ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/CT-UBND | Tân An, ngày 24 tháng 3 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO TRỒNG CÂY GÂY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN NĂM 2010 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
Trong những năm qua, sản xuất lâm nghiệp của tỉnh Long An gặp nhiều khó khăn, diện tích rừng ngày càng bị suy giảm: năm 2004, toàn tỉnh có 70.391 ha rừng tập trung, đến đầu năm 2010 chỉ còn 46.490 ha cùng với khoảng 223,44 triệu cây phân tán các loại (tương ứng với 17.769 ha). Phong trào trồng cây gây rừng bị tụt giảm, nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm từ rừng trồng (chủ yếu là cây tràm) gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, việc trồng cây kết hợp với chức năng phòng chống lũ lụt, chống xói lở chưa thực sự được coi trọng.
Để khắc phục tình hình trên, nhằm từng bước phát triển hệ thống cây trồng phân tán thay thế cho diện tích rừng tập trung bị mất, đảm bảo nhu cầu về môi trường sinh thái; thực hiện Chỉ thị số 4186/CT-BNN-LN ngày 12/12/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phát động "Tết trồng cây" đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Canh Dần năm 2010, UBND tỉnh chỉ đạo như sau:
1. UBND các cấp và các sở ban ngành từ tỉnh, huyện, xã phải tiến hành rà soát lại toàn bộ những nơi có khả năng trồng cây phân tán như các trục lộ giao thông, các bờ kênh mương, trụ sở cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, trạm xá, đất kinh tế hộ gia đình, đặc biệt chú trọng các tuyến, cụm dân cư mới xây dựng... để có kế hoạch trồng cây ngay từ mùa mưa năm 2010 và những năm sau. Ngành giáo dục, y tế, lực lượng vũ trang cần phải có chỉ tiêu cây xanh cho từng trường học, trạm xá, doanh trại.
2. Đối với các trục giao thông chính: giao cho Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Điện lực tỉnh, Công ty Viễn thông để tổ chức trồng cây lâm nghiệp lâu năm có giá trị cao (sao, dầu) với yêu cầu phải bảo đảm mỹ quan, an toàn giao thông, an toàn về đường điện, cáp quang. Đối với các tuyến quốc lộ, yêu cầu Sở Giao thông Vận tải làm việc với cơ quan chủ quản quốc lộ (khu quản lý đường bộ) và bàn bạc với chính quyền các địa phương để triển khai công tác trồng cây bảo vệ nền đường và tạo bóng mát.
3. Đối với các khu vực nội thị: giao cho UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện công tác trồng cây trên các lề đường và các khu vực công cộng.
4. Đối với các dự án, công trình xây dựng cơ bản đã thực hiện mà chưa có hệ thống cây xanh bảo vệ, UBND các huyện, thành phố Tân An có trách nhiệm chỉ đạo các chủ dự án, chủ công trình phải lập phương án trồng cây; chú ý chọn những công trình trọng điểm để thực hiện trong năm 2010.
Đối với các công trình xây dựng mới phải có bố trí hạng mục cây xanh, xem đây là yêu cầu bắt buộc trong quá trình lập dự án. Các ngành chức năng khi thẩm định dự án phải lưu ý đến việc trồng cây xanh thích hợp.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo khả năng của ngành có trách nhiệm hỗ trợ cây giống cho phong trào trồng cây gây rừng; hướng dẫn các địa phương về kỹ thuật trồng cây, xác định lịch thời vụ, biện pháp bảo vệ, chăm sóc, khai thác, thu hoạch sản phẩm bảo đảm tỷ lệ sống cao, cây trồng phát triển tốt và có hiệu quả.
6. Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cho các ngành và các địa phương bố trí vốn sự nghiệp lâm nghiệp phục vụ phong trào trồng cây, chủ động xét duyệt dự toán trồng cây ở các công sở và cấp kinh phí cho các cơ quan, đơn vị để trồng cây (cơ quan thuộc cấp nào thì ngân sách cấp đó chi).
7. Sở Xây dựng: khi chỉ đạo xây dựng các dự án hoặc công trình, phải lưu ý chỉ đạo trồng cây xanh bảo vệ và có thể tiến hành trước theo quy hoạch, nhất là các cụm, tuyến dân cư (trước mắt trồng xung quanh và mái taluy).
8. Ban quản lý các khu công nghiệp: có kế hoạch nhắc nhở và kiểm tra các nhà máy, xí nghiệp thuộc các khu công nghiệp trong việc tổ chức thực hiện việc trồng cây theo đúng quy định của Bộ Xây dựng.
9. Về biện pháp, chính sách trồng cây phân tán: việc tổ chức trồng cây dựa vào sức dân là chính, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí. Yêu cầu từng cây trồng phải có chủ, có người chăm sóc bảo vệ, trồng cây nào sống cây ấy.
- Đối với khu vực đất kinh tế hộ: tỉnh chủ trương vận động nhân dân đầu tư vốn và công sức lao động để trồng các loại cây thích hợp với điều kiện đất đai và có hiệu quả kinh tế. Đặc biệt ở những nơi có điều kiện, thì vận động mỗi hộ gia đình trồng ít nhất 2 cây lâm nghiệp lâu năm có giá trị cao (sao, dầu…).
- Đối với các đơn vị sự nghiệp có thu, các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp thuộc hệ Đảng, đoàn thể: từng cơ quan, đơn vị phải chủ động có kế hoạch trồng cây.
- Đối với khu vực trường học: chủ yếu là vận động giáo viên và học sinh trồng các loại cây tạo bóng mát sẵn có tại địa phương (điệp, me tây, phượng vỹ...) để trồng quanh trường và khu vực sân chơi, đồng thời ngành giáo dục có dự toán kinh phí xin vốn ngân sách cấp để hỗ trợ phần cây giống.
- Đối với các khu vực công cộng (các trục lộ giao thông, bờ kênh mương, trụ sở cơ quan, doanh trại quân đội ... ): các cấp chính quyền và các cơ quan ban ngành huy động lao động tại chỗ để trồng cây. Chi phí cho cây giống được lấy từ nguồn vốn sự nghiệp lâm nghiệp. Cây trồng thuộc địa bàn cơ quan, địa phương nào thì do cơ quan địa phương đó quản lý, chăm sóc bảo vệ, khai thác và thu hoạch sản phẩm theo kế hoạch chung.
- Đối với các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành, Tân Trụ cần tiếp tục xem xét bố trí diện tích trồng cây, trồng rừng phòng hộ để bảo vệ hệ thống đê chống mặn xâm nhập.
- UBND các huyện, thành phố và các xã phường tổ chức giao từng đoạn lộ, đoạn kênh cho từng hộ dân hoặc đơn vị trực tiếp nhận trồng cây, tổ chức chăm sóc bảo vệ. Để khuyến khích phong trào, các tổ chức và cá nhân có công trồng, chăm sóc, bảo vệ cây do Nhà nước cấp giống thì được hưởng toàn bộ giá trị sản phẩm khai thác; sau khi khai thác phải tái sinh hoặc trồng lại ngay. Những hộ dân trồng cây trên các khu vực công cộng phải xin phép chính quyền địa phương và được hưởng toàn bộ sản phẩm. Các cấp các ngành phải đặc biệt quan tâm tạo điều kiện để thực hiện có kết quả phong trào trồng cây.
10. Về quản lý bảo vệ cây trồng: UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt hành chính và buộc bồi thường thiệt hại đối với những vi phạm làm hại đến cây trồng của nhân dân và của Nhà nước. Giao nhiệm vụ cho Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn thực hiện cụ thể vấn đề này.
11. Các cơ quan thông tin đại chúng phải tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin công tác trồng cây trong toàn tỉnh.
Cuộc vận động trồng cây gây rừng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và phải được phát động thành phong trào quần chúng rộng khắp. Căn cứ tình hình thực tế, UBND các huyện, thành phố lập kế hoạch tổ chức lễ phát động "Tết trồng cây" nhân kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tùy theo thời tiết thuận lợi mà chọn ngày tổ chức trồng cây phù hợp, không nhất thiết phải tổ chức lễ vào đúng ngày 19 tháng 5. Kinh phí tổ chức lễ được sử dụng từ nguồn sự nghiệp lâm nghiệp của địa phương.
Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các ngành, các dự án có liên quan, UBND các huyện và thành phố có kế hoạch, biện pháp triển khai cụ thể, chỉ đạo phong trào trồng cây gây rừng năm 2010 và các năm sau đạt kết quả cao.
Nhận được chỉ thị này, yêu cầu các ngành các cấp tích cực triển khai thực hiện, thường xuyên báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh để theo dõi chỉ đạo kịp thời./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1 Chỉ thị 04/2010/CT-UBND phát động, thực hiện Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Canh Dần năm 2010 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 2 Chỉ thị 07/2008/CT-UBND tổ chức Tết trồng cây năm 2008 do thành phố Cần Thơ ban hành
- 3 Chỉ thị 09/2007/CT-UBND tổ chức Tết trồng cây hàng năm do Thành phố Cần Thơ ban hành
- 1 Chỉ thị 09/2007/CT-UBND tổ chức Tết trồng cây hàng năm do Thành phố Cần Thơ ban hành
- 2 Chỉ thị 04/2010/CT-UBND phát động, thực hiện Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Canh Dần năm 2010 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
- 3 Chỉ thị 07/2008/CT-UBND tổ chức Tết trồng cây năm 2008 do thành phố Cần Thơ ban hành