Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Quảng Bình, ngày 01 tháng 6 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CẢI CÁCH HỆ THỐNG THUẾ ĐẾN NĂM 2030 TỈNH QUẢNG BÌNH

Thực hiện Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/04/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, Nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách hệ thống thuế, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, của Quốc hội về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia giai đoạn 2021-2025 cũng như định hướng những mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược tài chính đến năm 2030, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Cục Thuế

1.1. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nội dung cải cách hiện đại hóa ngành thuế.

1.2. Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 theo đúng yêu cầu và lộ trình của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, phù hợp với chương trình cải cách hành chính và yêu cầu thực tế của tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai thực hiện các chương trình cải cách, hiện đại hóa ngành thuế, chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế.

1.3. Đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách thuế của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế theo thông lệ quốc tế, đảm bảo thống nhất, công bằng, hiệu quả. Trong đó, tập trung: chống chuyển giá; hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế, kinh tế số, sản xuất thông minh, giao dịch xuyên biên giới, đại lý thuế; cải cách thủ tục hành chính về thuế đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đảm bảo nguồn thu cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; an ninh - quốc phòng.

1.4. Triển khai thực hiện tốt các ứng dụng hiện đại hóa công tác quản lý thuế; thực hiện công khai các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ quản lý của cơ quan thuế; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính điện tử liên thông giữa Cục Thuế và các cơ quan quản lý nhà nước, rút ngắn thời gian giải quyết cho người nộp thuế; duy trì và mở rộng các hình thức giao dịch điện tử trong tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính thuế từ cấp độ 3 trở lên đối với doanh nghiệp và tổ chức; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý thuế phù hợp với định hướng xây dựng Chính phủ điện tử; tăng cường áp dụng quản lý rủi ro trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế như là một biện pháp hiệu quả để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về thuế và giảm khiếu nại sau thanh tra, kiểm tra thuế.

1.5. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định, chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính, minh bạch đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại.

1.6. Phối hợp các ngành, các cấp và các cơ quan thông tấn báo chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật thuế, tuyên truyền sâu rộng về Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 tới mọi tổ chức và tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao tính tuân thủ, tự giác chấp hành pháp luật thuế.

2. Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Cục Hải quan

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc thực hiện Chiến lược cải cách hành chính thuế theo lĩnh vực liên quan: hiện đại hóa thu ngân sách và ủy nhiệm thu qua hệ thống ngân hàng; nộp thuế điện tử; xây dựng và tổ chức thực hiện dự toán thu ngân sách... trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao, tạo điều kiện tốt nhất cho người nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ thuế.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế, Công an tỉnh trong công tác cấp đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế, đăng ký mẫu dấu và các thủ tục hành chính có liên quan đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, người dân thực hiện thủ tục hành chính.

4. Sở Công Thương

Phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế trong việc quản lý các văn phòng đại diện, chi nhánh các công ty, thương nhân nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Cung cấp giấy xác nhận đăng ký thực hiện khuyến mại; giấy xác nhận sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại; xác nhận đăng ký tổ chức hội chợ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương để cơ quan thuế làm cơ sở quản lý và thu thuế theo đúng quy định.

5. Cục Quản lý thị trường

Tăng cường phối hợp với cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin, kiểm tra phát hiện và xử lý các trường hợp gian lận thương mại; gắn việc chống buôn lậu và gian lận thương mại với việc chống trốn thuế.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin về đất đai, giải quyết các vướng mắc về đất đai... để đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thu ngân sách liên quan đến đất đai; chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai và các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tổ chức tốt hoạt động của bộ phận “Một cửa liên thông” của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai và trong thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đến kinh doanh bất động sản.

7. Công an tỉnh Quảng Bình

Tăng cường phối hợp, chia sẻ với cơ quan thuế trong việc khai thác cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia trên địa bàn theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế để kịp thời phát hiện, điều tra xử lý các trường hợp thành lập doanh nghiệp để thực hiện hành vi mua bán hóa đơn, các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để gian lận, kê khai thuế nhằm mục đích trốn thuế,..., kiểm soát người nộp thuế đã được khoanh nợ, xóa nợ góp phần chống thất thu thuế, thu hồi các khoản tiền thuế bị thất thoát cho ngân sách nhà nước; đẩy mạnh điều tra, xử lý các vụ án trốn thuế, gian lận về thuế.

8. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Quảng Bình

Chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp với cơ quan thuế khi có yêu cầu cung cấp các thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế; thực hiện trích, chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế vào ngân sách nhà nước theo quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và lệnh thu của cơ quan thuế.

9. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình

Phối hợp với Cục Thuế đẩy mạnh tuyên truyền về công tác thuế, trong đó trọng tâm là các chương trình cải cách hiện đại hóa do Cục Thuế tỉnh triển khai thực hiện; đăng tin, bài biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, phê phán các hiện tượng, hành vi vi phạm pháp luật thuế.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong việc tổ chức quản lý thuế trên địa bàn. Tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền về chính sách pháp luật thuế tại địa phương để người dân hiểu và chấp hành tốt pháp luật thuế.

Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện. Nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Cục Thuế tỉnh để được hướng dẫn./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các phó UBND;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Đài PT-TH QB, Báo QB,
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH

CHỦ TỊCH




Trần Thắng