhà thầu, từ tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát đến nhà thầu xây lắp để đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án, gói thầu theo đúng yêu cầu chất lượng, tiến độ và đạt hiệu quả kinh tế.
- Theo dõi, đôn đốc các nhà thầu tổ chức triển khai thi công theo đúng tiến độ đã được cam kết ngay từ khi khởi công dự án. Chỉ cho phép thi công và nghiệm thu công trình khi bảo đảm an toàn, chất lượng theo yêu cầu; tăng cường kiểm soát tốt hệ thống quản lý chất lượng tại từng dự án, đồng thời kiên quyết dừng thi công, không nghiệm thu và loại bỏ ngay những sản phẩm nhà thầu không thực hiện theo đúng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật và trình tự thi công.
- Chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định để kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu, các tổ chức tư vấn vi phạm quy định về quản lý chất lượng, tiến độ, giá thành; loại bỏ ngay các nhà thầu yếu kém ra khỏi các dự án xây dựng KCHTGT.
2.2. Trong công tác khảo sát, thiết kế:
- Yêu cầu tư vấn thiết kế huy động nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, sử dụng các công nghệ khảo sát, thiết kế theo đúng quy định của hợp đồng để bảo đảm chất lượng của sản phẩm và dịch vụ tư vấn.
- Yêu cầu tư vấn thiết kế chấn chỉnh và nâng cao chất lượng khảo sát - thiết kế để đề xuất các giải pháp thiết kế hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh tế - kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí. Nghiêm cấm việc đề xuất các giải pháp thiết kế vượt quá quy mô theo yêu cầu hoặc vượt quá mức an toàn theo yêu cầu gây ra thất thoát, lãng phí.
- Yêu cầu tư vấn thiết kế phải nghiêm túc chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm thiết kế của mình; trong quá trình triển khai dự án, phải phối hợp kịp thời với Chủ đầu tư, Ban QLDA và các bên liên quan để giải quyết các vấn đề liên quan đến hồ sơ thiết kế và phát sinh trong quá trình thi công.
2.3. Trong công tác giám sát xây dựng công trình:
- Yêu cầu tư vấn giám sát hoạt động độc lập trong giám sát chất lượng; nghiêm túc tuân thủ và thực hiện đầy đủ các nội dung đã được quy định trong hợp đồng và các quy định hiện hành về giám sát xây dựng công trình.
- Yêu cầu tư vấn giám sát bố trí đầy đủ nhân sự tư vấn giám sát đáp ứng điều kiện năng lực theo quy định; bố trí đầy đủ trang, thiết bị cần thiết cho công tác giám sát; tổ chức các văn phòng tư vấn giám sát tại hiện trường phù hợp với quy mô, yêu cầu của từng dự án đảm bảo phải quản lý chặt chẽ về chất lượng, tiến độ, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
- Yêu cầu tư vấn giám sát kiểm tra, nghiệm thu chất lượng thi công của từng phần việc, từng hạng mục công trình và công trình theo đúng quy định trong chỉ dẫn kỹ thuật; chỉ nghiệm thu hạng mục công trình, công trình khi bảo đảm chất lượng, kiên quyết không nghiệm thu và loại bỏ những sản phẩm nhà thầu thực hiện không đúng yêu cầu kỹ thuật, không tuân thủ trình tự thi công.
2.4. Trong công tác thi công xây dựng công trình:
- Yêu cầu nhà thầu lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với yêu cầu, tính chất, quy mô công trình xây dựng; quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận thi công, xây dựng công trình về quản lý chất lượng công trình xây dựng; thực hiện nghiêm túc công tác nghiệm thu nội bộ về chất lượng xây dựng công trình.
- Yêu cầu nhà thầu tuân thủ quy định về lập phòng thí nghiệm hiện trường; thực hiện đầy đủ các thí nghiệm kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước khi thi công và lắp đặt vào công trình bảo đảm tuân thủ đúng chỉ dẫn kỹ thuật và yêu cầu thiết kế; quản lý chặt chẽ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của vật tư, vật liệu và thiết bị sử dụng cho công trình đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án.
- Yêu cầu nhà thầu huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị thi công theo đúng cam kết trong hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng; tổ chức thi công tuân thủ theo đúng hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, biện pháp thi công được duyệt đảm bảo chất lượng, tiến độ, giá thành, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
- Yêu cầu nhà thầu trong thời gian bảo hành có trách nhiệm khẩn trương sửa chữa, khắc phục triệt để các khiếm khuyết, hư hỏng của công trình do lỗi của mình gây ra và phải chịu mọi chi phí khắc phục, đồng thời chịu trách nhiệm về chất lượng công trình tương ứng với phần công việc do mình thực hiện kể cả sau khi kết thúc thời hạn bảo hành theo quy định của pháp luật.
3. Đối với các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT:
3.1. Vụ Kế hoạch đầu tư, Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư:
- Rà soát lại các dự án, chủ trương đầu tư để đảm bảo cắt giảm toàn bộ các dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt; tham mưu để Bộ GTVT cắt giảm, tạm dừng triển khai các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết thực hiện ngay hoặc hiệu quả đầu tư thấp.
- Tổ chức thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch đầu tư theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Phân bổ, quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả kế hoạch vốn đầu tư công; theo dõi, rà soát tình hình, tiến độ giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án, bảo đảm dự án triển khai đúng tiến độ, sớm đưa công trình vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.
- Chủ động tham mưu kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu chính phủ còn dư của các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tích cực hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư theo quy định, đảm bảo chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí.
- Nâng cao chất lượng thẩm định thiết kế cơ sở, dự án đầu tư để lựa chọn quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, giải pháp thiết kế phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí và hạn chế tối đa các thay đổi, điều chỉnh, bổ sung phát sinh trong quá trình thực hiện.
