Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-UBND

Hà Tĩnh, ngày 08 tháng 01 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, TIÊU THỤ CHÈ AN TOÀN, BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu chè của tỉnh Hà Tĩnh trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đã hình thành được các vùng sản xuất chè thâm canh, tập trung, phù hợp với quy hoạch, đảm bảo chất lượng. Sản phẩm chè của Hã Tĩnh đã được xuất khẩu sang các nước EU, Trung Đông và Châu phi, sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu chè tăng trưởng khá qua các năm. Cây chè đã và đang khẳng định đúng vai trò, vị thế là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định và an ninh, trật tự tại khu vực nông thôn, miền núi. Tuy vậy, hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu chè của Hà Tĩnh vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do yêu cầu về an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu chè và người tiêu dùng ngày càng cao; trên địa bàn đã xuất hiện một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến chè trong và ngoài tỉnh không thực hiện đầu tư vùng nguyên liệu theo quy định nhưng vẫn thực hiện đầu tư nhà máy chế biến chè hoặc thực hiện tranh mua, tranh bán sản phẩm chè búp tươi thuộc vùng nguyên liệu do các tổ chức, cơ sở sản xuất đã đầu tư hoặc ký kết hợp đồng tiêu thụ với các hộ dân; một số cơ sở sản xuất, chế biến chè không đảm bảo quy hoạch và sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng chưa được xử lý triệt để…Những hiện tượng đó đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trồng chè và tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, làm giảm uy tín, thương hiệu của sản phẩm chè Hà Tĩnh trên thị trường, tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn.

Thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Chỉ thị số 711/CT-BNN-BVTV ngày 01/3/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đẩy mạnh sản xuất chè an toàn; Quyết định số 1744/QĐ-UBND ngày 18/6/2012 của UBND tỉnh về Quy hoạch mạng lưới, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản và ngành nghề nông thôn giai đoạn 2011 – 2015, định hướng 2020; đồng thời để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn trong sản xuất chè an toàn theo hướng phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với cơ sở chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững ngành chè; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Các sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố, thị xã:

- Tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để cho mọi người dân, tổ chức liên quan hiểu và thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật và các quy định của địa phương về sản xuất, chế biến chè theo quy định tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 711/CT-BNN-BVTV ngày 01/3/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quyết định số 1744/QĐ-UBND ngày 18/6/2012 của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh.

- Quản lý chặt chẽ việc đầu tư mới các dự án, cơ sở chế biến chè trên địa bàn theo đúng quy định tại Chỉ thị số 711/CT-BNN-BVTV ngày 01/3/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quyết định số 40/2013/QĐ-UBND ngày 13/9/2013 của UBND tỉnh và các quy định có liên quan. Các dự án đầu tư, cơ sở chế biến chè của các tổ chức, cá nhân khi triển khai thủ tục đầu tư phải có vùng nguyên liệu do mình đầu tư trồng hoặc hợp đồng liên kết với người dân trồng chè để hình thành vùng nguyên liệu ổn định đảm bảo đúng quy hoạch, đáp ứng công suất và quy định tại các văn bản nêu trên.

- Kiên quyết xử lý, chấm dứt các cơ sở chế biến không đúng quy hoạch, không có vùng nguyên liệu hoặc không đạt tiêu chuẩn chế biến an toàn theo Thông tư số 59/2012/TT-BNNPTNT ngày 09/11/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý sản xuất rau, quả và chè an toàn.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, cấp xã rà soát, thống kê diện tích đã giao Công ty Cổ phần Chè Hà Tĩnh đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu tại các xã: Sơn Kim 2, Sơn Tây (Hương Sơn); Hương Trà, Hương Xuân (Hương Khê); Kỳ Trung, Kỳ Tây, Kỳ Thượng (Kỳ Anh) và các cơ sở sản xuất, chế biến khác trên địa bàn tỉnh; rà soát và đề xuất phương án xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến chè không đảm bảo quy hoạch, không đầu tư vùng nguyên liệu, không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định, các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và theo hợp đồng đã ký kết hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 01/3/2014.

- Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển cây chè công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013 – 2020, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt trước ngày 15/3/2014; lưu ý rà soát, bổ sung các vùng có điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp và những lợi thế để đưa vào quy hoạch phát triển vùng sản xuất nguyên liệu chè tập trung, quy mô lớn; quy định về quy mô, tỷ lệ vùng nguyên liệu, công nghệ sản xuất, chế biến và các nội dung khác để được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ và phát triển bền vững sản phẩm chè tại Hà Tĩnh.

- Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chỉ đạo, hướng dẫn phát triển, nhân rộng các mô hình liên kết chè an toàn giữa doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân và nông dân theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quy định khác có liên quan. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, cộng đồng về sản xuất chè an toàn. Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng, chế biến chè đảm bảo an toàn, hiệu quả.

- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra và kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định tại các văn bản nêu trên và vi phạm về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

- Xây dựng và hướng dẫn thực hiện quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên cơ sở phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh.

3. Sở Công thương: Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh và UBND huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện mua bán, vận chuyển trái phép sản phẩm búp chè tươi không rõ nguồn gốc, hợp đồng tiêu thụ không đúng quy định (theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quy định khác có liên quan); hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến chè an toàn trên địa bàn thực hiện quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện, thành phố, thị xã trong việc cấp và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các cơ sở, sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật và các nội dung tại Chỉ thị này.

5. UBND huyện, thị xã:

- Chỉ đạo thực hiện việc rà soát, cung cấp thông tin, danh sách chi tiết các cơ sở sản xuất, chế biến chè búp tươi không đảm bảo quy hoạch, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc không có vùng nguyên liệu trên địa bàn quản lý. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời xử lý dứt điểm các cơ sở vi phạm.

- Tạo điều kiện về đất đai, giải phóng mặt bằng; thực hiện giao đất, cấp GCNQSD đất cho các hộ gia đình, cá nhân và phối hợp thực hiện các thủ tục cho các tổ chức, cá nhân thuê đất trồng chè theo thẩm quyền và đúng quy định.

- Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân, trang trại mở rộng diện tích chè theo quy hoạch và thực hiện các nội dung hợp tác theo đúng quy định.

- Chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân tích cực tham gia liên kết, phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu chè tập trung, an toàn và bền vững; bảo vệ an ninh, trật tự và phát hiện, xử lý kịp thời các hoạt động tranh mua, tranh bán nguyên liệu chè, sản xuất, chế biến chè không đảm bảo an toàn trên địa bàn.

6. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tỉnh

- Thực hiện nghiêm túc các thủ tục đầu tư dự án sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè theo đúng quy định của pháp luật và của tỉnh. Triển khai áp dụng khoa học kỹ thuật và quy trình sản xuất, chế biến chè an toàn và tiêu thụ sản phẩm cho người dân theo đúng hợp đồng đã ký kết.

- Không được tranh mua sản phẩm, nguyên liệu chè của nông dân mà doanh nghiệp khác đã đầu tư phát triển sản xuất. Không được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, nguyên liệu chè mà người sản xuất đã ký hợp đồng với doanh nghiệp khác.

7. Các sở, ngành, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp, chỉ đạo và triển khai thực hiện các nội dung trên đạt hiệu quả cao, đúng quy định của pháp luật.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi và đôn đốc triển khai thực hiện các nội dung nêu trên và thường xuyên báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện, những vướng mắc, khó khăn để kịp thời xử lý.

Yêu cầu Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành và Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Các Bộ: NN và PTNT, Công thương;
- TTr Tỉnh ủy, TTr HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- TTr HĐND và UBND huyện, TP, TX;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- Các DN SX, CB, tiêu thụ chè trên địa bàn;
- Chánh, Phó VB.UBND tỉnh;
- Các Phòng chuyên môn VP.UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo Tin học tỉnh;
- Lưu: VT, NL, TM.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Minh Kỳ