VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-TV | Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 1997 |
VỀ CÔNG TÁC KIỂM SÁT PHỤC VỤ CHỈ THỊ 06/CT-TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHÒNG, CHỐNG VÀ KIỂM SOÁT MA TÚY.
Ngày 30/11/1996, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 06/CT-TW “về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy”. Bộ Chính trị yêu cầu: Các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở phải coi nhiệm vụ phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ thường xuyên nhằm từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng sử dụng ma túy trong nhân dân. Cần có những biện pháp đặc biệt để chặn đứng ngay việc thanh, thiếu niên nghiện hút, hít và tiêm chích ma túy…. Nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các điều, mục quy định về ma túy trong các bộ luật hiện hành. Trừng trị kịp thời và nghiêm khắc đối với những kẻ sản xuất, buôn bán, tàng trữ, tổ chức hoặc cưỡng ép sử dụng ma túy….
Để thực hiện tốt Chỉ thị 06/CT-TW của Bộ Chính trị, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân các địa phương và Viện kiểm sát quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện tốt những công tác sau đây:
1. Tổ chức quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị số 06/CT-TW ngày 30/11/1996 của Bộ Chính trị cho các Kiểm sát viên và cán bộ ngành Kiểm sát, để có nhận thức đúng đắn về tác hại nghiêm trọng do nạn ma túy gây ra trên nhiều mặt đời sống xã hội. Đồng thời nêu cao trách nhiệm của ngành trong việc thực hiện chức năng kiểm sát phòng, chống và kiểm soát ma túy, coi đó là nhiệm vụ cấp bách và cùng là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên và lâu dài của Viện kiểm sát các cấp.
2. Từng cấp kiểm sát phải xây dựng kế hoạch công tác sát hợp gắn với kế hoạch công tác kiểm sát hàng năm, 6 tháng, chú ý tập trung vào: kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng luật: kiểm sát việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí của Nhà nước đầu tư cho các dự án xóa bỏ, thay thế cây thuốc phiện, cây cần sa; các dự án cai nghiện và sau cai nghiện, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác kiểm sát phòng, chống ma túy. Nhằm đảm bảo cho các nguồn kinh phí được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Khi phát hiện có vi phạm trong việc sử dụng nguồn kinh phí phải kháng nghị để yêu cầu sửa chữa. Nếu có dấu hiệu phạm tội chiếm đoạt hoặc thiếu trách nhiệm làm thất thoát nghiêm trọng nguồn kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy thì áp dụng các biện pháp tố tụng để xử lý nghiêm minh, kịp thời theo pháp luật. Đồng thời tổng hợp các nguyên nhân, điều kiện vi phạm, tội phạm để có kiến nghị phòng ngừa.
3. Khi thực hiện nhiệm vụ Kiểm sát điều tra, KSXX các vụ án về ma túy, các Viện kiểm sát cần chú ý:
- Kiểm soát chặt chẽ việc khởi tố, đảm bảo không để lọt tội, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh đối với hành vi phạm tội liên quan đến ma túy. Viện kiểm sát phải bám sát hoạt động điều tra, đưa ra yêu cầu điều tra, áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo cho việc điều tra thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
- Khi phê chuẩn lệnh bắt giam, khám xét phải nghiên cứu khẩn trương, quyết định kịp thời nhưng phải hết sức thận trọng không được để xảy ra oan sai. Đối với những vi phạm của Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra phải kiến nghị để khắc phục.
- Đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án có liên quan đến việc mua chuộc, dụ dỗ trẻ em phạm tội về ma túy thì Viện kiểm sát phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án thống nhất đưa vào diện án trọng điểm để khẩn trương điều tra, xét xử kịp thời, nghiêm minh.
- Ngày 22/05/1997 Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Lệnh công bố Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, trong đó bổ sung Chương VIIA “ Các tội phạm về ma túy”. Nhìn chung các tội phạm về ma túy được bổ sung lần này có hình phạt nặng hơn Điều 96a , Điều 203 Bộ luật Hình sự, đồng thời có một số tội phạm mới như quy định tại các điều: 185e, 185g, 185h, 185l….Do đó, yêu cầu các Viện kiểm sát địa phương nghiên cứu kỹ các quy định mới của Bộ luật Hình sự để áp dụng đúng với quy định của luật. Đồng thời căn cứ vào khoản 2 Điều 7 Bộ luật Hình sự để áp dụng đúng hiệu lực về thời gian của Bộ luật Hình sự.
4. Các Viện kiểm sát phải thường xuyên gắn việc thực hiện đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy với các tội phạm liên quan đến các tệ nạn xã hội khác như mại dâm, cờ bạc, văn hóa phẩm đồi trụy, nhằm cùng các ngành, các cấp từng bước làm giảm các tệ nạn ma túy. Đối với các cán bộ, nhân viên ngành Kiểm sát có vi phạm liên quan đến các tệ nạn xã hội thì kiên quyết xử lý nghiêm minh.
5. Để góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy được tốt. Viện kiểm sát các cấp phải chú ý phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án từ giai đoạn khởi tố, bắt giam, truy tố và xét xử. Những khó khăn, vướng mắc về nhận thức các quy định của Bộ luật Hình sự cũng như trong việc giải quyết các vụ án về ma túy, Viện kiểm sát cần chủ động bàn bạc, trao đổi thống nhất với Cơ quan điều tra và xét xử, nhằm đảm bảo không để lọt kẻ phạm tội, không làm oan người vô tội
6. Nhận được Chỉ thị này yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp tổ chức quán triệt cho kiểm sát viên và cán bộ đơn vị mình để nhận thức đúng đắn và thực hiện nghiêm chỉnh. Hàng tháng các địa phương phải báo cáo kết quả việc thực hiện Chỉ thị này về Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao cho Vụ kiểm sát điều tra án an ninh chủ trì phối hợp với các Vụ nghiệp vụ có liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, hướng dẫn chỉ đạo và trực tiếp Kiểm sát điều tra các vụ án về ma túy. Ở các Viện kiểm sát địa phương, nhiệm vụ này được giao cho Phòng Kiểm sát điều tra án an ninh. Đối với những địa phương chưa có Phòng kiểm sát điều tra án an ninh thì giao cho Phòng Kiểm sát điều tra án trị an – an ninh đảm nhiệm.
Ban chỉ đạo phòng chống tệ nạn xã hội và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao giúp Viện trưởng đôn đốc theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Chỉ thị này và báo cáo kết quả về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 2C)./.
| LÃNH ĐẠO VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO (Đã ký) |
- 1 Quyết định 798/QĐ-CTN năm 1997 về việc Việt Nam tham gia 3 công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy do Chủ tịch nước ban hành
- 2 Chỉ thị 04/CT năm 1993 thực hiện Nghị quyết 06-CP về phòng, chống và kiểm soát ma túy do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3 Luật Hình sự sửa đổi 1992
- 4 Luật Hình sự sửa đổi 1991
- 5 Luật Hình sự sửa đổi 1989
- 6 Bộ luật Hình sự 1985
- 1 Bộ luật Hình sự 1985
- 2 Luật Hình sự sửa đổi 1989
- 3 Luật Hình sự sửa đổi 1991
- 4 Luật Hình sự sửa đổi 1992
- 5 Chỉ thị 04/CT năm 1993 thực hiện Nghị quyết 06-CP về phòng, chống và kiểm soát ma túy do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 6 Quyết định 798/QĐ-CTN năm 1997 về việc Việt Nam tham gia 3 công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy do Chủ tịch nước ban hành