Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 06/2008/CT-BYT

Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ

Nghị quyết số 46 NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã khẳng định: “nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”.

Với đặc thù đào tạo nhân lực y tế là việc tổ chức đào tạo luôn gắn liền với thực hành, thực tập tại các cơ sở y tế ở nhiều tuyến khác nhau. Thực hiện Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, nhằm chấn chỉnh việc xác định quy mô đào tạo, quản lý và tổ chức đào tạo, liên kết đào tạo và mở ngành đào tạo trong lĩnh vực y tế, góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, các cơ sở y tế có học sinh, sinh viên y dược đến thực tập, thực hành thực hiện tốt các nội dung sau đây:

1. Về tuyển sinh: trên cơ sở các quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở đào tạo xác định quy mô đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm như sau:

a) Quy mô đào tạo:

Tỷ lệ học sinh-sinh viên quy đổi trên số giáo viên-giảng viên quy đổi không vượt quá định mức: 20 học sinh/giáo viên đối với đào tạo trung cấp; 15 sinh viên/giảng viên đối với đào tạo cao đẳng; 10 sinh viên/giảng viên đối với đào tạo đại học.

b) Chỉ tiêu tuyển sinh:

- Tổng số học sinh, sinh viên hệ chính quy tập trung đạt tối thiểu 60% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm sau khi đã quy đổi.

- Các trường đại học hoặc cao đẳng đã được thành lập từ 3 năm trở lên (tính đến 30 tháng 6 hàng năm) có đào tạo các trình độ thấp hơn thì tổng chỉ tiêu tuyển sinh (chưa quy đổi) các trình độ thấp hơn không vượt quá 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.

2. Việc tổ chức đào tạo phải được thực hiện tại các cơ sở có chức năng đào tạo nhân lực y tế theo đúng trình độ đã được phép đào tạo. Các cơ sở đào tạo nhân lực y tế phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và trình độ đội ngũ giáo viên theo đúng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Các cơ sở đào tạo nhân lực y tế phải có đủ các cơ sở thực hành ngoài trường theo các tuyến y tế, trong đó phải xác định cơ sở thực hành chính đảm bảo có đủ các điều kiện như sau:

a) Đối với đào tạo về y, điều dưỡng, kỹ thuật y học:

- Đào tạo đại học: cơ sở thực hành chính là bệnh viện đa khoa hạng 1 trở lên hoặc bệnh viện đa khoa tuyến trung ương.

- Đào tạo cao đẳng và trung cấp: cơ sở thực hành chính là bệnh viện đa khoa hạng 2 hoặc bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và tương đương trở lên.

b) Đối với đào tạo về dược:

- Đào tạo dược sỹ đại học: cơ sở thực hành chính là cơ sở sản xuất dược phẩm đạt GMP, cơ sở kiểm nghiệm thuốc đạt GLP, cơ sở kinh doanh thuốc đạt GPP và GSP theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và bệnh viện đa khoa hạng 1 hoặc bệnh viện đa khoa tuyến trung ương.

- Đào tạo dược sỹ cao đẳng, trung cấp: cơ sở thực hành là cơ sở sản xuất dược phẩm đạt GMP, cơ sở kiểm nghiệm thuốc đạt GLP, cơ sở kinh doanh thuốc đạt GPP và GSPtheo quy định hiện hành và bệnh viện đa khoa hạng 2 hoặc bệnh viện tuyến tỉnh.

c) Các bệnh viện có học sinh-sinh viên y, dược đến thực tập, thực hành phải đảm bảo tỷ lệ tối đa 2 học sinh-sinh viên quy đổi/giường bệnh. Các cơ sở thực hành chỉ được công nhận là cơ sở thực hành chính của không quá 3 cơ sở đào tạo.

4. Các trường hoặc cơ sở đào tạo chuyên ngành không thuộc về lĩnh vực y sinh học không được đăng ký mở ngành đào tạo nhân lực y tế.

Các cơ sở đào tạo khi đăng ký nhiệm vụ đào tạo nhân lực y tế phải chuẩn bị đủ các điều kiện cơ sở thực hành, thực tập về chuyên môn trước khi tuyển sinh.

Điều kiện thực hành, thực tập chuyên môn tại trường phải đạt các quy chuẩn chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế. Điều kiện thực hành, thực tập chuyên môn ngoài trường phải đảm bảo các tiêu chí tại khoản 3 nói trên và các quy định hiện hành.

Bộ Y tế sẽ xem xét, đánh giá về các điều kiện chuyên môn và chỉ cho phép tổ chức đào tạo khi đủ điều kiện cơ bản, làm căn cứ pháp lý để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Số cán bộ giảng dạy cơ hữu của cơ sở đào tạo phải đảm bảo đảm nhiệm tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo; những ngành học mới đào tạo tại Việt Nam, tỷ lệ tối thiểu là 40%. Các cơ sở đã được phép đào tạo chưa đảm bảo tỷ lệ trên phải có kế hoạch để đạt chuẩn về cán bộ giảng dạy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian 3 năm (đối với đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp) hoặc 5 năm (đối với đào tạo trình độ đại học).

5. Các cơ sở đào tạo phải có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo cán bộ giảng dạy, đảm bảo các điều kiện về nguồn lực và tổ chức để tiến tới đạt chuẩn chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế theo đúng các cam kết khi thành lập trường hoặc đăng ký mở ngành đào tạo.

6. Về liên kết đào tạo:

Các cơ sở đào tạo chỉ được phép thực hiện liên kết đào tạo với các đơn vị đào tạo là các trường có chức năng đào tạo nhân lực y tế cùng trình độ và đã được phép đào tạo hệ chính quy tập trung ít nhất là 1 khóa học ngành học sẽ liên kết. Chỉ tiêu đào tạo liên kết nằm trong tổng chỉ tiêu của trường cấp bằng. Các trường không liên kết với cơ sở đào tạo khi ở tỉnh/thành phố nơi cơ sở đào tạo đó đặt địa điểm đào tạo có cơ sở đào tạo khác đang đào tạo và còn đủ năng lực đào tạo đối tượng dự định liên kết. Việc liên kết đào tạo phải được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố nơi cơ sở đào tạo đó đặt địa điểm đào tạo và được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền.

7. Việc đào tạo hệ vừa làm vừa học không áp dụng với đào tạo bác sỹ, dược sỹ đại học. Các ngành hoặc trình độ đào tạo khác phải được sự đồng thuận của Bộ Y tế.

8. Kết thúc mỗi năm học, ngoài việc báo cáo theo quy định, các cơ sở đào tạo nhân lực y tế có nhiệm vụ báo cáo Bộ Y tế về việc quản lý đào tạo, liên kết đào tạo và tổ chức đào tạo, đặc biệt là việc tổ chức thực tập, thực hành.

9. Giao Vụ Khoa học và Đào tạo chủ trì xây dựng hoàn thiện các quy chuẩn đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế theo đúng các quy định của Luật Giáo dục và các quy định hiện hành; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị này và kết quả kiểm tra, giám sát báo cáo để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

10. Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề vướng mắc đề nghị các cơ sở phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Vụ Khoa học và Đào tạo), 138A Giảng Võ, Hà Nội để xem xét giải quyết./.

 

 

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Quốc Triệu