BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2002/CT-BNN | Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2002 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH ĐÀO TẠO NGHỀ CHO NÔNG DÂN
Lao động ở nông thôn làm nghề nông và các nghề truyền thống có khoảng 29 triệu người. Người nông dân mới được phổi biến, hướng dẫn một số kiến thức mới qua hệ thống khuyến nông - khuyến lâm các cấp. Hầu hết người nông dân không có điều kiện tiếp cận được với khoa học- công nghệ mới, học tập để nâng cao kỹ năng, nghề nghiệp và tổ chức quản lý, do đó năng suất cây trồng vật nuôi còn thấp, sử dụng kém hiệu quả các thiết bị, máy móc nông nghiệp, hàng hoá thủ công mỹ nghệ chưa hấp dẫn, độ tinh xảo sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh kém. Từ những bức xúc trên đây Chính phủ yêu cầu "thực thi các biện pháp toàn diện để phát triển nguồn nhân lực nông thôn, phát triển các loại hình trường lớp dạy nghề cho nhân dân nông thôn". (Nghị quyết 09/2000/NQ-CP ngày 15/6/2000 của Chính phủ) và yêu cầu các Trường dạy nghề song song với nhiệm vụ đào tạo nghề chính qui dài hạn, cần phải tăng tỷ lệ đào tạo ngắn hạn (khoảng 80%) trong cơ cấu chỉ tiêu đào tạo nghề hàng năm, trong đó chủ yếu dạy nghề ngắn hạn cho nông dân (quyết định số 50/1999/QĐ-TTg ngày 24/3/1999) của Thủ tướng Chính phủ).
Trong những năm qua, để nâng cao hiệu quả đào tạo, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các trường đào tạo theo địa chỉ phục vụ các chương trình - kinh tế trọng điểm của ngành và mở thên một số ngành nghề đào tạo mới phục vụ nông thôn như lâm nghiệp xã hội, cơ điện nông thôn, chủ doanh nghiệp nhỏ, cán bộ nông vụ, ngân sách xã, cấp thoát nước sinh hoạt nông thôn.... Bộ cũng đã chỉ đạo các trường gắn nhiệm vụ đào tạo với công tác khuyến nông-khuyến lâm (Chỉ thị 15 NN-TCCB/CT ngày 11/8/l997) và đẩy mạnh đào tạo nghề ngắn hạn cho nông dân (Báo cáo Hội nghị đào tạo do Bộ tổ chức tại Đà nẵng và tại vũng Tàu), tỷ lệ đào tạo nghề ngắn hạn đã đạt 14% chỉ tiêu đào tạo nghề chính qui dài hạn.
Để đẩy mạnh hơn nữa đào tạo và bồi dưỡng nghề cho nông dân theo hướng tăng qui mô, chất lượng và hiệu qủa đào tạo, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ thị các trường và các đơn vị chức năng thực hiện một số yêu cầu sau đây:
1/ Các trường cần tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để nâng cao nhận thức và hiệu quả các hình thức đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân.
2/ Khi xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm, các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề không, chỉ xây dựng kế hoạch đào tạo chính qui, mà cần xây dựng cả kế hoạch đào tạo nghề ngắn hạn cho nông dân. Các trường cần điều tra nhu cầu học tập của nông dân trên địa bàn, từ đó định ra kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cho phù hợp. Các trường Đại học, Cao đẳng, Cán bộ quản lý có kế hoạch cụ thể tích cực tham gia vào công tác đào tạo nông dân, đặc biệt cán bộ quản lý hợp tác xã, quản lý doanh nghiệp nông nghiệp và nhỏ đào tạo tiểu giáo viên v.v...
3/ Các trường phải bám sát chủ trương của các Đảng bộ địa phương, chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Trung tâm khuyến nông - khuyến lâm, Hội nông dân, Hội làm vườn, các hợp tác xã nông nghiệp để tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng nông dân theo hướng ký hợp đồng đào tạo cụ thể.
4/ Các Vụ Tổ chức cán bộ, vụ Tài chính kế toán, vụ Kế hoạch - Quy hoạch nghiên cứu vấn đề kinh phí đào tạo nghề cho nông dân, chế độ, chính sách có liên quan để Bộ đề nghị với các Bộ Lao động thương binh và xã hội (Tổng cục dạy nghề), Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và đầu tư giúp đỡ giải quyết. Cục khuyến nông khuyến lâm hướng dẫn các Trung tâm khuyến nông - khuyến lâm tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các trường tổ chức lớp thông qua hợp đồng trách nhiệm.
Nhận được chỉ thị này, Bộ yêu cầu Hiệu trưởng các trường, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện, để đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo nghề cho nông dân trong giai đoạn mới./.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |