Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2001/CT-UB

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2001 

 

CHỈ THỊ

VỀ NHIỆM VỤ QUỐC PHÒNG, CÔNG TÁC QUÂN SỰ ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2001

Năm 2001 có vị trí, ý nghĩa rất quan trọng, là năm thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ Thành phố làn thứ XIII và Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ chính trị về công tác của thủ đô Hà Nội. Tình hình thế giới, khu vực vẫn diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch lợi dụng xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế để thực hiện chiến lược" diễn biến hoà bình" bạo loạn lật đổ ở nước ta và thủ đô Hà Nội với cường độ, tính chất quyết liệt hơn.

Để góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội ở Thủ đô. Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, Quận, Huyện, các tổ chức xã hội Thành phố cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung về công tác Quốc phòng sau:

1/ Xây dựng nền Quốc phòng toàn dân vững mạnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Thủ đô XHCN"

Quán triệt và triển khai sâu rộng nhiệm vụ quốc phòng- an ninh đã được xác định trong Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, nghị quyết Trung ương 3 (khoá VII), Nghị quyết về an ninh quốc gia của Bộ Chính trị (khoá VIII) và Chỉ thị số 20/2000/CT-TTg ngày 06/10/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ Quốc phòng, công tác quân sự địa phương trong tình hình mới. Tập trung giáo dục sâu rộng ý thức quốc phòng cho toàn dân, trước hết là cán bộ chủ chốt các quận, huyện, sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố và thế hệ trẻ nhằm nâng cao nhận thức, quan điểm, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân đối với sự nghiệp quốc phòng toàn dân.

Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về Quốc phòng ở các ngành, các cấp. Nghiên cứu vận dụng đưa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác quốc phòng và quản lý Nhà nước về quốc phòng vào thực tế cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.

2/ Tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng- an ninh sâu rộng và vững chắc trong khu vực phòng thủ của Thành phố đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Tập trung xây dựng quận, huyện, Thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, và bảo vệ Thủ đô, sẵn sàng đối phó với các tình huống phức tạp xảy ra, kiên quyết làm thất bại âm mưu thủ đoạn"diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế xã hội với củng cố quốc phòng- an ninh. Xây dựng hậu cần hậu phương, hậu cần nhân dân vững mạnh, rộng khắp. Coi trọng việc kết hợp chặt chẽ xây dựng tiềm lực quốc phòng trên từng địa bàn quận, huyện.

Tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh quyết tâm, kế hoạch tác chiến, tăng cường và hoạt động trinh sát quân báo nhân dân nắm chắc tình hình địa bàn (cả trên không và mặt đất). Tổ chức diễn tập theo tinh thần NQ 02/TW Bộ Chính trị quận Đống Đa, huyện Thanh Trì và 20-25% xã, phường, thị trấn của các quận, huyện. Luyện tập chỉ huy tham mưu cơ quan Bộ chỉ huy quân sự Thành phố về chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu và phương án phòng tránh, đánh trả đòn tiến công hoả lực của địch; xây dựng phương án sơ tán dãn dân và tài sản ở gần mục tiêu quan trọng và 1 số khu vực kinh tế trọng điểm.

Bộ chỉ huy quân sự Thành phố chỉ đạo tổ chức xây dựng các đài quan sát, trận địa phòng không, chuẩn bị và xây dựng các khu vực phòng thủ theo kế hoạch (A) của Thành phố. Chỉ đạo các Ban, Ngành Thành phố, UBND các quận, huyện nghiên cứu, xây dựng kế hoạch bảo đảm thời kỳ đầu chiến tranh, kế hoạch phòng chống lụt bão. Tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn tại 3 huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm. Bổ sung quyết tâm bảo vệ chế độ XHCN và an ninh chính trị, các kế hoạch bảo vệ cơ quan, đơn vị, phòng chống cháy nổ, phối hợp cùng các sở, ban, ngành tiếp tục điều tra khảo sát tại các doanh nghiệp địa phương, nắm chắc số lượng, chất lượng, trang thiết bị, phương tiện của nền kinh tế quốc dân sẵn sàng phục vụ cho nhiệm vụ động viên công nghiệp khi có yêu cầu.

3/ Xây dựng cơ quan quân sự các cấp và lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện công tác quốc phòng ở cơ sở.

