Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-BCT

Hà Nội, ngày 04 tháng 5 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC RÀ SOÁT VĂN BẢN PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

Từ năm 2012 đến nay, Chính phủ ban hành nhiều Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương (Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012, Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017, Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022), trong đó nhiều đơn vị thuộc Bộ, Viện trực thuộc Bộ được chia tách, hợp nhất hoặc có thay đổi về mô hình tổ chức, tên gọi như Cục Quản lý thị trường thành Tổng cục Quản lý thị trường; Tổng cục năng lượng được tách ra thành các đơn vị: Vụ Dầu khí và Than, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp và Vụ Kế hoạch được hợp nhất thành Vụ Kế hoạch - Tài chính; Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Hội đồng Cạnh tranh và Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh được hợp nhất thành Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia,...

Cùng với đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thông qua nhiều Luật, Pháp lệnh và các Nghị định có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương. Điều này dẫn đến chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị trực thuộc Bộ có sự thay đổi so với quy định hiện hành.

Để đảm bảo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công Thương và các đơn vị trực thuộc Bộ phù hợp và thống nhất với văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ theo Nghị định số 96/2022/NĐ-CP và các Viện, Trung tâm trực thuộc Bộ khẩn trương triển khai các nhiệm vụ sau:

1. Các đơn vị trực thuộc Bộ

a) Đối với văn bản quy phạm pháp luật:

- Rà soát tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (bao gồm: Nghị định, Quyết định, Thông tư, Thông tư liên tịch) không còn phù hợp với Luật, Pháp lệnh, Nghị định số 96/2022/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương;

- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật không còn áp dụng trên thực tế, không còn hiệu lực thi hành và đề xuất phương án xử lý trong năm 2023;

- Gửi Vụ Pháp chế tổng hợp kết quả rà soát trước ngày 25 tháng 5 năm 2023.

b) Đối với các văn bản hành chính do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành:

- Rà soát nội dung các Quyết định, Quy chế và văn bản hành chính khác của Bộ trưởng Bộ Công Thương do đơn vị chủ trì soạn thảo, ban hành; đồng thời trong quá trình triển khai phát hiện các văn bản không còn phù hợp với Luật, Pháp lệnh, Nghị định số 96/2022/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công Thương;

- Rà soát các văn bản không còn áp dụng trên thực tế;

- Chủ động báo cáo Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách về kết quả rà soát và phương án xử lý trước ngày 25 tháng 5 năm 2023.

2. Vụ Pháp chế

a) Chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả rà soát liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị và kiến nghị Lãnh đạo Bộ phương án xử lý trong năm 2023;

b) Theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Lãnh đạo Bộ;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương;
- Sở Công Thương;
- Lưu: VT, PC.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Hồng Diên