ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-UBND | Bình Thuận, ngày 03 tháng 3 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CUỘC TỔNG ĐIỀU TRA KINH TẾ NĂM 2017 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
Ngày 26/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1672/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2017 (sau đây gọi tắt là Tổng điều tra). Cuộc Tổng điều tra lần này được triển khai nhằm mục đích thu thập thông tin của các cơ sở kinh tế (trừ các cơ sở cá thể hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản đã thu thập trong Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016), cơ quan hành chính, đảng, đoàn thể, hiệp hội, đơn vị sự nghiệp, các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam về số lượng đơn vị, trình độ của lực lượng lao động đang làm việc, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tình trạng trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin,... làm căn cứ tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của tỉnh; đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước; là hệ thống dữ liệu cơ bản cho các cuộc điều tra chọn mẫu hàng năm của các bộ ngành, địa phương đồng thời là nền tảng thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh.
Để tổ chức thực hiện tốt cuộc Tổng điều tra trên phạm vi toàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp, các sở, ngành, thủ trưởng các đơn vị, các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, các đơn vị thuộc đối tượng điều tra, nhất là đối với các loại hình doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn, tổng công ty hạch toán độc lập, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn) thực hiện nghiêm túc những công việc sau:
1. Giao Cục Thống kê là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo (sau đây viết tắt là Ban Chỉ đạo) Tổng điều tra chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện Phương án Điều tra; xây dựng Kế hoạch chi tiết, hướng dẫn tổ chức thực hiện toàn bộ các nội dung của Tổng điều tra. Cụ thể:
- Chủ trì việc tiến hành rà soát, thống nhất số lượng doanh nghiệp, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đoàn thể, hiệp hội, tôn giáo, tín ngưỡng, cơ sở cá thể trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức, hướng dẫn tập huấn nghiệp vụ cho Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã; các điều tra viên, giám sát sát viên, tổ trưởng.
- Tổ chức, hướng dẫn công tác thu thập thông tin, ghi phiếu điều tra. Bảo đảm thu thập thông tin đáp ứng về tiến độ, chất lượng, hạn chế sai sót.
- Phối hợp với các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các nội dung của Tổng điều tra theo đúng quy định.
- Phối hợp với Sở Tài chính lập dự trù kinh phí xử lý tổng hợp in ấn số liệu tổng điều tra, thiết kế đĩa DVD (chi tiết đến cấp xã) và phân tích, biên soạn, in ấn các chuyên đề về Tổng điều tra làm tài liệu phục vụ cho sự quản lý, điều hành và hoạch định các chính sách của địa phương trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành sau có trách nhiệm cung cấp cho Cục Thống kê (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh) danh sách các đơn vị trực thuộc ngành đang quản lý để lập danh sách điều tra chính xác và đầy đủ nhất:
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương và Cục Thuế tỉnh cung cấp danh sách các doanh nghiệp do cơ quan mình quản lý.
- Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp danh sách các cơ sở giáo dục và đào tạo.
- Sở Y tế cung cấp danh sách các cơ sở y tế.
- Sở Nội vụ cung cấp danh sách các Hiệp hội và Hội nghề nghiệp.
- Kho bạc Nhà nước cung cấp danh sách các đơn vị hành chính, sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách và các dữ liệu thu chi có liên quan.
- Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh cung cấp danh sách các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
3. Tổng giám đốc, Giám đốc các Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, các công ty trách nhiệm hữu hạn và cổ phần có vốn nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân và cơ sở kinh tế thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước; các đơn vị hành chính sự nghiệp có trách nhiệm cử người tham dự tập huấn, ghi phiếu và kê khai phiếu điều tra đầy đủ, chính xác, gửi đúng thời gian quy định theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh truyền hình Bình Thuận: Phối hợp với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh, Cục Thống kê tỉnh trong việc thực hiện công tác tuyên truyền phục vụ Tổng điều tra; tăng cường phát sóng, đăng tải các phóng sự, tin, bài, hình ảnh, chuyên mục về Tổng điều tra. Thông tin kịp thời về mục đích, ý nghĩa, nội dung, kế hoạch thực hiện Tổng điều tra đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, bảo đảm thực hiện tốt nghĩa vụ cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác cho điều tra viên.
Yêu cầu các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đảng, đoàn thể, hiệp hội, cơ sở tôn giáo, các doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài và các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Chỉ thị 06/CT-UBND triển khai Tổng điều tra kinh tế năm 2017 do tỉnh Hòa Bình ban hành
- 2 Chỉ thị 02/CT-UBND về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2017 trên địa bàn do tỉnh Hưng Yên ban hành
- 3 Chỉ thị 296/CT-UBND thực hiện Tổng điều tra kinh tế năm 2017 trên địa bàn tỉnh Hà Giang
- 4 Quyết định 1672/QĐ-TTg năm 2016 về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2017 do Thủ tướng Chính phủ ban hành