Tiếp tục chỉ đạo xây dựng cơ quan quân sự địa phương theo chỉ thị 917/CT-QP ngày 22/6/1999 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhằm nâng cao năng lực làm tham mưu và chỉ đạo của cơ quan quân sự các cấp, giúp cấp uỷ, Chính quyền xây dựng các phương án, kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quân sự, công tác quốc phòng ở địa phương.

Nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương, xây dựng Bộ đội địa phương đủ số lượng, với chất lượng cao. Tổ chức huấn luyện theo nội dung, chương trình quy định sát với nhiệm vụ, địa bàn hoạt động, phù hợp với sở trường cách đánh của từng lực lượng; Đảm bảo xây dựng lực lượng vũ trang Thành phố là nòng cốt trong sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.

Xây dựng dân quân tự vệ có số lượng phù hợp, nâng cao chất lượng tổng hợp nhất là chất lượng chính trị, coi trọng các khu vực trọng điểm. Bộ chỉ huy quân sự chỉ đạo các quận, huyện nghiên cứu các chuyên đề, các điển hình về tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, tiểu đoàn dân quân tự vệ pháo phòng không 37 ly của Thành phố để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung; Tổ chức, trang bị lực lượng phòng không dân quân tự vệ gắn với phòng không lục quân. Chú trọng củng cố, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trong các xã, phường, thị trấn, các doanh nghiệp, cơ quan hành chính sự nghiệp, nghiên cứu tổ chức dân quân tự vệ trong các thành phần kinh tế liên doanh và tư nhân. Nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện cho dân quân tự vệ. Tăng cường chỉ đạo các hoạt động phối hợp của dân quân tự vệ cho các lực lượng khác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tham gia phòng chống khắc phục thiên tai tại cơ sở.

Tiếp tục bồi dưỡng kiến thức quốc phòng theo nghị định 71/CP cho cán bộ các Sở, Ban, Ngành Thành phố, Quận, Huyện, xã, phường, thị trấn theo phân cấp. Tập trung bồi dưỡng năng lực cán bộ quân sự các cấp.

Tiếp tục thực hiện pháp lệnh dự bị động viên, thực hiện đẩy đủ các chế độ đăng ký, quản lý chặt chẽ nguồn dự bị động viên và phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân, tăng cường huấn luyện, diễn tập, kiểm tra động viên sẵn sàng chiến đấu đối với lực lượng này theo chỉ tiêu được giao.

Tổ chức sơ kết 5 năm về pháp lệnh dự bị động viên cấp quận, huyện trong quý II. cấp Thành phố quý III. Tiến hành đầy đủ các bước tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và tuyển sinh quân sự hoàn thành 100% chỉ tiêu với chất lượng cao, thực hiện công khai, công bằng, dân chủ, đúng luật.

4/ Thực hiện tốt công tác chính sách hậu phương quân đội.

Tiếp tục giáo dục sâu rộng nội dung, ý nghĩa chính sách đãi ngộ về vật chất tinh thần trong xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng và chính sách hậu phương quân đội đối với cán bộ và nhân dân trên địa bàn; Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Thành uỷ, UBND Thành phố về chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho lực lượng vũ trang.

Đẩy mạnh phong trào đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công với cách mạng. Thực hiện tốt chương trình xoá đói giảm nghèo trên địa bàn Thành phố.

5/ Thực hiện Thanh tra, kiểm tra công tác Quốc phòng.

 Các Quận, Huyện tăng cường chỉ đạo tiến hành Thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện công tác quân sự, công tác quốc phòng trong phạm vi cấp mình phụ trách.

Thanh tra quốc phòng- Bộ chỉ huy quân sự Thành phố phối hợp với Thanh tra Nhà nước Thành phố và các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra thực hiện công tác quốc phòng ở các quận , huyện.

Giao Bộ chỉ huy quân sự Thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, công tác quốc phòng ở Thành phố trong năm 2001.

* Yêu cầu các Sở, ban, ngành và các tổ chức xã hội Thành phố, Uỷ ban nhân dân  các quận, huyện có kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện chỉ thị này và định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả  về Uỷ ban nhân dân Thành phố và Bộ chỉ huy quân sự Thành phố.

 

 

TM/UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH



 
Hoàng Văn Nghiên