ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-UBND | Bình Định, ngày 08 tháng 03 năm 2024 |
CHỈ THỊ
THÚC ĐẨY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN GẮN VỚI ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 06 NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHỤC VỤ HÀNH CHÍNH CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
So với các năm trước đây, công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đồng bộ trên các lĩnh vực: (i) hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý thủ tục hành chính của tỉnh được tập trung xây dựng, hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ; (ii) thủ tục hành chính được chú trọng cải cách theo chiều sâu, cắt giảm thành phần hồ sơ, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ nhờ tăng cường kết nối, tích hợp “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh” với nhiều hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để chia sẻ thông tin, dữ liệu quản lý; (iii) dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến có sự lan tỏa nhanh chóng, đang dần trở nên phổ biến, được người dân, doanh nghiệp ngày càng hưởng ứng sử dụng; (iv) kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính từng bước có sự kiểm soát chặt chẽ, đi vào nền nếp, góp phần giảm mạnh số lượng hồ sơ giải quyết trễ hẹn qua các năm; (v) cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đổi mới thực chất với sự tham gia thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa các cấp, cùng với việc triển khai “Mô hình hành chính phục vụ người dân”, “Mô hình tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính phi địa giới” trên địa bàn tỉnh; (vi) công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến do lực lượng đoàn viên thanh niên chủ trì thực hiện theo “Đề án 5299” của Ủy ban nhân dân tỉnh đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Những điểm tích cực nêu trên được phản ánh trực tiếp vào kết quả “Chỉ số Phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến” (được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2022) trong năm 2023: tỉnh Bình Định đạt 90,35 điểm, xếp vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, là địa phương duy nhất thuộc nhóm “Xuất sắc” vì có số điểm đạt trên 901; đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu trọng tâm đối với công tác cải cách hành chính trong giai đoạn 2020 - 2025 là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 14 tháng 5 năm 2021 của Tỉnh ủy.
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đã đạt được, (i) vẫn còn trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không chủ động, tích cực phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính dẫn đến hồ sơ bị trễ hẹn; (ii) quy trình thực hiện không ít dịch vụ công trực tuyến còn phức tạp, chưa thuận lợi hơn so với việc nộp hồ sơ trực tiếp bằng bản giấy hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích; (iii) do áp lực chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến nên còn có tình trạng làm thay, làm hộ người dân, dẫn đến kỹ năng số của người dân chậm có sự cải thiện; (iv) kết quả tái sử dụng dữ liệu điện tử về thủ tục hành chính chưa tương xứng với kết quả số hóa, chưa phục vụ hiệu quả cho việc giảm giấy tờ, thành phần hồ sơ khi người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính; (v) kết quả “Chỉ số Phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến” của tỉnh trong những tháng đầu năm 2024 (được Văn phòng Chính phủ công bố) mặc dù duy trì thứ hạng tích cực nhưng vẫn chưa thể hiện sự ổn định đối với một số tiêu chí thành phần, nhất là điểm số thành phần “Công khai, minh bạch” khá thấp do một số cơ quan của tỉnh chậm tham mưu việc công bố danh mục thủ tục hành chính và cập nhật, công khai thủ tục hành chính được công bố trên “Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính” không đảm bảo thời gian quy định.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên, ngoài những nguyên nhân mang tính khách quan, chủ yếu vẫn xuất phát từ những nguyên nhân mang tính chủ quan: (i) nhất là do một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có Người đứng đầu của một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa nhận thức thông suốt về ý nghĩa, vai trò của công tác cải cách thủ tục hành chính; chưa quan tâm, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện nhiệm vụ, có trường hợp “khoán trắng” cho Cấp phó hoặc bộ phận tham mưu; (ii) tư duy, phương pháp tiếp cận, triển khai, thực hiện nhiệm vụ vẫn theo lối mòn, chưa thật sự đổi mới, chưa đột phá theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của sự phục vụ; (iii) công tác cải cách thủ tục hành chính chưa thật sự gắn kết chặt chẽ, toàn diện với kết quả thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).
Để phát huy những kết quả đã đạt được, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế theo nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại “Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2023 về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp” và “Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11 tháng 02 năm 2024 về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và các năm tiếp theo”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã:
a) Quán triệt nhận thức: “Cải cách thủ tục hành chính gắn với giải quyết thông suốt, nhanh chóng hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp là một trong những yêu cầu, điều kiện cần thiết mang tính cơ bản, tất yếu, khách quan để góp phần tạo ra cơ hội mới, động lực mới, khí thế mới thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp với xu thế của thời đại. Để cải cách thủ tục hành chính hiệu quả thì phải thực hiện đồng bộ, song song với công tác chuyển đổi số và dựa vào thành quả chuyển đổi số, nhất là kết quả thực hiện Đề án 06; trong đó, việc xây dựng, vận hành, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để từng bước chuyển đổi từ “phương thức quản lý bằng giấy tờ” sang “phương thức quản lý bằng dữ liệu điện tử, trên môi trường số” là yếu tố then chốt, quyết định mức độ thành công của công tác cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp”.
b) Khẳng định “vị trí thủ lĩnh, vai trò dẫn dắt, trách nhiệm nêu gương” của Người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai, thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Đề án 06 tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Phải dựa vào mức độ đóng góp, tham gia thực hiện nhiệm vụ và kết quả hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao về cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Đề án 06 để làm thước đo quan trọng khi tiến hành tự đánh giá và đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của bản thân Người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới, trước mắt là trong năm 2024.
c) Quán triệt việc thực hiện nghiêm túc Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND ngày 22 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với quy trình tham mưu, thực hiện việc công bố, công khai, cập nhật danh mục thủ tục hành chính trên “Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính”. Khắc phục triệt để tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà hoặc hướng dẫn không tận tình, thiếu chu đáo dẫn đến người dân, doanh nghiệp phải bổ sung hồ sơ thủ tục hành chính nhiều lần; kịp thời kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm trách nhiệm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của Đảng, của Nhà nước về đánh giá, xếp loại chất lượng và xử lý kỷ luật đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; gắn với thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi người dân, doanh nghiệp theo đúng quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
d) Rà soát, nâng cao hiệu quả triển khai các Quy chế thực hiện liên thông, song song cùng lúc nhiều thủ tục hành chính đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, đặc biệt là “Quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường và phòng cháy chữa cháy trên địa bàn tỉnh Bình Định” (theo Quyết định số 4147/QĐ-UBND ngày 09 tháng 11 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh). Đồng thời, tiếp tục rà soát, tham mưu, đề xuất các nhóm thủ tục hành chính có thể thực hiện cơ chế liên thông, nộp hồ sơ đồng thời và giải quyết song song hoặc phân cấp, ủy quyền việc giải quyết theo hướng: “việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp thì giao cho cấp đó thực hiện”.
đ) Thực hiện nghiêm việc số hóa thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định số 4023/QĐ-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được khai thác thông tin từ “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” và tuyệt đối không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp lại giấy tờ liên quan đến thông tin đã được khai thác. Khẩn trương, quyết liệt thực hiện hiệu quả Quyết định số 235/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao 07 chỉ tiêu liên quan đến “Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến” để giữ vững, phát huy kết quả Chỉ số của tỉnh đã đạt được trong năm 2023.
e) Các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh:
- Tập trung nguồn lực, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, đánh giá, xây dựng bằng được các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, ưu tiên các nguồn dữ liệu có liên quan đến thủ tục hành hành chính để làm cơ sở cho việc cấu trúc lại quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa, cắt giảm thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính; báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện trong tháng 4 năm 2024.
- Tham mưu cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình đối với 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định. Đồng thời, rà soát, nghiên cứu, thực hiện hoặc đề xuất triển khai các giải pháp nâng cấp, hoàn thiện những dịch vụ công trực tuyến không đáp ứng được mức độ dịch vụ đã công bố, chưa thông suốt, chưa thuận lợi và chưa tiết kiệm chi phí hơn phương án nộp trực tiếp hồ sơ giấy hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích, nhất là các trường hợp vẫn yêu cầu người dân, doanh nghiệp bổ sung hồ sơ giấy; nếu xác định không có giải pháp khắc phục thì đề xuất việc tạm dừng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và phải giải trình cụ thể nguyên nhân; báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện trong tháng 4 năm 2024.
g) Đẩy nhanh việc thực hiện, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thực chất các kế hoạch, đề án, giải pháp của Ủy ban nhân dân tỉnh về đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong công tác giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung, ưu tiên bố trí nguồn lực cho 04 nhiệm vụ quan trọng: (i) Giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã; (ii) Mô hình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính phi địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh; (iii) Mô hình “Hành chính phục vụ người dân” trên địa bàn tỉnh và (iv) “Phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến giai đoạn 2022 - 2027” (Đề án 5299).
h) Tổ chức triển khai, thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 trong năm 2024 theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương; trong đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phải chủ động phối hợp, phản ánh, trao đổi thông tin, giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm khắc theo quy định những trường hợp để khó khăn, vướng mắc tồn đọng kéo dài dẫn đến phát sinh thành “điểm nghẽn” do đùn đẩy, né tránh trách nhiệm thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết hoặc không kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất việc giải quyết.
i) Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với người dân, doanh nghiệp và thực sự cầu thị, nghiêm túc trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về những vướng mắc, bất cập liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giải quyết. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ và kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc thẳng thắn kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu, cản trở, gây phiền hà trong giải quyết công việc.
2. Giám đốc Công an tỉnh:
Rà soát nội dung Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ để tham mưu, đề xuất việc bổ sung nhiệm vụ trong Kế hoạch thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định số 540/QĐ-UBND ngày 07 tháng 02 năm 2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh); báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong tháng 3 năm 2024. Triển khai kịp thời, đầy đủ, chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 theo ý kiến kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Hội nghị sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Đề án 06 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 (theo nội dung Thông báo số 53/TB-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh).
3. Giám đốc Sở Nội vụ:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quyết sách liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức mang tính đổi mới, đột phá và thiết thực, hiệu quả cho việc động viên, khuyến khích, huy động nguồn nhân lực có năng lực, phẩm chất, trách nhiệm, tâm huyết với công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị để tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chung của tỉnh; báo cáo, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong tháng 4 năm 2024.
- Công tác phân tích, đánh giá trong nhiều năm qua cho thấy: vấn đề “Phát huy vai trò, trách nhiệm của Người đứng đầu” là một trong những tồn tại, hạn chế mang tính chủ quan “cố hữu” và là một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất đối với công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính của tỉnh. Do đó, Sở Nội vụ thực hiện rà soát, nghiên cứu một cách tổng thể các văn bản quy định của Trung ương và của tỉnh gắn với phân tích, đánh giá tình hình thực tiễn, tìm ra nguyên nhân và tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực đảm bảo khắc phục hiệu quả vấn đề này; báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong tháng 5 năm 2024.
4. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông:
Nâng cao chất lượng công tác phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thường xuyên tổ chức họp bàn, rà soát, đánh giá, thảo luận, nghiên cứu, triển khai xây dựng, kết nối, tích hợp liên thông các cơ sở dữ liệu liên quan đến thủ tục hành chính để phát huy tối đa tiềm năng tài nguyên dữ liệu trong công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi phương thức quản lý của các cơ quan chính quyền trên địa bàn tỉnh từ “quản lý bằng giấy tờ” sang “quản lý bằng dữ liệu điện tử trên môi trường số”. Công tác tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ này phải có kết quả, sản phẩm công việc cụ thể gắn với hoạt động của “Tổ phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh” (được thành lập tại Quyết định số 2521/QĐ-UBND ngày 11 tháng 7 năm 2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh); lồng ghép việc báo cáo kết quả thực hiện vào nội dung chế độ báo cáo định kỳ hằng tháng, hằng quý về công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06.
5. Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên thẩm định, tham mưu, đề xuất bố trí ngân sách, vốn cho các nhiệm vụ liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Đề án 06. Kịp thời phối hợp, trao đổi, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến vấn đề kinh phí trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
6. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh:
a) Thường xuyên, sâu sát trong công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo, công khai kết quả thực hiện Quyết định số 235/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao 07 chỉ tiêu liên quan đến “Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến” đảm bảo giữ vững, phát huy kết quả Chỉ số của tỉnh đã đạt được trong năm 2023. Định kỳ trước ngày 05/12 hằng năm, đánh giá, tham mưu, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, khen thưởng đột xuất các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, nổi trội, đóng góp đáng kể cho kết quả Chỉ số của tỉnh.
b) Tăng cường công tác theo dõi, quản lý, kiểm tra, đôn đốc và thường xuyên báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình, kết quả công tác triển khai, thực hiện các kế hoạch, đề án, giải pháp của Ủy ban nhân dân tỉnh về đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong công tác giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; mạnh dạn đề xuất các cách làm hay, mô hình mới, sáng tạo, đột phá, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
c) Rà soát, đánh giá thực trạng hạ tầng, chức năng, tính năng kỹ thuật của “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh” so với các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời tổ chức lấy ý kiến của người dùng về các tiện ích cần bổ sung để nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện Hệ thống đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho công tác giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong Quý II năm 2024.
d) Phối hợp rà soát, đánh giá nhu cầu kết nối, tích hợp “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh” với các hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu chưa được kết nối hoặc mở rộng, bổ sung các trường thông tin, dữ liệu chưa được chia sẻ để cắt giảm tối đa thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện trong tháng 4 năm 2024.
đ) Phối hợp, thẩm định, kiểm soát chặt chẽ việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh; kiên quyết tham mưu, đề xuất tạm dừng cung cấp đối với những dịch vụ công trực tuyến không đáp ứng yêu cầu chất lượng, nhất là những dịch vụ công trực tuyến còn yêu cầu người dân, doanh nghiệp bổ sung hồ sơ giấy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2023.
e) Rà soát tất cả các văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ năm 2021 đến nay và tổng hợp, xây dựng báo cáo về tình hình, kết quả triển khai, tiến độ thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét trong tháng 4 năm 2024. Chủ trì theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị này.
7. Đề nghị các cấp ủy có thẩm quyền quản lý các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục quan tâm, phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc công tác cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Đề án 06 theo quy định tại “Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 14 tháng 5 năm 2021 của Tỉnh ủy về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020-2025” và “Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 27 tháng 4 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh”.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hội, đoàn thể các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và Nhân dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục quan tâm, chia sẻ, ủng hộ, đồng hành, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp của tỉnh trong công tác triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án, nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và Đề án 06; nhất là tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ đoàn viên, hội viên, người dân, doanh nghiệp tự nâng cao kỹ năng số và ưu tiên sử dụng phương thức trực tuyến để tương tác với chính quyền, thực hiện thủ tục hành chính nhằm góp phần chung tay xây dựng quê hương Bình Định sớm trở thành một địa phương “năng động, hiện đại, văn minh và giàu đẹp”.
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện./.
| CHỦ TỊCH |
1 Theo Báo cáo số 10247/BC-VPCP ngày 31 tháng 12 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ về tình hình, kết quả thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.