Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 05/2008/CT-BTTTT

 Hà Nội, ngày 08 tháng 07 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VIỆT NAM

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/05/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin (CNTT) về công nghiệp công nghệ thông tin. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 51/2007/QĐ-TTg ngày 12/04/2007 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam đến năm 2010, Quyết định số 56/2007/QĐ-TTg ngày 03/05/2007 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam đến năm 2010 và Quyết định số 75/2007/QĐ-TTg ngày 28/05/2007 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 (sau đây gọi chung là Chương trình phát triển công nghiệp CNTT).

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẩn trương tổ chức thực hiện Nghị định của Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên đến nay việc tổ chức triển khai và kết quả đạt được còn hạn chế. Nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển công nghiệp CNTT mà Chính phủ và Thủ tướng đã giao trong các văn bản nêu trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ thị:

1. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình và nội dung, nhiệm vụ mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, nghiên cứu, đề xuất các nội dung công việc cụ thể trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện nhằm hoàn thành các nội dung, mục tiêu đã đề ra trong Nghị định của Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu trên. Bộ trưởng phân công trách nhiệm cho các đơn vị thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ cụ thể như sau:

1.1. Vụ Công nghệ thông tin

a. Rà soát, nghiên cứu, đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách nhằm tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp CNTT;

b. Chủ trì thực hiện dự án điều tra, khảo sát thu thập số liệu thống kê và đánh giá về tình hình phát triển công nghiệp CNTT tại Việt Nam;

c. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện chương trình phát triển doanh nghiệp CNTT. Chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng Khu tổ hợp công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông và tổ chức triển khai thực hiện;

d. Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực giúp Bộ trưởng phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị tham gia triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển công nghiệp CNTT.

1.2. Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam

a. Xây dựng và triển khai dự án nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam;

b. Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai dự án hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực bậc cao cho các doanh nghiệp phần mềm và nội dung số trong nước;

c. Tổ chức đánh giá, kiểm thử các sản phẩm phần mềm nguồn mở (PMNM), đề xuất đưa vào Danh mục các sản phẩm PMNM để khuyến cáo các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp mua sắm và sử dụng đồng thời hỗ trợ chuyển giao sử dụng PMNM;

d. Xây dựng, triển khai dự án phát triển một số sản phẩm phần mềm, nội dung số trọng điểm;

đ. Chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch Tài chính và Vụ CNTT trình Bộ trưởng việc thành lập Quỹ phát triển công nghiệp phần mềm;

e. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai dự án đầu tư xây dựng hình ảnh, thương hiệu Quốc gia cho công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam;

g. Xây dựng và triển khai dự án đầu tư trang thiết bị nâng cao năng lực hoạt động của Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam.

1.3. Vụ Khoa học Công nghệ

a. Tổ chức, rà soát, nghiên cứu, xây dựng, trình ban hành và hướng dẫn triển khai thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghiệp CNTT, đặc biệt là các chuẩn kỹ thuật về phần mềm, nội dung thông tin số, chuẩn hoá trang thông tin điện tử, chuẩn hoá dữ liệu và chuẩn trao đổi thông tin;

b. Nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng đề án thành lập và quy chế quản lý, khai thác Kho tài sản trí tuệ phần mềm;

c. Phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất các quy định, cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp CNTT.

1.4. Vụ Tổ chức Cán bộ

a. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ xây dựng các cơ chế, chính sách, hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực CNTT về số lượng cũng như chất lượng;

b. Chủ trì, phối hợp với Vụ CNTT nghiên cứu, xây dựng trình Bộ trưởng các quy định về điều kiện hoạt động đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng các kỹ năng chuyên ngành và công nghệ mới cho đội ngũ nhân lực công nghiệp CNTT, cấp chứng chỉ trong lĩnh vực CNTT.

1.5. Vụ Kế hoạch Tài chính

a. Chủ trì phối hợp với Vụ CNTT hướng dẫn các đơn vị liên quan: Đăng ký kế hoạch kinh phí, phương hướng xây dựng, thẩm định các đề án, dự án cụ thể; Là đầu mối kết nối với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc phân bổ các nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước (NSNN); Huy động các nguồn lực để đầu tư cho các đề án, dự án, chương trình được giao;

b. Xây dựng quy chế về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn NSNN, định mức cho các dự án CNTT, đặc biệt là các dự án phần mềm.

1.6. Vụ Viễn thông

a. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị rà soát và hoàn thiện các quy định quản lý và phát triển Internet, đề xuất phương án để tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt hạ tầng Internet, viễn thông cho sự phát triển của công nghiệp CNTT;

b. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp CNTT lớn, các khu CNTT tập trung về hạ tầng viễn thông và kết nối Internet.

1.7. Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT)

Chủ trì nghiên cứu, xây dựng chính sách về an toàn thông tin, các quy định về bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin và đảm bảo an toàn mạng cho  phát triển công nghiệp CNTT; Điều phối khắc phục sự cố an ninh mạng, đánh giá mức độ an toàn thông tin cho các sản phẩm và hệ thống CNTT.

2. Các Sở Thông tin và Truyền thông

Các Sở Thông tin và Truyền thông căn cứ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phát triển công nghiệp CNTT nêu trên và tình hình thực tế tại địa phương tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển công nghiệp CNTT; Giao cho các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, đề án, dự án cụ thể để trình phê duyệt và tiến hành triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

2.1. Rà soát, bổ sung, sửa đổi trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành cơ chế chính sách phát triển, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và  hỗ trợ phát triển công nghiệp CNTT tại địa phương;

2.2. Chủ động, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phương án phát triển các khu CNTT tập trung, khu công nghiệp phần mềm;

2.3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp CNTT tại địa phương;

2.4. Tích cực, chủ động xây dựng, triển khai các dự án phát triển công nghiệp CNTT tại địa phương, gồm: Điều tra, khảo sát, thu thập, đánh giá số liệu thống kê về hoạt động công nghiệp CNTT trên địa bàn; Đào tạo nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp CNTT tại địa phương; Xây dựng kế hoạch tăng cường đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực cho công nghiệp CNTT trên địa bàn; Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển PMNM; Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm CNTT trọng điểm; Phát triển hạ tầng thông tin cho công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số.

3. Các hiệp hội và doanh nghiệp CNTT

3.1. Các Hiệp hội CNTT

a. Phối hợp các doanh nghiệp thành viên nghiên cứu, đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông và Chính phủ các cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp CNTT Việt Nam;

b. Chủ động, tích cực tổng hợp các đề xuất của các doanh nghiệp thành viên về việc triển khai Chương trình phát triển công nghiệp CNTT để báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông; Hỗ trợ, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp vào các nội dung của Chương trình;

c. Liên kết, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp CNTT, hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp; Đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên trong các hoạt động triển khai các dự án thuộc Chương trình phát triển công nghiệp CNTT;

d. Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) chủ trì tổ chức hội thảo, hội nghị, các cuộc gặp gỡ, trao đổi nhằm xây dựng thương hiệu, hình ảnh, xúc tiến thương mại phát triển thị trường gia công, xuất khẩu phần mềm; Phát động các cuộc thi viết kịch bản cho trò chơi điện tử, đặc biệt là các kịch bản cho trò chơi trực tuyến, trò chơi tương tác phù hợp với văn hoá và lịch sử Việt Nam;

đ. Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) chủ trì nghiên cứu, triển khai dự án tái cơ cấu sản xuất sản phẩm điện tử

e. Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT.

3.2. Các doanh nghiệp CNTT

a. Tích cực tham gia thực hiện các dự án, đề án thuộc Chương trình phát triển công nghiệp CNTT; Tăng cường đầu tư phát triển thị trường, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh;

b. Đề xuất nghiên cứu phát triển các sản phẩm trọng điểm như: Ưu tiên chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài để áp dụng sản xuất các trò chơi điện tử của Việt Nam; Đầu tư nghiên cứu sản xuất một số trò chơi trực tuyến, trò chơi trên điện thoại di động; Phát triển một số sản phẩm giải trí trên mạng, các trò chơi trên Internet.

4. Tổ chức thực hiện

4.1. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội, doanh nghiệp CNTT có trách nhiệm quán triệt tinh thần của Chỉ thị, tổ chức triển khai và hàng năm báo cáo kết quả theo quy định.

4.2. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ưong có trách nhiệm chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ban, ngành liên quan thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này.

4.3. Vụ Công nghệ thông tin có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị; Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai và tổng hợp báo cáo Bộ trưởng kết quả việc thực hiện Chỉ thị này ./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg Chính phủ (để b/c);
- VP Chính phủ;
- Các Bộ: TC, KHĐT, GDĐT, KHCN, LĐTBXH, CT, VHTTDL, YT;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Các Sở Thông tin và Truyền thông;
- Các doanh nghiệp, Hiệp hội CNTT;
- Công báo; Website CP;
- Bộ TT &TT: BT, các TT, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VT, CNTT.

BỘ TRƯỞNG




Lê Doãn Hợp