- Chủ động tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương giải quyết, tháo gỡ cơ chế, chính sách về đầu tư; nghiên cứu, tham mưu giải pháp tháo gỡ các khó khăn về nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng cho các dự án sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi để kịp thời bố trí cho các dự án, tập trung đối với các dự án lớn, dự án trọng điểm ngành GTVT đang triển khai thực hiện.
- Phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý, kiểm soát đầu tư đối với các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP); nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực và kết quả thực hiện của các nhà đầu tư làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư chất lượng tham gia thực hiện dự án.
3.2. Vụ Khoa học - Công nghệ:
- Tiếp tục rà soát, cập nhật, điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và phù hợp với điều kiện áp dụng thực tế Việt Nam nhằm đảm bảo chất lượng công trình, giảm giá thành xây dựng; đối với các nội dung quan trọng có ảnh hưởng tới chất lượng, giá thành xây dựng công trình cần ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai ngay, đồng thời với việc cập nhật dần vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phù hợp.
- Xây dựng chương trình triển khai cụ thể về áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng cường kiểm soát tiến độ, chất lượng, giảm chi phí xây dựng công trình.
- Thường xuyên kiểm tra, rà soát các phòng thí nghiệm, bảo đảm các phòng thí nghiệm phải có đầy đủ máy móc, thiết bị hợp chuẩn; cán bộ thí nghiệm phải được đào tạo và có chứng chỉ theo quy định.
3.3. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông:
- Phối hợp với các Bộ, ngành để sớm ban hành hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và triển khai, hướng dẫn các đơn vị trong ngành để thực hiện.
- Tăng cường quản lý chất lượng thiết kế và chi phí xây dựng thông qua công tác thẩm định thiết kế, dự toán. Rà soát lựa chọn các giải pháp kỹ thuật - công nghệ hợp lý, tiết kiệm trong thiết kế và thi công tránh thất thoát, lãng phí. Tiếp tục chủ động và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện kế hoạch xây dựng, điều chỉnh định mức xây dựng công trình tại các dự án đang triển khai.
- Tham mưu cho Bộ GTVT các giải pháp nâng cao kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động đối với các chủ thể tham gia dự án, đặc biệt là đối với Ban QLDA và tư vấn giám sát; đẩy mạnh công tác quản lý đấu thầu; tăng cường kiểm tra hiện trường, triển khai công tác kiểm định độc lập để kiểm soát tốt tiến độ, chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường; tham mưu để Bộ GTVT xử lý nghiêm trách nhiệm các đơn vị, cá nhân vi phạm.
- Triển khai thực hiện “Quy định tạm thời về việc sử dụng thông tin công bố hàng năm về kết quả thực hiện của các nhà thầu xây lắp và tổ chức tư vấn xây dựng trong công tác lựa chọn nhà thầu tham gia các dự án do Bộ GTVT quản lý” đã được phê duyệt tại Quyết định số 1338/QĐ-BGTVT ngày 29/4/2016 và hoàn thiện, nâng cấp thành chế tài trong công tác lựa chọn các đơn vị tham gia dự án.
3.4. Vụ Tài chính:
Chủ trì tham mưu để Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành, các Nhà đầu tư, Chủ đầu tư, Ban QLDA tăng cường công tác quyết toán vốn đầu tư xây dựng theo đúng quy định, nhằm quản lý chặt chẽ vốn đầu tư xây dựng, hạn chế tình trạng dự án kéo dài, giải quyết nợ đọng trong xây dựng, góp phần tiết kiệm vốn đầu tư, chống thất thoát ngân sách nhà nước.
3.5. Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông:
Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Cục quản lý chuyên ngành thường xuyên kiểm tra, rà soát các công trình, dự án đã được đưa vào khai thác sử dụng; tăng cường thực hiện công tác quản lý, bảo trì công trình; kịp thời phát hiện các hư hỏng, khiếm khuyết về chất lượng để yêu cầu sửa chữa, khắc phục ngay, không để ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng công trình và đảm bảo an toàn giao thông.
- Chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư của các dự án được phân công phụ trách, quyết định quy mô đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật, giải pháp thiết kế phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, tránh thất thoát, lãng phí.
- Chỉ đạo các Nhà đầu tư, Chủ đầu tư, Ban QLDA, các cơ quan tham mưu tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng các công trình KCHTGT đảm bảo chặt chẽ, tuân thủ đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí.
Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ đầu tư, Ban QLDA, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ, các Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, các đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng - tiến độ, quản giá thành xây dựng công trình và các nội dung của Chỉ thị này./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1 Thông báo 53-TB/TW năm 2019 kết luận của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2 Thông báo 137/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011-2015 do Bộ Giao thông vận tải quản lý của Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 1338/QĐ-BGTVT năm 2016 Quy định tạm thời việc sử dụng thông tin công bố hàng năm về kết quả thực hiện của các nhà thầu xây lắp và tổ chức tư vấn xây dựng trong công tác lựa chọn nhà thầu tham gia các dự án đầu tư xây dựng do Bộ Giao thông vận tải quản lý do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 4 Công văn 1488/VPCP-KTN năm 2016 về quản lý nhà nước đối với dự án kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện theo hình thức Hợp đồng BOT do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT hướng dẫn Nghị định 11/2010/NĐ-CP về quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 6 Luật Xây dựng 2014
- 7 Luật đấu thầu 2013
- 1 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT hướng dẫn Nghị định 11/2010/NĐ-CP về quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2 Công văn 1488/VPCP-KTN năm 2016 về quản lý nhà nước đối với dự án kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện theo hình thức Hợp đồng BOT do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 137/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011-2015 do Bộ Giao thông vận tải quản lý của Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4 Thông báo 53-TB/TW năm 2019 kết luận của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành