Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2007/CT-BBCVT

Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2007 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THIẾT BỊ PHÁT SÓNG VÔ TUYẾN ĐIỆN TRÊN PHƯƠNG TIỆN NGHỀ CÁ, BẢO ĐẢM AN TOÀN CHO THÔNG TIN VÔ TUYẾN ĐIỆN TRÊN BIỂN

Ngày 30 tháng 6 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/2006/CT-TTg về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn cho hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ. Thực hiện Chỉ thị này, hiện đã có nhiều tàu đánh bắt cá xa bờ được trang bị thiết bị thông tin vô tuyến điện để liên lạc. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, cấp phép tần số vô tuyến điện để thiết lập trật tự sử dụng thông tin trên biển còn nhiều hạn chế; công tác hướng dẫn ngư dân khai thác, sử dụng thiết bị thông tin liên lạc chưa được thực hiện triệt để; phần lớn ngư dân sử dụng sai mục đích các tần số dành cho thông tin an toàn, cứu nạn, gây can nhiễu lẫn nhau, ảnh hưởng đến việc thu các thông tin cấp cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Để khắc phục tình trạng trên, nhằm bảo đảm an toàn thông tin vô tuyến điện trên biển, Bộ Bưu chính, Viễn thông:

1. Đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở Bưu chính, Viễn thông:

a) Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực (thuộc Cục Tần số vô tuyến điện), các đơn vị hữu quan ở địa phương như Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Thủy sản, Công ty Thông tin điện tử hàng hải, v.v... tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân tuân thủ các quy định của pháp luật về sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện; sử dụng đúng mục đích các tần số quy định cho thông tin liên lạc, an toàn, cứu nạn, dự báo thời tiết, v.v… nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả, đồng bộ không gây nhiễu có hại giữa các hệ thống thông tin vô tuyến điện trên biển và các hệ thống thông tin vô tuyến điện khác.

b) Phối hợp với các Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Sở Thủy sản, v.v… tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong việc sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên phương tiện nghề cá.

2. Yêu cầu Cục Tần số vô tuyến điện:

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở Bưu chính, Viễn Thông, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Thủy sản, Công ty Thông tin điện từ hàng hải, v.v… triển khai cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện cho các phương tiện nghề cá, đảm bảo đơn giản hóa tối đa về thủ tục cấp phép.

Trên cơ sở các số liệu cấp phép, thiết lập cơ sở dữ liệu về việc sử dụng tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện của các phương tiện nghề cá để phục vụ cho công tác tổ chức hệ thống thông tin liên lạc, ứng cứu khi có tình huống thiên tai khẩn cấp xảy ra. Cung cấp cho các Sở Bưu chính, Viễn Thông các số liệu về cấp phép tần số cho phương tiện nghề cá.

b) Nghiên cứu, bổ sung các băng tần quy định cho phương tiện nghề cá.

c) Tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên trên các tần số an toàn, cứu nạn để phát hiện và xử lý kịp thời nhiễu có hại, đảm bảo an toàn cho thông tin vô tuyến điện trên biển.

3. Yêu cầu Công ty Thông tin điện tử hàng hải:

a) Phát các bản tin dự báo thời tiết, bão, áp thấp nhiệt đới trên tần số 7906kHz theo đúng quy chế báo bão, lũ để ngư dân chủ động phòng tránh.

b) Trực canh ở tần số 7903 kHz để thu các thông tin gọi cấp cứu của các phương tiện nghề cá, đồng thời cung cấp kịp thời cho Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo, xử lý.

c) Phối hợp với các Trung tâm Tần số vô tuyến điện, Sở Bưu chính, Viễn Thông hướng dẫn ngư dân các kiến thức, kỹ năng khai thác, sử dụng các thiết bị phát sóng vô tuyến điện.

Cục Tần số vô tuyến điện có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này và báo cáo Bộ trưởng./.

 

 

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

Đỗ Trung Tá