Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 04/CT-VKSTC

Hà Nội, ngày 02 tháng 7 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 11- NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ CÔNG TÁC PHỤ NỮ THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

Trong những năm qua, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xây dựng và triển khai chương trình hành động đến năm 2010, làm tốt chức năng tham mưu cho Lãnh đạo Viện tổ chức các hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ trong ngành Kiểm sát nhân dân; tích cực phối hợp với các đoàn thể và đơn vị trong cơ quan triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch công tác. Đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân không ngừng nâng cao nhận thức, trình độ về mọi mặt, phấn đấu vươn lên, có những đóng góp thiết thực trong công tác của cơ quan, xã hội và gia đình. Công tác phụ nữ của Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã góp phần tích cực trong việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời bảo đảm sự bình đẳng giới ở cơ quan, đơn vị.

Ngày 27/4/ 2007, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã xác định mục tiêu: "Phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế…, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần; tham gia ngày càng nhiều hơn công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực; đóng góp ngày càng lớn cho xã hội và gia đình; phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới và tiến bộ nhất của khu vực".

Để triển khai, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Luật bình đẳng giới, đồng thời tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác phụ nữ của ngành Kiểm sát nhân dân với mục tiêu: Nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của phụ nữ; tạo mọi điều kiện cần thiết để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu:

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với các cấp ủy Đảng và các đoàn thể để phổ biến, quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, tạo sự chuyển biến mới trong hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Kiểm sát nhân dân.

2. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ nữ, coi đó là một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của đơn vị mình; chăm lo xây dựng kiện toàn quy hoạch cán bộ, trong đó thật sự chú trọng, quan tâm xây dựng cán bộ nữ; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ nữ trong Ngành không ngừng phấn đấu vươn lên, đóng góp, cống hiến ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

3. Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Ban vì sự tiến bộ phụ nữ và các đơn vị có liên quan tham mưu cho lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng quy hoạch cán bộ nữ, phấn đấu đến năm 2020 đạt tỉ lệ 30% cán bộ nữ giữ chức danh Lãnh đạo quản lý của Viện kiểm sát các cấp; tăng cường tỉ lệ nữ trong hoạt động nghiệp vụ và giữ các chức danh pháp lý. Tham gia xây dựng, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách có liên quan trực tiếp đến lao động nữ trong ngành Kiểm sát nhân dân.

4. Ban vì sự tiến bộ phụ nữ phối hợp với các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đoàn thể thuộc ngành Kiểm sát nhân dân nghiên cứu, triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/2007/CT-TTg ngày 03/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật bình đẳng giới; nghiên cứu đặc thù giới về nghề nghiệp cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành kiểm sát nhân dân.

5. Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp với Ban vì sự tiến bộ phụ nữ cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm hướng dẫn việc sử dụng kinh phí cho hoạt động công tác phụ nữ để triển khai thực hiện Nghị quyết số11-NQ/TW và công tác phụ nữ của ngành Kiểm sát nhân dân theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

6. Hội đồng Thi đua - khen thưởng của ngành Kiểm sát nhân dân phối hợp với Ban vì sự tiến bộ phụ nữ cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức các hoạt động thi đua và hướng dẫn việc bình xét thi đua khen thưởng hàng năm về công tác phụ nữ trong ngành Kiểm sát nhân dân.

7. Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí kiểm sát, Trang tin điện tử (Website) Viện kiểm sát nhân dân tối cao thường xuyên phản ánh trên công luận về hoạt động công tác phụ nữ trong ngành Kiểm sát nhân dân; tuyên truyền những gương phụ nữ điển hình, người tốt, việc tốt trong lao động, học tập, công tác.

8. Nữ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng phấn đấu vươn lên trên mọi lĩnh vực, hoàn thành tốt nhiệm vụ đuợc giao; tích cực tham gia các hoạt động của xã hội, đoàn thể và địa phương nơi cư trú.

9. Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Ban vì sự tiến bộ phụ nữ cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này; đồng thời đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phụ nữ trong ngành Kiểm sát nhân dân và hoạt động của Ban nữ công Công đoàn các cấp.

 

 

Nơi nhận:
- Uỷ ban quốc gia VSTBPN Việt Nam;
- BCH Đảng bộ CQ VKSNDTC;
- Lãnh đạo VKSNDTC;
- BCH Công đoàn, Đoàn TN VKSNDTC;
- Ban VSTBCPN VKSNDTC;
- VKSND tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Thủ trưởng đơn vị trực thuộc VKSNDTC;
- Lưu: VT, VP.

VIỆN TRƯỞNG




Trần Quốc Vượng